Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Kéo giảm tăng trưởng các nền kinh tế Châu Á?

Thứ ba, 30/07/2019 11:43

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế Châu Á, với cuộc xung đột kéo dài đe dọa làm suy yếu đầu tư và tăng trưởng của lục địa này.

Ngân hàng Phát triển Châu Á đã hạ mức dự báo tăng trưởng của Châu Á xuống 5,7% trong năm nay và 5,6% trong năm tới.  Ảnh: AFP

Giảm trong 2 năm tới

Nhà kinh tế trưởng của ADB, Yasuyuki Sawada, đã hạ mức dự báo tăng trưởng khu vực xuống 5,7% trong năm nay và 5,6% trong năm tới, giảm từ 6,2% trong năm 2017 và 5,9% vào năm 2018. Báo cáo của ADB, được công bố tại Hồng Kông (Trung Quốc) hồi tuần trước, đã nêu ra “những bất ổn có nguồn gốc từ chính sách tài khóa của Mỹ và Brexit có thể gây ảnh hưởng” bởi các vấn đề đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng khu vực phải tiếp xúc với những biến động toàn cầu nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác. “Rủi ro lớn nhất mà chúng tôi xác định vẫn tập trung vào xung đột thương mại. Đàm phán kéo dài là rủi ro lớn nhất”, ông Sawada nhận xét.

Báo cáo được đưa ra một ngày sau khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng đổ lỗi cho cuộc chiến thương mại gây ra sự sụt giảm trong tăng trưởng thương mại toàn cầu. Tổ chức có trụ sở tại Geneve đã cắt giảm dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu trong năm 2019 và 2020 sau khi mức tăng trưởng thương mại hàng hóa năm 2018 chậm hơn so với dự kiến. Các nhà kinh tế WTO dự kiến tăng trưởng khối lượng thương mại hàng hóa sẽ giảm xuống 2,6% trong năm nay, giảm từ mức 3% của năm ngoái. Nếu căng thẳng thương mại giảm bớt, WTO dự báo tăng trưởng 3% một lần nữa vào năm 2020, nhưng nếu điều này không xảy ra thì tình hình sẽ không mấy khả quan. Hồi tháng 9-2018, WTO dự báo tăng trưởng thương mại 3,9% trong năm 2018, nhưng sau đó đã điều chỉnh lại con số tăng trưởng sau khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang.

ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 6,3% trong năm nay và 6,1% trong năm tới. Tổ chức này theo dõi sự biến động trong lĩnh vực thương mại và sản xuất của Châu Á kể từ khi căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu bắt đầu vào tháng 1-2018, khi Mỹ lần đầu tiên tăng mức thuế quan mới đối với thép, nhôm, máy giặt và tấm pin mặt trời của Trung Quốc. Chỉ số mua hàng toàn cầu, một chỉ số về “sức khỏe” của ngành sản xuất toàn cầu, suy thoái kể từ thời điểm đó. Mức tăng trưởng khối lượng thương mại thế giới phải chịu một số đợt giảm mạnh, đáng chú ý nhất là vào tháng 1-2019.

Ông Sawada cho rằng, trong khi một phần của câu chuyện được gây ra bởi là sự kết thúc của một chu kỳ tăng trưởng trên toàn thế giới, được thúc đẩy bởi thị trường chứng khoán Mỹ và nhu cầu phát triển “khỏe mạnh” của thế giới, cuộc chiến thương mại đóng một phần quan trọng trong việc gây ra suy thoái, đặc biệt là sự không chắc chắn mà nó mang lại cho các nhà đầu tư. Tổng giám đốc WTO, ông Roberto Azevedo cũng có cùng quan điểm với ông Sawada. Ông Azevedo cho rằng: “Căng thẳng thương mại đang tăng cao, không ai có thể ngạc nhiên trước viễn cảnh này. Thương mại không thể đóng vai trò đầy đủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng khi chúng ta chứng kiến mức độ không chắc chắn cao như vậy”. Ông Azevedo nói thêm: “Vấn đề ngày càng cấp bách, chúng tôi giải quyết căng thẳng, và thúc giục các thành viên WTO tìm cách củng cố và bảo vệ hệ thống giao dịch. Nếu chúng ta quên tầm quan trọng cơ bản của hệ thống giao dịch dựa trên các quy tắc, có nguy cơ chúng ta sẽ làm suy yếu nó, đó sẽ là một sai lầm lịch sử, để lại hậu quả trong vấn đề việc làm, tăng trưởng và ổn định trên toàn thế giới”.

Hy vọng

Các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau trong tuần này trong một nỗ lực đạt được thỏa thuận giúp chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài.

Điều này cho thấy, cả hai bên đều hy vọng rằng một thỏa thuận có thể được định hình trong tuần này, sau đó Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 4-2020. Ngày 29-7, Bắc Kinh bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết của mình và tạo điều kiện tích cực cho cuộc đàm phán thương mại trong tuần này.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay xoay quanh việc thực thi thỏa thuận, khi các nhà đàm phán Mỹ được cho là muốn duy trì quyền áp dụng thuế quan đơn phương đối với Trung Quốc nếu Bắc Kinh vi phạm thỏa thuận. Trong khi đó, Trung Quốc, trong một động thái “chìa cành ô liu” với Mỹ, đã tuyên bố hôm 28-7 rằng họ sẽ không tăng thuế từ mức 15% lên 25% đối với các phương tiện đi lại nhập khẩu từ Mỹ. Mức thuế này được đưa ra hồi tháng 7-2018 như một biện pháp trả đũa, nhưng đã bị đình chỉ vào tháng 1-2019 khi các cuộc đàm phán bộc lộ những dấu hiệu tiến triển.

AN BÌNH