"Cuộc chiến" tắc kè hoa
(Cadn.com.vn) - Những thông tin vô căn cứ cho là có thể chữa khỏi HIV/AIDS và ung thư đã khiến cuộc sống của loài tắc kè hoa bị đe dọa nghiêm trọng. Mang theo ba-lô trên lưng và một cây gậy trong tay, Lalpu lội qua đám cỏ cao trên đỉnh ngọn đồi trong rừng sâu. Ông nghe tiếng kêu "ge-cko" và dừng lại. Lalpu đảm bảo chắc chắn có ít nhất một con tắc kè hoa đang trốn trong gốc cây trước mặt.
Lalpu nhanh chóng tiếp cận và tiêm ống đựng xăng qua một vết nứt. Trong vòng vài phút, con tắc kè hoa màu xanh-xám dài 25cm, được bao phủ bởi những đốm màu cam, nhảy ra. Trong nháy mắt, Lalpu túm lấy đầu con vật.
Lalpu, người thuộc bộ lạc Simte giải thích với Diplomat: "Để thoát khỏi mùi hăng của xăng, nó bò ra khỏi các vết nứt. Nếu buộc phải ra khỏi nơi ẩn náu vào ban ngày theo cách này, một con tắc kè hoa thường hoảng sợ, bối rối.
Và do đó, việc bắt nó rất dễ dàng. Đôi khi chúng tôi cũng sử dụng lửa và khói để bắt tắc kè bên trong hốc đá và lỗ cây. Thông thường, để bắt một con tắc kè, chúng tôi phải ở lại trong rừng khoảng 1 tuần. Nhưng chúng tôi kiếm được món hời từ các thương nhân Myanmar".
Lalpu thường bán củi ở thị trấn Churachandpur, thuộc tiểu bang biên giới Ấn Độ về phía đông bắc Manipur. Nhưng trong 2 năm qua, ông "đổi nghề", tham gia vào đường dây săn tắc kè hoa bí mật và bán chúng cho những kẻ buôn lậu động vật. Lalpu cho biết, ông bắt được khoảng 70 con, trong đó mỗi con có giá 2.000-3.000 rupee (33-49 USD).
Ông nuôi tắc kè ở nhà trong vài tuần cho đến khi nó phát triển đầy đủ, và sau đó bán chúng với giá từ 7.000-10.000 rupee mỗi con. "Trong 2 năm qua, tôi kiếm được hơn 600.000 rupee - gấp 6 lần công việc trước kia", ông nói.
Tắc kè hoa được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc từ hàng trăm năm qua, để điều trị bệnh ung thư, hen suyễn, tiểu đường và một loạt các bệnh khác. Tuy nhiên, nhu cầu đối với tắc kè tăng vọt tại thị trường trên khắp thế giới trong những năm qua sau khi có tin đồn rằng, các chất trong loại động vật này có thể chữa khỏi HIV/AIDS.
Nhiều tờ báo, các trang mạng trực tuyến... bắt đầu ca ngợi những lợi ích có trong lưỡi của con tắc kè hoa cũng như các cơ quan nội tạng khác. Mặc dù không có bằng chứng khoa học chứng minh điều này, bệnh nhân vẫn đổ xô đến các chuyên gia y học cổ truyền. Kết quả, việc săn trộm tắc kè hoa tăng đột biến.
Hiện vẫn chưa có số lượng cụ thể, song trong năm 2013, Hệ thống giám sát mua bán động vật hoang dã TRAFFIC ước tính, chỉ riêng Indonesia đã xuất khẩu 1,2 triệu con tắc kè hoa khô hàng năm. Trong những năm gần đây, Đài Loan (Trung Quốc) nhập khẩu 15 triệu con tắc kè từ các quốc gia khác.
Thanh Văn