Cuộc chiến giá dầu - khó có hồi kết

Thứ tư, 01/04/2020 08:24

Giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 17 năm qua, do nhu cầu sụt giảm vì đại dịch Covid-19 và cuộc chiến giá cả không ngừng nghỉ giữa Saudi Arabia và Nga không có dấu hiệu giảm bớt.

Căng thẳng bùng phát vào đầu tháng 3, khi Saudi Arabia kêu gọi các nước OPEC và đồng minh cắt giảm thêm 1,5 triệu thùng/ngày vào quý II nhằm bảo vệ giá dầu trước đại dịch. Theo thỏa thuận cũ, mức cắt giảm là 2,1 triệu thùng/ngày đến hết năm 2020 do tình hình biến động theo chiều hướng đi xuống của thị trường dầu mỏ. Tuy nhiên, trong cuộc họp của OPEC và các nước đồng minh sau đó tại Vienna, Nga bác bỏ mức cắt giảm và cho biết, kể từ ngày 1-4, các nước có thể tùy ý điều chỉnh sản lượng riêng của mình. Việc Nga quyết chọn một lối đi riêng mà không đồng thuận với các nước trong OPEC cho thấy động thái cứng rắn của Moscow trong cuộc chiến lần này. Đáp trả, Riyadh cũng thay đổi quyết định khi thúc đẩy OPEC tăng sản lượng dầu ngay sau khi thỏa thuận cũ kết thúc vào cuối tháng 3 này.

Cho đến nay, Saudi Arabia báo hiệu không có bước đột phá nào trong cuộc chiến giá dầu với Nga. Hồi cuối tuần qua, hai nước vẫn rơi vào bế tắc, trong đó Riyadh nói rằng, họ không đàm phán với Nga để ổn định thị trường dầu mỏ mặc dù Washington nhảy vào để gây áp lực cho cả hai bên chấm dứt cuộc chiến giá cả. Theo các nguồn tin, thậm chí, Ngân hàng Nga và Saudi Arabia không có dấu hiệu thỏa hiệp trong việc cung cấp dầu. Hôm 31-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm về vấn đề này, trong đó nhất trí về tầm quan trọng của việc ổn định thị trường năng lượng toàn cầu, động thái khiến giá dầu có nhích lên.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, cùng với những tuyên bố theo hai hướng khác nhau của Saudi Arabia – Nga, cuộc chiến giá dầu khó đi đến hồi kết. Ngoài ra, cả Riyadh và Moscow đều đang đi đến mục tiêu chung - một lợi ích duy nhất: nhằm vào ngành dầu đá phiến của Mỹ, làm suy yếu năng lượng của nền kinh tế số 1 thế giới. Trên thực tế, chi phí sản xuất dầu đá phiến của Washington cao hơn rất nhiều so với chi phí sản xuất dầu của cả Riyadh và Moscow. Điều này khiến Mỹ khó có thể đối đầu và thắng trong cuộc chiến lần này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói rằng ông có thể làm trung gian hoặc có cách nào đó can thiệp vào cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia khi cần, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu sự can thiệp của Mỹ có đủ để làm tan băng hay không?

THANH VĂN