“Cuộc chiến ma túy” ẩn sau cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung

Thứ sáu, 15/11/2019 19:50

Việc Mỹ cáo buộc Trung Quốc đang làm “ngập” cộng đồng nước này bằng fentanyl được sản xuất bất hợp pháp khiến quan hệ song phương vốn chẳng tốt đẹp gì giữa Washington và Bắc kinh càng thêm căng thẳng. Việc Trung Quốc kết án 9 kẻ bán fentanyl cho người mua ở Mỹ hôm 7-11 được coi là “nhành ô liu” Bắc Kinh chìa ra cho Washington trong bối cảnh cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước đang diễn ra.

Mỹ cáo buộc Trung Quốc là nước cung cấp chính ma túy và các tiền chất hóa học bất hợp pháp vào nước này. Washington đã thúc giục Bắc Kinh kiềm chế nạn buôn bán bất hợp pháp, điều mà Trung Quốc phủ nhận có liên quan. Trong một bài đăng trên Twitter ngày 23-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không mạnh tay trong việc ngăn chặn dòng chảy thuốc phiện tổng hợp vào Mỹ.

Các gói fentanyl bất hợp pháp được thu giữ ở New York. Ảnh: Asia Times

Ngành công nghiệp trị giá 100 tỷ USD?

Theo điều tra của NYTimes công bố vào ngày 16-10, Trung Quốc có từ 160.000 đến 400.000 Cty hóa chất, “hoạt động cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp ở một nơi nào đó”. Những nhà máy này không chỉ sản xuất fentanyl mà còn làm ra nhiều loại hóa chất và dược phẩm hợp pháp. Điều đó có nghĩa là chúng không thể được so sánh với các phòng thí nghiệm heroin dưới lòng đất hoặc các nhà máy chế biến cocaine, thường được che giấu ở các khu vực hẻo lánh.

Các loại ma  túy sau đó có thể được vận chuyển dưới dạng dược phẩm hoặc được giấu trong các lô hàng hóa chất. Các báo cáo cho thấy chúng cũng thường xuyên được gửi bởi các Cty chuyển phát thư, khiến Dịch vụ Bưu chính Mỹ có lẽ là mạng lưới vận chuyển ma túy lớn nhất thế giới thông qua việc chuyển fentanyl do Trung Quốc sản xuất trực tiếp đến các ngôi nhà ở Mỹ. Với quy mô và mức độ phức tạp của các ngành công nghiệp hóa chất và dược phẩm của Trung Quốc, và với lợi nhuận hàng năm ước tính ít nhất là 100 tỷ USD, việc các cơ quan chức năng giám sát và ngăn chặn nạn buôn bán bất hợp pháp là không hề dễ dàng.

Fentanyl được sản xuất lần đầu tiên vào những năm 1960 và được chấp thuận sử dụng trong y tế ở Mỹ vào năm 1968. Nó thường được sử dụng làm thuốc gây mê trong phẫu thuật tại phòng cấp cứu bệnh viện, hoặc giảm đau cho bệnh nhân ung thư. Trong lĩnh vực giải trí, nó thường được trộn với heroin, có tác dụng an thần lớn và thường gây ảo giác. Bởi vì fentanyl là một loại ma túy tổng hợp, nó dễ dàng được sản xuất chứ không như heroin, đòi hỏi phải thu hoạch và tinh chế nhựa cây thuốc phiện thành chất bột trắng. Nó cũng rẻ hơn đáng kể so với heroin nguyên chất, khiến nó trở thành một loại ma túy được người nghèo ở Mỹ lựa chọn. Theo thống kê chính thức, Fentanyl, một loại thuốc phiện tổng hợp gây nghiện cao, có thể mạnh gấp 50 lần heroin, gây ra hơn 32.000 ca tử vong do sử dụng ma túy ở Mỹ vào năm 2018.

Trung Quốc phủ nhận liên quan

Trước áp lực của Mỹ, hôm 1-5, Trung Quốc đã đưa fentanyl và các chất liên quan vào danh sách các loại ma túy được kiểm soát và cam kết thắt chặt kiểm duyệt. Đồng thời, Trung Quốc cũng công khai khẳng định họ không phải là nhà cung cấp fentanyl lớn cho thị trường chợ đen của Mỹ.

Liu Yuejin, phó ủy viên của Cơ quan kiểm soát ma túy của Bộ Công an Trung Quốc gần đây trích dẫn số liệu thống kê của chính phủ Mỹ cho thấy, chỉ có 6kg trong tổng số 537kg ma túy liên quan đến fentanyl bị chính quyền Mỹ thu giữ từ tháng 10-2018 đến 3-2019 có nguồn gốc từ Trung Quốc. Số liệu thống kê tương tự cho thấy, hầu hết ma túy bị thu giữ đến từ Mexico. Ông Liu cũng bác bỏ các báo cáo cho rằng các Cty Trung Quốc đã vận chuyển fentanyl đến Mexico như một cách để che giấu nguồn gốc chính xác của loại ma túy này. Cuối tháng 8 vừa qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Mỹ cải tiến các quy định trong nước để giải quyết nguồn gốc của cuộc khủng hoảng thuốc phiện, và không đổ lỗi cho Trung Quốc về tai họa gây chết người. Trung Quốc khẳng định, mình cũng là nạn nhân của nạn bán thuốc phiện bất hợp pháp, nơi ma túy tổng hợp đang trở nên phổ biến rộng rãi hơn cả thuốc phiện và heroin.

Trong khi đó, các quan chức ma túy Mỹ nhấn mạnh rằng, ngoài việc bán trực tuyến cho người dùng Mỹ, fentanyl cũng đang được vận chuyển từ Trung Quốc đến Mexico, nơi nó được bán cho các băng đảng ma túy với giá khoảng 3.000 USD mỗi ki-lô-gram. Theo điều tra của New York Times, 100kg fentanyl được chiết thành viên sẽ có giá trị hàng triệu hoặc thậm chí hàng tỷ USD. Các báo cáo khác dẫn lời các nhân viên kiểm soát ma túy của Mỹ cho biết, fentanyl từ Trung Quốc có thể được mua trên thị trường chợ đen với giá 6.000 USD mỗi ki-lô-gram. Sau khi trộn với heroin và ép thành bánh, nó có thể được bán với giá lên tới 1,6 triệu USD trên đường phố Mỹ.

Ảnh hưởng đến đàm phán

Hiện chưa rõ việc những kẻ buôn lậu fentanyl bị kết án hôm 7-11 sẽ tạo động lực hoặc xây dựng niềm tin mới cho các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc hay không, nhưng thực tế là các vụ bắt giữ được thực hiện sau khi Bắc Kinh hành động theo một “bí quyết” mà Bộ An ninh Nội địa Mỹ đưa ra hồi năm 2017, cho thấy mức độ hợp tác giữa hai bên được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Ủy ban kiểm soát ma túy Trung Quốc cho biết, các bản án này không liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Nhưng ông Trump đã kết nối vấn đề “đại dịch” fentanyl của Mỹ với cuộc chiến thương mại rộng lớn với Trung Quốc. Theo một báo cáo ngày 7-11 của mạng tin tức CNBC, ông Trump rất quan ngại việc sử dụng ma túy quá liều, và ông đã không muốn ngồi xuống đàm phán cho đến khi Bắc Kinh thừa nhận có liên quan.

 AN BÌNH