Cuộc chiến chống Taliban của Mỹ

Thứ hai, 23/10/2017 14:40

Taliban không đạt được nhiều thành tích trong mùa chiến đấu năm nay, nhưng tuyên bố vẫn sẵn sàng chiến đấu với Mỹ. Afghanistan hoan nghênh cách tiếp cận "chiến đấu và giành chiến thắng" của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng con đường dẫn đến đích vẫn chưa rõ ràng.

Con đường chiến thắng Taliban của Mỹ tại Afghanistan vẫn còn gian nan. Ảnh: CSMonitor

Taliban vẫn mạnh

Trong các mùa chiến đấu năm 2015 và 2016 ở Afghanistan, các phần tử nổi dậy Taliban đạt được những thành công đáng kể. Chúng chiếm thủ phủ tỉnh Kunduz vào năm 2015, trước khi để mất nó, và một thời gian ngắn sau đó đã kiểm soát một phần của thành phố vào năm 2016. Chúng cũng chiếm được nhiều khu vực trung tâm của các huyện trong tỉnh. Những tiến bộ của Taliban cũng đe dọa một số thủ phủ của các tỉnh khác, vì tầm vươn của chúng đã mở rộng sang 1/3 lãnh thổ Afghanistan.

Tuy nhiên, mùa chiến đấu năm 2017 đã khác. Theo các nhà phân tích, không có thủ phủ của tỉnh nào bị thất thủ, và lợi ích chiến lược của Taliban đã bị hạn chế, chủ yếu là do Tổng thống Trump gia tăng đột ngột lực lượng không quân ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1. Một quan chức phương Tây ở Kabul cho rằng, Mỹ "đã đưa B-52 đến để trả thù". "Chúng tôi đã không làm điều đó từ năm 2001 và 2002, vì vậy đây là một sự thay đổi lớn", ông này cho biết.

Sự gia tăng các cuộc không kích lên mức cao nhất kể từ năm 2010 càng được tăng cường bởi chiến lược mới của Mỹ về "chiến đấu và giành chiến thắng" đã được Tổng thống Trump kết luận vào cuối tháng 8. Sau khi tuyên bố mục tiêu mới là "chiến thắng", ông Trump nâng tổng số quân đội Mỹ chiến đấu tại Afghanistan lên 15.000 binh sĩ, và không đưa ra thời hạn rút quân như cựu Tổng thống Barack Obama đã từng làm.

Tuy nhiên, cuộc chiến năm nay vẫn đang xảy ra đẫm máu, kể từ khi Taliban bắt đầu cuộc tấn công vào mùa xuân vào tháng 4 nhằm vào  một trong những căn cứ quân sự an toàn nhất ở Afghanistan. Chúng cải trang thành binh sĩ, tấn công và giết chết 250 người. Các vụ tấn công của Taliban vẫn tiếp diễn: Hôm 17-10, một làn sóng các vụ tấn công tự sát nhằm vào các mục tiêu của cảnh sát và chính phủ ở phía nam, phía đông và phía tây đất nước đã giết chết ít nhất 74 người và làm bị thương nhiều người. Hôm 19-10, Taliban bắt giữ 43 binh sĩ, phá hủy trại quân đội ở phía nam tỉnh Kandahar; trong khi ở phía bắc, một cuộc phục kích của Taliban đã cướp đi mạng sống của 6 cảnh sát.

Và Taliban hiện vẫn kiểm soát lãnh thổ nhiều hơn bất cứ lúc nào kể từ khi chúng bị Mỹ lật đổ vào năm 2001. Báo cáo chính thức của Mỹ cho thấy trong 2 quý đầu năm 2017, chính phủ kiểm soát "ổn định" chỉ 59,7% lãnh thổ Afghanistan.

Quan chức phương Tây trên cho biết, vẫn chưa rõ những ảnh hưởng của cuộc các không kích và liệu chính phủ có thể ngăn chặn nếu Taliban chiếm được 2 hoặc 3 thủ phủ của các tỉnh. Cũng không rõ là liệu chính phủ Afghanistan và các lực lượng an ninh Afghanistan có thể tận dụng lợi thế hiện tại để thay đổi thế bế tắc trong 16 năm qua. Trong khi đó, mức tăng quân khiêm tốn của ông Trump (3.900 binh sĩ) đang gây tranh cãi, bởi vì ngay cả khi có hơn 100.000 quân đang hoạt động trong năm 2010 và 2011, Mỹ cũng không thể thổi bay Taliban. Tuy nhiên, các nhà phân tích tại Kabul nói rằng, chính sách mới của Mỹ sẽ thúc đẩy tâm lý của chính phủ Afghanistan và các lực lượng an ninh nước này.

Tăng cường sức mạnh không quân Afghanistan

Mặc dù vậy, chiến lược mới của Mỹ được nhiều người dân Kabul hoan nghênh sau nhiều năm phải nghe quá nhiều những tin tức xấu. Tuy nhiên, Mỹ cần có các bước để tránh tấn công các mục tiêu phi quân sự.

Theo số liệu thống kê của quân đội Mỹ, Không quân Mỹ đã ném 751 quả bom vào tháng 9 so với con số 503 trong tháng 8, tăng gần 50%. Trong khi đó, báo cáo của LHQ cho thấy, số thương vong dân sự đã tăng 67% do các cuộc không kích của Mỹ trong nửa đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm 2016. Các quan chức của Washington và Kabul đã bắt tay vào kế hoạch hiện đại hóa sức mạnh không quân Afghanistan. Kế hoạch này kêu gọi tăng gấp 3  lần năng lực của Không quân Afghanistan trong chương trình kéo dài 5 năm bao gồm bổ sung 159 trực thăng Black Hawk mới và tăng gấp đôi quy mô các đơn vị hoạt động đặc biệt. Số tiền tài trợ cho năm đầu tiên của chương trình đã được phân bổ, và sẽ được cấp thêm mỗi năm.

Trong lần chuyển giao các trực thăng Black Hawk đầu tiên tại sân bay Kandahar trong tháng này, vị chỉ huy hàng đầu của Mỹ tại Afghanistan, tướng John Nicholson, đã thề rằng "một làn sóng triều cường mới" sẽ là  "sự bắt đầu của việc đặt dấu chấm hết cho Taliban".

Lời thề của Taliban

Ngay cả khi Tổng thống Trump cảnh báo hồi tháng 8 rằng "không có nơi nào nằm ngoài sức mạnh của Mỹ và vũ khí Mỹ", Taliban đáp lại với lời thề sẽ tiếp tục cuộc chiến chừng nào "lính Mỹ duy nhất" vẫn còn ở Afghanistan. Phát ngôn viên Taliban, Zabihullah Mujahid, nói: "Có vẻ như Mỹ chưa sẵn sàng để chấm dứt cuộc chiến dài nhất trong lịch sử. "Ông Trump từng nói người Mỹ đã quá mệt mỏi vì cuộc chiến lâu dài ở Afghanistan. Chúng tôi thấy lo cho họ và các quan chức Mỹ phải chấp nhận thực tế này".

Tuy nhiên, Trung tá Abdul Raqib Mubariz, chỉ huy Đơn vị Ứng phó Khủng hoảng của Afghanistan cho biết sự hiện diện của Mỹ được chào đón. "Người Mỹ nên ở đây, điều đó là cần thiết. Quân đội của chúng tôi cần họ đào tạo thế hệ trẻ. Chỉ có thế hệ trẻ mới có thể đứng vững trên đất nước này", ông Mubariz, cho biết.

AN BÌNH