“Cuộc chiến” dài lâu

Thứ tư, 02/04/2014 09:11

(Cadn.com.vn) - Có thể thấy, việc Manila nộp hàng ngàn tài liệu bằng chứng lên Tòa án quốc tế chống lại yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông chính thức mở ra  cuộc chiến dài hơi cho quốc gia Đông Nam Á này.

Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án quốc tế vào tháng 1-2013, phản đối tuyên bố chủ quyền về “đường lưỡi bò”, vốn chiếm khoảng 80% vùng biển chiến lược, cũng như hành động chiếm giữ trái phép các bãi biển và rạn san hô của Bắc Kinh. Đây là cuộc chiến dài lâu bởi Trung Quốc kiên quyết không tham gia vụ kiện và bản thân Ngoại trưởng Philippines cũng cho rằng, một phán quyết về vụ án này khó có thể kết thúc trước năm 2015.

Tuy nhiên, vụ kiện lần này chứng kiến lần đầu tiên các chuyên gia pháp lý quốc tế chính thức xem xét tính hợp lệ về tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc ở biển Đông. Trong khi có nhiều báo cáo về cuộc chiến PR (quan hệ công chúng) của Trung Quốc chống lại Nhật Bản, có thể nhận thấy, Philippines cũng đang nỗ lực để bảo vệ lãnh thổ tranh chấp ở “tòa án công luận”.

Bằng cách yêu cầu một tòa án LHQ phán xét về những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với hầu hết biển Đông với lý lẽ rằng: căn cứ theo Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS), lập trường của Trung Quốc là bất hợp pháp và cản trở quyền chủ quyền đối với thềm lục địa của Manila, Philippines không chỉ hy vọng sẽ giành chiến thắng thuận lợi mà còn muốn chứng minh họ là một lực lượng tích cực trong khu vực.

Hiện cả Bắc Kinh và Manila đều đã ký UNCLOS, song Trung Quốc biện minh, những điều khoản trong UNCLOS không áp dụng trong vụ tranh chấp này. Bắc Kinh vẫn một mực kiên quyết không tham gia vụ kiện, cho rằng, họ không làm gì sai.

Truyền thông Trung Quốc thậm chí còn cáo buộc Philippines phi đạo lý và vi phạm luật pháp quốc tế khi tìm kiếm sự phân xử của LHQ. Tờ People Daily, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc viết: “Hành động của phía Philippines vi phạm luật pháp quốc tế và sự thật lịch sử, đi ngược lại đạo lý và những nguyên tắc cơ bản của các mối quan hệ quốc tế”.

Rõ ràng, các nhà lãnh đạo Philippines biết rằng, Trung Quốc sẽ không tham gia vụ kiện bằng cách gửi yêu cầu phản tố, động thái khiến Philippines nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng. Mặc dù chiến thắng này sẽ không “thực tế”, không thể làm thay đổi tình hình tranh chấp biển đảo, nhưng đó sẽ là một chiến thắng PR cho Philippines.

Và vụ việc lần này cũng sẽ giúp chứng minh một thực tế, bất chấp phản đối của Trung Quốc, trọng tài LHQ chỉ dựa trên UNCLOS để đưa ra các phán quyết.  UNCLOS là cơ sở pháp lý quan trọng cho các tuyên bố chủ quyền ở biển Đông và Trung Quốc cần phải tuân theo.

Thanh Văn