CHỐNG KHAI THÁC CÁT TRÁI PHÉP Ở QUẢNG NAM:

Cuộc chiến chưa có hồi kết (Kỳ 1: Biện pháp mạnh nhưng thực hiện chưa đủ... mạnh)

Thứ sáu, 01/06/2018 13:37

Các cơ quan chức năng tại Quảng Nam liên tục ban hành các biện pháp mạnh để chống "sa tặc" nhưng xem ra vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Hai dòng sông Vu Gia, Thu Bồn vẫn tiếp tục bị đục khoét và hàng ngàn m3 cát bị khai thác trái phép mỗi ngày.

Lực lượng CA thị xã Điện Bàn và CSGT đường thủy CA tỉnh Quảng Nam bắt giữ các phương tiện khai thác cát trái phép.

Theo thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi, tại Quảng Nam hiện có gần 200 tàu (mỗi tàu có tổng khối lượng từ 50m3 đến 100m3) chuyên làm công việc hút, vận chuyển cát trên sông, tập trung chủ yếu ở 3 địa phương Điện Bàn, Duy Xuyên và Đại Lộc. Ngoài vận chuyển, một số tàu chuyên thực hiện hút cát trộm tại các bãi bồi ven sông. Với số lượng lớn cộng với nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng cao..., các cơ quan chức năng dù áp dụng nhiều biện pháp mạnh nhưng nạn khai thác cát trái phép trên địa bàn vẫn chưa hạ nhiệt.       

Biện pháp đầu tiên được Quảng Nam ban hành là các tàu vận chuyển cát trên sông không được trang bị dụng cụ hút cát (gồm máy bơm và ống hút) được thực hiện từ ngày 1-7-2017. Thế nhưng, gần 1 năm trôi qua chủ trương này vẫn chưa thể thực hiện, máy hút cát vẫn ngang nhiên tồn tại trên các tàu. Nhiều ý kiến cho rằng, chủ trương này chưa thể triển khai vì có sự chồng chéo giữa các cơ quan chức năng. Cụ thể, ngành Giao thông- Vận tải, Công an và chính quyền các địa phương chưa có sự thống nhất trong việc tuần tra, kiểm soát và xử lý đối với những phương tiện trang bị máy hút cát. Trao đổi cùng chúng tôi, ông Phan Minh Dũng- Phó Chủ tịch UBND TX Điện Bàn phát biểu: Qua làm việc cùng lãnh đạo sở Giao thông- Vận tải đã xác định trong hồ sơ thiết kế và kiểm định cho tàu chở cát không có hạng mục máy hút. Vì vậy, UBND TX Điện Bàn thống nhất giao cho cơ quan CA  tổ chức kiểm tra, buộc chủ phương tiện tự tháo dỡ máy. Trong trường hợp chủ phương tiện không tự giác thực hiện sẽ bị các cơ quan chức năng cưỡng chế thực hiện. Tuy nhiên, từ khi chủ trương này có hiệu lực pháp luật đến nay trên địa bàn Quảng Nam chưa có tàu nào bị các cơ quan chức năng áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc ra quyết định tịch thu máy hút.

Cùng với biện pháp trên, UBND tỉnh Quảng Nam còn quy định: Tại mỗi mỏ cát chỉ được trang bị một máy hút, phục vụ cho việc khai thác cát đúng với vị trí, trữ lượng ghi trong giấy phép. Thế nhưng, quy định này vẫn không thể áp dụng vào thực tế vì tại Quảng Nam đang diễn ra tình trạng sang nhượng bãi tập kết và mỏ cát một cách khá phổ biến. Một số công ty lợi dụng mối quan hệ quen biết đã lập hồ sơ xin giấy phép khai thác mỏ, bến bãi sau đó bán lại cho công ty khác lấy lãi hoặc có trường hợp được cấp giấy phép nhưng chỉ khai thác cầm chừng, chủ yếu là phát hành, bán hóa đơn GTGT và từ hành vi này đã tiếp tay cho các đối tượng "hợp pháp hóa" số lượng cát vừa khai thác trộm.

Một biện pháp khác được các địa phương tại Quảng Nam áp dụng nhằm hạn chế tình trạng khai thác, mua bán cát lậu là việc lắp đặt camera giám sát tại khu vực mỏ và các bến bãi tập kết cát. Ông Hồ Ngọc Mẫn- Phó Chủ tịch UBND H. Đại Lộc cho biết: Năm 2017 hoạt động tại một số mỏ cát còn các hạn chế như khai thác sai vị trí, quá trình vận chuyển không đảm bảo vệ sinh môi trường... Vì thế, UBND huyện yêu cầu ngành TN&MT H.  Đại Lộc hỗ trợ các chủ mỏ lắp đặt camera giám sát khu vực mỏ, bến bãi. Tuy nhiên, theo nhiều người biện pháp "quản lý từ xa" thông qua hệ thống camera vẫn chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng vì máy móc không thể quán xuyến toàn bộ công việc nên tình trạng khai thác, tiêu thụ cát lậu vẫn thường xuyên diễn ra.

Tiếp tục, đầu tháng 5-2018 UBND tỉnh Quảng Nam áp dụng  một biện pháp mới, đó là cấm các loại phương tiện hoạt động khai thác, vận chuyển và bến bãi tổ chức mua bán cát vào ban đêm. Thế nhưng, biện pháp này vẫn là "một câu hỏi lớn không lời đáp...", "sa  tặc" vẫn tiếp tục hoành hành và một số bến cát trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động.

Tại sao nhiều biện pháp mạnh được áp dụng nhưng vấn nạn khai thác cát trái phép vẫn không thuyên giảm? Theo tìm hiểu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do lực lượng chức năng tại các địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác tuần tra, truy bắt các đối tượng vi phạm. Hơn nữa, về kinh phí, thiết bị không được trang bị một cách đầy đủ, chưa đáp ứng nhiệm vụ được giao... Ngoài ra, một số cơ quan còn có thái độ thờ ơ với công việc, xem đây là trách nhiệm chính của lực lượng CA, nhất là CSGT đường thủy... Đây là vấn đề nóng của nhiều địa phương, phải được xem là nhiệm vụ chung, thường xuyên của nhiều cơ quan khác nhau, như: Tài nguyên- Môi trường, Giao thông- Vận tải... Không thể xem đây là nhiệm vụ chính của ngành CA. Vì thế, dù biện pháp đưa ra có mạnh đến cỡ nào nhưng không có sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương thì vẫn chưa đủ mạnh. Đại tá Lê Trung  Hai- Trưởng CATX Điện Bàn, trao đổi.

(còn nữa)

M.T