"Cuộc chiến" tranh giành vaccine 6 trong 1 chưa có hồi kết

Thứ ba, 07/05/2019 12:21

Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (TTKSBT) tỉnh Quảng Ngãi vừa bị chặn lại ngay cổng vào cơ quan từ 5 giờ sáng do bị nhầm tưởng là phụ huynh bốc số tiêm vaccine cho con. Sự nhầm lẫn oái oăm này xảy ra khi các phụ huynh thực hiện phương thức "loại đối thủ" trong cuộc chiến tranh giành vaccine 6 trong 1 khốc liệt tại Quảng Ngãi.

Người dân chen nhau đi bốc số từ  2 giờ sáng.

Vượt gần 10km đi bốc số từ lúc 2 giờ sáng tại TTKSBT tỉnh Quảng Ngãi, anh Nguyễn Kiên Trung (thị trấn Chợ Chùa, H. Nghĩa Hành) tỏ ra bất lực khi phải chen lấn với hàng trăm người. Mệt mỏi, chán nản, lo âu… đủ thứ cảm xúc trộn lẫn để giành được "vé" tiêm vaccine cho đứa con 5 tháng tuổi của mình. "Khổ sở thế này nhưng cũng chưa chắc có được tiêm hay không. Đông quá nên phụ huynh phải tìm ra cách tự thống nhất với nhau để tránh tình trạng mâu thuẫn, xô xát khi cố bốc được số càng sớm càng tốt", anh Trung chia sẻ. Cùng chung hoàn cảnh với anh Trung, rất nhiều phụ huynh chầu chực từ 2 - 3 giờ sáng để đăng ký tiêm vaccine 6 trong 1. Chị  Nguyễn Thị Minh Tuyền (P. Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi) cho biết, đã cố gắng tiêm cho con được 2 mũi 6 trong 1, giờ còn mũi thứ 3 nhưng đã trễ 2 tháng rồi vẫn chưa tiêm được. "Vaccine hiếm quá, vừa nghe thông tin có đợt mới về là vội vàng đến đăng ký. Thế mà tôi vẫn chậm chân", chị Tuyền than phiền.

Vì đi bốc số quá sớm, trung tâm chưa làm việc nên danh sách đăng ký được các phụ huynh tự viết ra giấy rồi tập hợp lại để giao cho một người đại diện chuyển cho TTKSBT tỉnh Quảng Ngãi. Và trong đó, chỉ một số ít trường hợp may mắn, còn phần lớn là "trắng tay" vì không đủ vaccine. Trước đó, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các Sở Y tế, các bệnh viện, viện, các cơ sở sản xuất, đăng ký, nhập khẩu vaccine phải chủ động đảm bảo cung ứng đủ vaccine phòng bệnh phối hợp bạch hầu - ho gà - uốn ván cho nhu cầu tiêm chủng của nhân dân. Tuy nhiên, thực tế thì người dân vẫn có tâm lý muốn sử dụng vaccine dịch vụ 6 trong 1 cho con em mình nên mới xảy ra tình trạng khan hiếm vaccine loại này.

Danh sách đăng ký cho đợt tiêm tiếp theo đã hơn 600 liều, chưa kể số danh sách chưa được tiêm đợt trước đó.

Ông Hồ Minh Nên - Giám đốc TTKSBT tỉnh Quảng Ngãi cho hay: lo ngại trước việc sử dụng vaccine 5 trong 1 mới trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nhiều phụ huynh đã chọn phương thức sử dụng tiêm dịch vụ. Nhu cầu tăng đột biến mà nguồn cung "nhỏ giọt" đã dẫn đến tình trạng khan hiếm loại vaccine này từ đầu năm 2019 đến nay. Sự tranh giành khốc liệt đến nỗi chính bản thân ông khi đến xem xét tình hình vào lúc 5 giờ ngày 3-5, đã bị chặn lại ngay cổng vào cơ quan do bị nhầm tưởng là phụ huynh bốc số tiêm vaccine cho con. Theo ông Nên, vaccine 6 trong 1 hiện có 2 loại, của Bỉ và của Pháp. Tuy nhiên trong toàn quốc chỉ có 2 đơn vị phân phối độc quyền loại vaccine này. Dù số lượng trung tâm đăng ký đặt mua lên đến hàng nghìn liều mỗi lần nhưng lần nào cũng được cung cấp với số lượng nhỏ giọt, 100- 200 liều. Theo tính toán sơ bộ, từ đầu năm 2019 đến nay, trung tâm đã nhập về khoảng 4.000 liều vaccine 6 trong 1, nhưng chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu thực tế.  "Đợt mới nhất là hôm 2-5, nhập về 200 liều, trong đó có 50 liều "trả nợ" phụ huynh đợt trước, còn lại 150 liều, nhưng nhu cầu tiêm là hơn 400 liều. Đối với đợt vaccine tiếp theo, danh sách đăng ký hiện giờ đã hơn 600 liều", ông Nên nói.

Trước tình hình này, TTKSBT tỉnh Quảng Ngãi cũng đã khuyên người dân về địa phương tiêm vaccine 5 trong 1 cho trẻ. "Tâm lý phụ huynh lo ngại khi sử dụng vaccine 5 trong 1 mới, nhưng thực tế, loại vaccine này lại tốt hơn vaccine dịch vụ 6 trong 1, vì  vaccine dịch vụ không phải nguyên gốc mà là vô bào. Vaccine 5 trong 1 tuy dễ gây sốt nhưng đó là dấu hiệu cơ thể đang có phản ứng tốt", ông Nên thông tin. Để giải quyết tình trạng khan hiếm vaccine, trước mắt Cục Quản lý Dược đề nghị các đơn vị cung ứng ưu tiên cung ứng ngay lượng vaccine còn tồn kho và lượng vaccine sắp nhập kho cho các cơ sở tiêm chủng đang thiếu vaccine đột biến, hoặc theo sự điều phối của Cục Quản lý Dược hay Cục Y tế Dự phòng để tránh hiện tượng thừa, thiếu cục bộ vaccine.

NGHIÊM HÀ