Cuộc chiến pháp lý Apple - FBI: "Quả táo" đang thắng thế?

Thứ sáu, 04/03/2016 11:56

(Cadn.com.vn) - Cuộc đối đầu về tính an ninh bảo mật giữa hãng công nghệ hàng đầu thế giới Apple và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang diễn ra vô cùng căng thẳng. Bất chấp áp lực từ FBI,  Apple vẫn kiên quyết không mở khóa điện thoại của kẻ khủng bố giết chết 14 người ở San Bernardino, California. Và có vẻ như Apple đang chiếm nhiều ưu thế hơn trong cuộc chiến này, nhất là khi trong một vụ án khác, một thẩm phán tòa án Mỹ tại New York mới đây phán quyết cảnh sát vượt quá quyền hạn khi yêu cầu Apple bẻ khóa chiếc iPhone của một kẻ nghi buôn lậu ma túy.

Mới đây, trong phiên điều trần trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện giữa Apple và FBI về việc có hay không mở khóa điện thoại iPhone của kẻ khủng bố trên, một số vấn đề liên quan đến việc thực thi pháp luật tại Mỹ cũng được đề cập.

Trong suốt 4 giờ điều trần liên tục, Giám đốc FBI James Comey cho rằng, đây là vụ việc phức tạp nhất mà ông từng phải đối mặt. Vị giám đốc này liên tục bày tỏ lo ngại về chức năng thực thi pháp luật quốc gia khi không thể yêu cầu các bên liên quan hợp tác để cùng giải quyết vấn đề.

Cố vấn pháp luật của Apple Bruce Sewell, trong buổi điều trần với FBI, tuyên bố việc mở khóa iPhone sẽ tạo tiền lệ rất nguy hiểm.

Đảm bảo quyền riêng tư

Về phía Apple, luật sư Bruce Sewell, đại diện Cty, bắt đầu phiên điều trần khá suôn sẻ nhờ vào những nhận định sâu sắc của Giáo sư Susan Landau, một chuyên gia mật mã, về nguy cơ phá vỡ mã hóa. Ông Sewell cho biết, Apple đã làm rất nhiều để giúp đỡ giới điều tra, nhưng không tạo ra các loại công cụ mở khóa như yêu cầu của FBI trong vụ San Bernardino.

Trong khi đó, bà Landau khẳng định, dưới con mắt của một nhà chuyên môn, yêu cầu bẻ khóa của FBI trong vụ xả súng ở San Bernardino không thể nào thực hiện một cách an toàn. Bà cho biết thêm, nếu Apple bẻ khóa thành công điện thoại của kẻ khủng bố Syed Farook, điều gì sẽ xảy ra sau đó khi Apple tiếp tục được yêu cầu làm điều tương tự trên hàng trăm thiết bị khác.

Trong khi đó, nữ nghị sĩ Zoe Lofgren bày tỏ quan điểm, việc bẻ khóa điện thoại di động sẽ làm suy yếu khả năng bảo mật thông tin của người dùng. Nếu việc bẻ khóa diễn ra dễ dàng chứng tỏ mọi người trên toàn thế giới sẽ không còn bất cứ quyền riêng tư nào nữa. Tuy nhiên, phía "Quả táo" phải nhận những phê bình gay gắt, khốc liệt từ nghị sĩ Trey Gowdy, người tỏ rõ tức giận trước thái độ bất hợp tác của "gã khổng lồ" này. Tương đồng ý tưởng, nghị sĩ Jim Sensenbrenner cho rằng Apple "cả gan" đưa sự việc này ra trước Quốc hội khi không có bất kỳ giải pháp nào cho riêng mình. "Điều duy nhất mà Apple có thể làm được trong thời gian qua là nói "Không".

Tham dự buổi điều trần còn có  gia đình thai phụ Brittany Mills, người bị bắn chết trước cửa nhà ở Louisiana vào năm ngoái. Bé trai trong bụng cũng qua đời ngay sau đó. Bà Mills lưu cuốn nhật ký cá nhân trên điện thoại có thể chứa các thông tin quan trọng về kẻ giết người nhưng chiếc điện thoại bị khóa, và không thể truy cập được bởi phần mềm mã hóa của Apple.

"Soi" năng lực FBI?

Nhiều chuyên gia đang nhắm vào năng lực của FBI. Họ cho rằng, FBI đã không nỗ lực và thử mọi cách để truy cập vào dữ liệu điện thoại kẻ khủng bố. Ông cho rằng, FBI nên tập trung đào tạo chuyên viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao hơn thay vì phải phụ thuộc vào các Cty như Apple.

Trong đó, giáo sư Landau khẳng định, chỉ có các khóa đào tạo chuyên sâu mới có thể giúp nhân viên FBI thông minh hơn chứ không phải yêu cầu Apple làm cho sản phẩm của hãng suy giảm hệ thống bảo mật. Bởi vì một iPhone bị yếu đi sẽ có tác dụng phụ đó chính là bọn tội phạm sẽ sử dụng phương pháp hoặc ứng dụng của nước ngoài an toàn hơn để nói chuyện với nhau. Những ứng dụng này cung cấp cơ chế mã hóa an toàn và bảo mật hơn so với Apple hiện tại. Đó chính là điều mà cả thế giới không ai mong muốn.

Rõ ràng, cuộc chiến giữa đại gia công nghệ Apple và FBI đang diễn ra rất gay cấn khi mọi việc đã được chuyển sang Quốc hội và chờ ý kiến của Tòa án. Sự ủng hộ của các hãng công nghệ hàng đầu như Google, facebook đối với Apple càng khiến cho cuộc chiến này chưa thể nhanh chóng đi đến hồi kết.

Tuệ Khanh
(Theo BBC)