Cuộc chiến Trung - Ấn tại Nepal
(Cadn.com.vn) - Các chính trị gia của Nepal phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ cả Trung Quốc và Ấn Độ.
Tập trận chung Trung Quốc - Nepal
Cuối tháng 12-2016, Quân đội Trung Quốc thông báo đang lên kế hoạch tập trận quân sự lần đầu tiên với Nepal vào tháng 2-2017. Mặc dù viện trợ quân sự của Bắc Kinh cho Kathmandu đã tăng đáng kể trong những năm qua, đây là lần đầu tiên Trung Quốc đề xuất một cuộc tập trận quân sự chung - và Nepal chấp nhận.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Nepal đang đề xuất thay đổi một số quy định trong Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị với Ấn Độ năm 1950. Theo hiệp ước này, Nepal cần phải thông báo hoặc nhận được sự đồng ý từ Ấn Độ khi mua thiết bị quân sự từ nước thứ ba. Bằng cách thay đổi hiệp ước, Nepal muốn tự quyết định các vấn đề an ninh, bao gồm việc mua thiết bị quân sự. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn là nhà cung cấp các thiết bị quân sự lớn nhất cho quân đội Nepal và mối quan hệ giữa họ vẫn tốt đẹp.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Nepal tỏ rõ việc sẵn sàng thay đổi mối quan hệ quân sự với Ấn Độ. Khi Trung Quốc thông báo tập trận chung với Nepal, Ấn Độ thể hiện sự không hài lòng. Mặc dù chưa có thông báo chính thức từ chính phủ, các phương tiện truyền thông và các chuyên gia Ấn Độ cho biết, New Delhi không vui vẻ gì với quyết định này.
Không có lý do để Ấn Độ lo lắng về cuộc tập trận quân sự Nepal-Trung Quốc bởi Bắc Kinh không phải là nước duy nhất tập trận với Nepal. Thực tế, Nepal tập trận quân sự thường niên với Ấn Độ và Mỹ. New Dehli không thể ép Nepal không tập trận quân sự với các đối tác khác - trong trường hợp này là Trung Quốc.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng tập trận chung với Trung Quốc. Mặc dù mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc trở nên xấu đi vào năm 2016, do Bắc Kinh miễn cưỡng ủng hộ New Delhi gia nhập Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân, hai nước tập trận chung 13 ngày vào tháng 11-2016. Đây là lần tập trận chung thứ 6 giữa hai nước. Kinh nghiệm với Trung Quốc trấn an Ấn Độ rằng tập trận chung không phải là dấu hiệu tập trung lợi ích chiến lược.
Mặc dù vậy, Jayadeva Ranade, chuyên gia về Trung Quốc tại New Delhi, cho rằng Ấn Độ sẽ theo dõi tập trận Nepal-Trung Quốc để xác định, đó có phải là xu hướng nhằm mở rộng quy mô? Các nhà phân tích Ấn Độ dự đoán cuộc tập trận này khiến New Delhi quan ngại về việc Bắc Kinh xâm lấn sân sau của mình.
Thủ tướng Nepal Dahal (trái) thăm Ấn Độ hồi tháng 9-2016. Ảnh: Diplomat |
Cạnh tranh sức ảnh hưởng
Ấn Độ muốn duy trì “phạm vi ảnh hưởng” tại Nepal, trong khi Trung Quốc muốn gia tăng ảnh hưởng. Ấn Độ nhận thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Nepal không chỉ liên quan đến thương mại mà còn là một phần của chiến lược bao vây Nam Á của Bắc Kinh.
Thật vậy, động thái gần đây cho thấy có sự cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại Nepal. Ấn Độ thích ảnh hưởng gần như độc quyền ở Nepal. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, chủ yếu là sau khi bãi bỏ chế độ quân chủ vào năm 2008, nhiều nước khác, đặc biệt là Trung Quốc, gia tăng ảnh hưởng tại Nepal, chủ yếu là về các vấn đề chính trị. Trung Quốc ngày càng quan tâm các vấn đề chính trị nội bộ của Nepal, điều mà Ấn Độ từ lâu đã thực hiện.
Sau khi Nepal ban hành hiến pháp vào năm 2015, và trong bối cảnh căng thẳng với Ấn Độ, tương tác và trao đổi giữa Nepal và Trung Quốc được cải thiện đáng kể. Căng thẳng giữa Nepal và Ấn Độ tạo cơ hội cho Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong tất cả các lĩnh vực của Nepal, kể cả chính trị. Chính phủ Nepal vào thời điểm đó đã ký thỏa thuận thương mại và quá cảnh với Trung Quốc, kết thúc thế độc quyền của Ấn Độ về thương mại tại Nepal.
Kể từ khi nhậm chức tới nay, chính phủ của Thủ tướng Pushpa Kamal Dahal tiếp cận với cả Trung quốc và Ấn Độ. Ông Dahal cử Đại sứ đến cả hai nước nhằm thể hiện mong muốn cân bằng quan hệ với cả Bắc kinh và New Dehli. Điều mà Kathmandu nên làm hiện nay là xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với cả hai người hàng xóm để có được những lợi ích kinh tế từ hai quốc gia giàu có này.
An Bình
(Theo Diplomat)