Cuộc chiến 5G (Kỳ 3: Khi phương Tây bừng tỉnh)
Phương Tây từ lâu đã có những lo ngại về thiết bị viễn thông Trung Quốc. Năm 2012, một báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã kết luận, các Cty công nghệ Trung Quốc đặt ra mối đe dọa an ninh quốc gia.
Huawei hiện đang cung cấp công nghệ 5G tiên tiến nhất - và giá rẻ nhất trên thế giới. Ảnh: AFP |
Chuyến đi bất ngờ của Thủ tướng Turnbul
Vào tháng 2-2018, ông Malcolm Turnbull, khi đó là Thủ tướng Australia, đã đến Washington.
Ngay cả trước khi cơ quan nghe lén Australia thử nghiệm "trò chơi chiến tranh", ông Turnbull đã giương cờ đỏ ở Washington. Là một cựu doanh nhân công nghệ, ông tin rằng, mạng 5G của Huawei đặt ra những rủi ro đáng kể và muốn ép các đồng minh hành động chống lại Huawei. Ông Turnbull đã cảnh báo về tầm quan trọng của mạng 5G và rủi ro bảo mật, một nguồn tin cấp cao của Australia nói với Reuters. Người phát ngôn của Thủ tướng Turnbull từ chối bình luận. Tuy nhiên, trên thực tế, ông Turnbull và các cố vấn đã gặp các quan chức Mỹ, bao gồm Kirstjen Nielsen, sau đó là Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ, và Michael Rogers, sau đó là người đứng đầu Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ.
Bộ trưởng Rogers sau đó từ chối bình luận về vấn đề này. Một quan chức của Bộ An ninh Nội địa đã không nói rõ về cuộc họp, nhưng cho biết cơ quan này hợp tác chặt chẽ với Australia về các vấn đề an ninh và Trung Quốc. Hai đồng minh cũng sẽ tiếp tục sử dụng các hoạt động gián điệp không gian mạng và tăng cường khả năng tấn công mạng để hỗ trợ các ưu tiên an ninh quốc gia. Washington thậm chí đã dùng tâm lý nước lớn để gây áp lực với các nước đồng minh như việc không chia sẻ thông tin tình báo... để từ chối sản phẩm của Trung Quốc.
Những chia rẽ trong nhóm Five Eyes
Cho đến nay, Liên minh Châu Âu (EU) đã để các chính phủ riêng lẻ quyết định có nên cấm bất kỳ Cty nào vì lý do an ninh quốc gia hay không. Một số quan chức an ninh Châu Âu nói rằng, việc cấm một nhà cung cấp không giải quyết vấn đề rộng lớn hơn về những rủi ro do công nghệ Trung Quốc nói chung.
Tuy nhiên, căng thẳng về Huawei cũng phơi bày những chia rẽ trong nhóm Five Eyes, vốn là nền tảng của kiến trúc an ninh phương Tây sau Thế chiến II. Trong chuyến đi đến London hồi tháng 5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo nghiêm khắc với nước Anh rằng, không sử dụng mạng 5G của Huawei. "Hệ thống bảo mật không đủ khả năng sẽ khiến khả năng chia sẻ một số thông tin nhất định của Mỹ bị giới hạn. "Những tranh cãi giữa Mỹ và các đồng minh chính xác những gì Trung Quốc muốn; họ muốn chia rẽ các liên minh phương Tây thông qua các bit và byte, chứ không phải đạn và bom", ông Pompeo nhấn mạnh.
Vấn đề ở đây là bất chấp cảnh báo của Mỹ và những rủi ro an ninh, Anh đã không loại bỏ hoàn toàn mạng 5G của Huawei. London vẫn cho phép Huawei cung cấp thiết bị cho mạng 5G đi kèm với các điều kiện bảo mật. Đối với Mỹ, việc chỉ đặt thêm các rào cản kỹ thuật với Huawei và tiếp tục cấp phép cho Huawei phát triển hạ tầng 5G ở Anh thật sự gây lo ngại. Đây cũng là vấn đề trọng tâm trong chuyến thăm Anh mới đây của Tổng thống Trump sau khi ông chủ Nhà Trắng bác bỏ mọi ý tưởng rằng bất đồng có thể đe dọa tới việc chia sẻ tin tình báo giữa hai nước đồng minh thân cận. New Zealand cũng như Anh, không loại bỏ hoàn toàn Huawei.
Huawei luôn bác bỏ mọi cáo buộc. "Ông Nhậm Chính Phi (người sáng lập Huawei) luôn duy trì tính toàn vẹn và độc lập của Huawei. Chúng tôi chưa bao giờ nhận được yêu cầu hợp tác từ chính phủ Trung Quốc và nếu có, chúng tôi cũng sẽ từ chối làm như vậy trong bất kỳ trường hợp nào", tuyên bố của hãng này cho biết. Trong cuộc phỏng vấn với Reuters tại trụ sở của Cty ở Thẩm Quyến, Phó Chủ tịch Eric Xu cho biết, Huawei không cho phép bất kỳ chính phủ nào cài đặt cái gọi là "gián điệp" trong thiết bị của mình - và sẽ không bao giờ làm như vậy.
KHẢ ANH