"Cuộc chiến" điện hạt nhân ở Ấn Độ

Thứ tư, 08/06/2016 10:35

(Cadn.com.vn) - Phụ nữ là những người đang dẫn đầu các cuộc biểu tình ở bang Tamil Nadu, Ấn Độ nhằm phản đối xây dựng một nhà máy điện hạt nhân tại đây. Thế nhưng, chiến dịch kêu gọi công bằng của họ lại không được những người xung quanh ủng hộ. Vì sao như vậy?

Phía sau nhà thờ Lourdes Matha tại làng Idinthakarai ở phía nam Ấn Độ là một làng chài nhỏ bé. Đây chính là nơi sinh sống của những người phụ nữ lớn tuổi, nhưng sẵn sàng gác lại công việc mưu sinh hằng ngày để biểu tình phản đối nhà máy điện hạt nhân Kudankulam. Tính đến nay, những người phụ nữ kiên cường này tiến hành 1.754 cuộc biểu tình kể từ khi nhà máy trên bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2011.

 

Cuộc chiến đơn độc

Dân làng Idinthakarai ở bang Tamil Nadu biểu tình phản đối việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân từ cuối những năm 1980 từ khi những dự án này mới được đề xuất. Làn sóng phản đối điện hạt nhân tại đây leo thang kể từ sau trận động đất và sóng thần tàn phá nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản hồi tháng 3-2011, phát tán các chất phóng xạ nguy hiểm ra ngoài môi trường và buộc người dân phải sơ tán.

Dân làng lo ngại một thảm kịch tương tự có khả năng xảy ra tại các ngôi làng ven biển nơi dễ bị tổn thương bởi sóng thần trên Ấn Độ Dương. Cảnh sát được phái đến Idinthakarai để "kiềm chế" những người biểu tình. Họ buộc sử dụng súng hơi cay bắn vào đám đông khi bùng nổ biểu tình bạo lực. 5 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột này. Nhiều người dân, bao gồm các trưởng làng, bị bắt giữ về tội xúi giục nổi loạn. Chỉ vài tháng nữa nhà máy điện hạt nhân thứ 2 sẽ được xây dựng ở ngôi làng này bất chấp làn sóng biểu tình kéo dài nhiều năm qua. Quyết tâm của những người phụ nữ trên vẫn không hề thay đổi nhưng nhiều dân làng đã bắt đầu nhận ra sự vô ích của việc chống đối.

 "Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân không chỉ là vấn đề của riêng làng Idinthakarai hoặc Kudankulam mà là vấn đề tầm cỡ quốc tế. Nếu chính phủ đóng cửa nhà máy điện hạt nhân ở đây thì những cuộc biểu tình tương tự sẽ lan rộng khắp đất nước. Mọi người trong làng dường như nhận ra những nỗ lực của mình như "muối bỏ biển", ông Sagayaraj, chồng của trưởng làng Idinthakarai, nói.

Ai sẽ được hưởng lợi?

Khi Ấn Độ phát triển, nhu cầu năng lượng cũng tăng lên nhanh chóng. Theo thống kê gần đây, hơn 300 triệu người dân ở quốc gia này vẫn chưa được tiếp cận với điện. Theo báo cáo về triển vọng năng lượng thế giới, kim ngạch nhập khẩu năng lượng hằng năm của Ấn Độ là 120 tỷ USD và con số này dự đoán sẽ tăng lên 1.000 tỷ USD vào năm 2040. Vì vậy, theo chính phủ Ấn Độ, điện hạt nhân chính là giải pháp cấp bách để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.

Kết quả là Tổng Cty điện hạt nhân Ấn Độ được thành lập với sứ mệnh "sản xuất điện hạt nhân - nguồn năng lượng điện an toàn, thân thiện với môi trường và tiết kiệm - để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng của đất nước". Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là mặc dù hàng tỷ USD đầu tư vào các nhà máy năng lượng hạt nhân của Ấn Độ nhưng chúng chỉ sản xuất được hơn 37 triệu đơn vị điện, khoảng 2% lượng điện tiêu thụ mỗi năm của nước này. SP Udayakumar, nhà hoạt động chống điện hạt nhân ở thị trấn Nagercoil, nhận định, chương trình hạt nhân như một bài toán không những tốn kém mà còn gây nguy hiểm cho cuộc sống của hàng triệu người dân trên đất nước.

Ông còn chỉ ra thêm dẫn chứng khi hàng ngàn người dân vẫn sống trong bóng tối vì hầu hết năng lượng của Ấn Độ được sử dụng bởi các ngành công nghiệp. "Ai thực sự mới chính là những người được hưởng lợi từ các nhà máy điện hạt nhân? Không ai khác đó chính là các Cty nước ngoài đang xây dựng các nhà máy ở Ấn Độ", ông khẳng định.

Tuệ Khanh
(Theo Guardian)