Cuộc chiến khí đốt

Thứ ba, 02/09/2014 08:38

(Cadn.com.vn) - Khi cuộc xung đột quân sự ở Ukraine ngày càng leo thang, có một mặt trận khác đang bùng nổ giữa Kiev và Moscow: cuộc chiến khí đốt. Và mặt trận này có tác động sâu sắc hơn đối với Châu Âu so với cuộc xung đột quân sự.

Châu Âu thật sự rất lo lắng bởi dù mùa đông đang đến gần nhưng Nga và Ukraine vẫn bất đồng về giá mua bán khí đốt. Nếu cả hai không thể đi đến thỏa thuận, Châu Âu có thể bị gạt ra ngoài trong mùa đông giá lạnh sắp tới, theo đúng nghĩa đen.

Sau cuộc hội đàm hôm 29-8, cả hai đều đổ lỗi cho nhau khiến đàm phán thất bại. Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Yuri Prodan cho biết, Kiev thất vọng về việc Nga "thiếu cách tiếp cận mang tính xây dựng" trong đàm phán khí đốt. Kiev cho rằng, đề xuất mức giá bán khí đốt 385,5 USD/1.000m3 là quá cao.

Tuy nhiên, Moscow cho biết, mức giá này tương đương với giá Nga bán khí đốt cho chính quyền cựu Tổng thống Viktor Yanukovich -nhà lãnh đạo vốn có tư tưởng thân Điện Kremlin song đã bị lật đổ. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak còn tuyên bố sẵn sàng đàm phán về việc nối lại cung cấp khí đốt cho Kiev và sẵn sàng giảm giá trong nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận.

Trong bối cảnh gia tăng căng thẳng Đông-Tây liên quan tới Ukraine như thế này,  nhiều chuyên gia cảnh báo nguy cơ cao gián đoạn hoạt động cung cấp khí đốt của Moscow cho Châu Âu. Phía Moscow lo ngại khả năng nguồn cung khí đốt của Tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom chuyển cho Châu Âu sẽ bị Ukraine sử dụng trái phép phục vụ cho mục đích riêng.

Bản thân Kiev cũng cảnh báo, họ có thể ngừng hoạt động quá cảnh khí đốt của Nga qua Ukraine để trừng phạt Moscow. Nhưng Kiev cũng "đổ tội" cho Nga khi cho rằng, Moscow sẽ cắt đứt nguồn cung đến Châu Âu trong mùa đông này như một cách để gây áp lực, song Nga hoàn toàn bác bỏ.

Về phần mình, Châu Âu cũng lo ngại, Ukraine có thể đóng cửa quá cảnh khí đốt Nga qua lãnh thổ nước này, viễn cảnh đáng ngại khiến các nước Châu Âu cố gắng tìm kiếm những nhà cung cấp mới.

Thực tế cho thấy, những đường ống khí đốt của Nga đến Châu Âu thông qua Ukraine có nghĩa là Moscow hoặc Kiev có thể sử dụng dòng khí này như một vũ khí chính trị. Tất nhiên, Châu Âu không muốn bị "đóng băng" vào mùa đông này và đó là lý do tại sao họ cần phải mềm mỏng hơn với Moscow.

Xuất khẩu năng lượng chiếm hơn một nửa doanh thu hàng năm của Moscow. Lo ngại gia tăng khi các chuyên gia nói rằng, một trong hai kịch bản có thể xảy ra, - Kiev chặn nguồn cung khí đốt của Nga hoặc Moscow cắt nguồn cung cho Châu Âu - đặc biệt là nếu các cuộc đấu tranh chính trị và quân sự giữa Moscow và Kiev tồi tệ hơn nhiều.

Vào ngày 6-9, Nga với Ukraine và EU sẽ tiếp tục tham vấn về năng lượng. Người ta hy vọng các bên sẽ đạt được thỏa thuận về năng lượng trước mùa đông lạnh giá.

Thanh Văn