“Cuộc chơi” Bác Ngao

Thứ bảy, 12/04/2014 11:51

(Cadn.com.vn) - Diễn đàn Châu Á Bác Ngao (BFA) diễn ra tại đảo Hải Nam của Trung Quốc là nơi “quảng bá” giấc mơ lãnh đạo khu vực của Bắc Kinh về cả hai vấn đề: kinh tế và an ninh.

Trong thời gian 4 ngày (từ ngày 8 đến 11-4), BFA chứng kiến hàng loạt những bài phát biểu quan trọng, mang tính xây dựng cho khu vực Châu Á.

Thủ tướng nước chủ nhà Lý Khắc Cường tuyên bố khai mạc với lời kêu gọi các quốc gia trong châu lục tìm kiếm động lực mới nhằm tiếp thêm sinh lực cho khu vực đối phó với những diễn biến mới. Đại diện phái đoàn Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng có bài phát biểu gây ấn tượng. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo như Thủ tướng các nước: Australia, Kazakhstan, Hàn Quốc, Lào, Đông Timor và Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich... cùng gần 1.500 đại biểu cũng đến BFA. Trong đó có 150 giám đốc điều hành các tập đoàn đa quốc gia, từ gã khổng lồ PetroChina, Lenovo của Trung Quốc đến các Cty nước ngoài như Apple, Toyota, Bloomberg và Samsung...

Thủ tướng Lý Khắc Cường gặp gỡ lãnh đạo các tập đoàn lớn trên toàn thế giới
đến tham dự BFA. Ảnh: THX

Tương lai mới của Châu Á

Với chủ đề “Tương lai mới của Châu Á: Xây dựng động lực tăng trưởng mới”, diễn đàn năm nay rõ ràng là dành riêng cho việc cải thiện hợp tác kinh tế khu vực và giúp các quốc gia Châu Á đạt được mục tiêu phát triển.

Hội nghị gồm 30 phiên thảo luận về những chủ đề quan trọng như triển vọng kinh tế Châu Á 2014; bẫy thu nhập trung bình; khôi phục năng lực cạnh tranh của Châu Á; vấn đề biến đổi khí hậu và xu hướng công nghệ thông tin... Nhưng BFA năm nay vượt ra ngoài chủ đề kinh tế đến với các vấn đề khác. Trong bài phát biểu hôm 11-4, Thủ tướng Australia - quốc gia đang dẫn đầu công cuộc tìm kiếm đa quốc gia máy bay Malaysia mất tích - chia sẻ nỗi đau và mất mát đối với tất cả gia đình 239 người trên khoang, đặc biệt là khoảng 154 hành khách Trung Quốc.

Mặc dù là tổ chức phi chính phủ, BFA có quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh. Bên cạnh sự hiện diện thường niên của các nhà lãnh đạo Trung Quốc như Thủ tướng Lý Khắc Cường (và năm ngoái là Chủ tịch Tập Cận Bình), lãnh đạo các diễn đàn đa số là các quan chức chính phủ đã nghỉ hưu của Trung Quốc.

Tham vọng của Bắc Kinh

Ảnh hưởng của Trung Quốc là rõ ràng ngay từ đầu. Việc thành lập BFA là nỗ lực chung giữa các quốc gia trong khu vực nhưng Trung Quốc được coi là động lực chính. Địa chỉ cố định của diễn đàn là ở thị trấn duyên hải Bác Ngao, Trung Quốc. Vì vậy, một trong những đặc quyền mà Bắc Kinh được hưởng vĩnh viễn là diễn đàn luôn thiết lập chương trình nghị sự về một số vấn đề nóng vốn là mối quan tâm lớn của Trung Quốc.

Với vai trò hàng đầu trong BFA, Bắc Kinh mở rộng chương trình nghị sự, phản ánh tham vọng lãnh đạo khu vực. Năm 2013, diễn đàn lần đầu tiên giới thiệu hai chủ đề phi kinh tế, bao gồm cả vấn đề an toàn thực phẩm và các mối quan hệ Mỹ-Châu Á (không tình cờ, hai chủ đề đều là mối quan tâm lớn của Bắc Kinh). Cũng trong năm này, BFA được Trung Quốc “mượn” để vận động vấn đề biển Đông. Năm nay, diễn đàn tiếp tục mở rộng phạm vi, với kế hoạch các cuộc thảo luận về khả năng hợp tác ở biển Đông, quy tắc ứng xử cho mạng Internet, các mối quan hệ Trung-Mỹ trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Nhưng Bắc Kinh dường như có tham vọng rộng lớn hơn cho BFA. Ông Lý Khắc Cường, trong bài phát biểu khai mạc, khuyến cáo các nước Châu Á “nên chủ động tìm hiểu việc thiết lập một khuôn khổ hợp tác an ninh khu vực ở Châu Á”. Bài phát biểu của ông Lý cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Trung Quốc đối với nền kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương, và kêu gọi hội nhập kinh tế chặt chẽ hơn trong khu vực. Tóm lại, ông Lý lặp đi lặp lại các lời kêu gọi “xây dựng một cộng đồng các lợi ích chung, vận mệnh chung và chia sẻ trách nhiệm”, cả về kinh tế và an ninh.

Rõ ràng, một cộng đồng như vậy sẽ loại trừ Mỹ (một quốc gia ngoài Châu Á) khỏi vai trò lãnh đạo - và nhất thiết sẽ làm nổi bật ảnh hưởng của Trung Quốc là cường quốc lớn nhất trong khu vực.

Khả Anh