“Cuộc đấu trí” Nga - Mỹ

Thứ tư, 16/06/2021 11:35

Mặc dù không có kỳ vọng, nhưng nhiều chuyên gia đánh giá, vẫn có sẵn những khe cửa hẹp cho sự hợp tác song phương Mỹ - Nga khi ông Putin và Biden gặp nhau.

Biệt thự cổ Villa La Grange - nơi diễn ra cuộc gặp giữa ông Biden và Putin - hiện được quân đội và cảnh sát Thụy Sĩ dựng rào chắn, dây thép gai.  Ảnh: AP

Hôm nay (16-6) tại biệt thự cổ Villa La Grange tuyệt đẹp ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin sẽ có cuộc gặp gỡ đầu tiên, với nhiều mục tiêu tham vọng đặt ra. Giới phân tích cho rằng, hội nghị lần này chính là một trong những phép thử lớn nhất của cả Tổng thống Biden và ông Putin trong bối cảnh cả hai đều thừa nhận mối quan hệ đang xuống đáy.

“Đối thủ xứng tầm”

Tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels (Bỉ) ngày 14-6, ông Biden nhận xét ông Putin là một “đối thủ xứng tầm”. “Ông ấy thông minh, cứng rắn và tôi thấy ông ấy là một đối thủ xứng đáng”, ông Biden dành những lời có cánh cho nhà lãnh đạo Nga, Fox News đưa tin. Trước đó, khi trả lời kênh NBC News, ông Putin gọi ông Biden là một “chính trị gia chuyên nghiệp” và đánh giá cao việc ông Biden dành gần như cả đời mình cho sự nghiệp chính trị. Nói về việc ông Biden từng đồng ý với nhận định mình là “kẻ sát nhân” khi mạnh tay với các đối thủ chính trị, ông Putin cho rằng mình “đã quen nên không ngạc nhiên”.

Tuy nhiên, những tuyên bố có cánh của hai nhà lãnh đạo này không làm tăng nhiều kỳ vọng cho cuộc gặp Putin - Biden lần này. Mối quan hệ Nga - Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Sau hàng loạt sự kiện căng thẳng với Nga, từ việc điện Kremlin sáp nhập Crimea cho đến những căng thẳng ở miền Đông Ukraine hay những cáo buộc can thiệp bầu cử và tấn công mạng. Vì vậy, có quá nhiều việc mà hai nhà lãnh đạo cần tìm được tiếng nói chung trong những giờ đàm phán ít ỏi. Trong cuộc họp báo ngày 14-6, ông Biden tiết lộ với báo giới một trong những vấn đề sẽ được nhắc đến khi gặp ông Putin là vấn đề về chính trị gia đối lập hiện đang bị cầm tù ở Nga, ông Alexei Navalny. Ngoài ra, còn có vấn đề rất nóng bỏng, là Ukraine. Ông Biden cho biết, Mỹ không tìm kiếm xung đột với Nga, nhưng sẽ đáp trả nếu Nga tiếp tục các hoạt động có hại của mình. 

Mặc dù không có kỳ vọng, nhưng nhiều chuyên gia đánh giá, vẫn có sẵn những khe cửa hẹp cho sự hợp tác song phương Mỹ - Nga khi ông Putin và Biden gặp nhau. Cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul trong một bài bình luận trên Washington Post gần đây cho rằng, hai nhà lãnh đạo có thể chuẩn bị cho một thỏa thuận kiểm soát vũ trang mới sau khi gia hạn Hiệp ước kiểm soát hạt nhân New START gần đây; đảo ngược xu hướng trục xuất đại diện ngoại giao và đóng cửa lãnh sự quán, nhất trí hợp tác về những vấn đề như Chương trình hạt nhân Iran, hỗ trợ người dân Syria, biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19...

Vì sao không họp báo chung?

Việc Tổng thống Biden quyết định không họp báo chung với người đồng cấp Nga Putin cũng làm dấy lên nhiều đồn đoán về một triển vọng khá u ám trên bàn hội đàm thượng đỉnh. Tuy nhiên, các hãng truyền thông cho rằng, đây là thông lệ thường thấy trong các cuộc gặp cấp cao giữa các nhà lãnh đạo Nga - Mỹ. Ngay sau khi Tổng thống Biden tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc họp báo riêng thay vì họp báo chung, Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov cho rằng, việc tổ chức họp báo riêng là “thông lệ của phía Mỹ” và điều đó không có nghĩa là có những kỳ vọng thấp dành cho cuộc gặp vào tuần tới.

Đài RT của Nga cũng cho rằng, việc Tổng thống Biden tổ chức họp báo riêng là để tránh rủi ro có những sai lầm trong lúc xuất hiện chung với người đồng cấp Nga cũng như để tránh có những bất đồng công khai với ông Putin trước mặt giới truyền thông. Tại Mỹ, tờ NYTimes cũng cho biết, các trợ lý hàng đầu của ông Biden đã cảnh giác về hình thức họp báo chung. Họ muốn tránh xảy ra kịch bản của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga ở Helsinki hồi năm 2018. Lúc đó, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh các tuyên bố không can thiệp bầu cử tổng thống năm 2016 do ông Putin đưa ra, gạt bỏ các dữ liệu do tình báo quốc gia Mỹ cung cấp. Hành động của ông Trump làm bùng nổ làn sóng chỉ trích tại Mỹ.

KHẢ ANH

Thụy Sĩ triển khai lực lượng an ninh “khủng” như thế nào?

Thuỵ Sĩ đã triển khai hàng loạt biện pháp nghiêm ngặt nhất, trong đó có việc điều đến 3.000 binh sĩ và cảnh sát, để đảm bảo an toàn cho hội nghị.

Nước chủ nhà cũng lên kế hoạch hạn chế không phận tạm thời đối với thành phố Geneva. Đại tá Monica Bonfanti, Chỉ huy sở Cảnh sát Geneva cho biết, trong một cuộc họp báo bên ngoài địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh, 900 cảnh sát bổ sung sẽ được điều động từ các khu vực khác của Thụy Sĩ. Stephane Theimer, Phó giám đốc Văn phòng Cảnh sát Liên bang (Fedpol) đồng thời là lãnh đạo Cơ quan An ninh Liên bang, cho biết văn phòng không nhận được dấu hiệu nào về các mối đe dọa hoặc biến động liên quan đến hội nghị. Nhưng ông cũng nói “mối đe dọa khủng bố vẫn còn cao ở Thụy Sĩ và Châu Âu”, trích dẫn “các mối đe dọa khác từ các tổ chức bạo lực cực đoan”.