Cuộc đua của con người

Thứ năm, 20/03/2014 23:59

(Cadn.com.vn) - Đà Nẵng chính thức trở lại với vị trí quán quân về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy nỗ lực cải thiện chỉ số này của chính quyền thành phố suốt những năm qua, cũng là tin vui khi thành phố đang thực hiện chủ trương “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”. Nhưng không chỉ có vậy...

Sau 3 năm dẫn đầu (2008, 2009, 2010) đến năm 2011, PCI của TP Đà Nẵng rơi xuống vị trí thứ 5 và năm 2012 bị đẩy xuống vị trí thứ 12. Có thể, vào thời điểm đó, sự đổi ngôi ấy thực sự là một tin buồn, một cú sốc với chính quyền và người dân thành phố. Thế nhưng, cũng phải nhìn nhận rằng, chính nhờ “cơ sự” ấy mà Đà Nẵng có dịp nhìn lại – một cách thẳng thắn và toàn diện – môi trường đầu tư kinh doanh của mình.

Vào tháng 5-2011, UBND TP chỉ đạo các cơ quan chức năng, chủ lực là Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH TP Đà Nẵng, quyết liệt tìm bằng được nguyên nhân cũng như giải pháp nhằm cải thiện PCI 2011. Thế nhưng, năm 2011 Đà Nẵng vẫn không thể trở lại tốp đầu (đứng thứ 5). Hơn một năm sau, ngày 16-8-2012, đích thân Chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến chủ trì hội thảo cải thiện PCI 2012. Thế nhưng, cũng trong năm này, một lần nữa, CPI Đà Nẵng không những không cải thiện mà còn tụt xa hơn, đứng ở vị trí thứ 12.

Đến lúc này, không ít cán bộ công chức, nhất là những vị lãnh đạo, quản lý, điều hành chính sách kinh tế của TP mới thực sự giật mình nhìn lại. Đúng như Chủ tịch Văn Hữu Chiến nói vào thời điểm đó: Tụt hạng một phần do chủ quan, bằng lòng mà chưa có biện pháp cụ thể, mạnh mẽ, liên tục nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh – đó là một thực tế đáng suy nghĩ.

Có ý kiến cho rằng, sở dĩ, Đà Nẵng phải hành động quyết liệt là vì những năm trước quỹ đất còn dồi dào, nguồn thu ngân sách từ đất tương đối lớn nên chưa quan tâm đúng mức đến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; càng về sau này, quỹ đất đã vơi, thị trường bất động sản đóng băng, nguồn thu từ đất không còn dồi dào như trước nữa, buộc thành phố phải tìm kiếm nguồn thu khác, nên quyết liệt hỗ trợ doanh nghiệp. Dù không phải ai cũng đồng tình nhưng ít nhất, đó là một ý kiến có logic.

Nhưng bên cạnh logic đó, còn một thực tế khác nữa, rằng bất kỳ thời điểm nào, bất kỳ chính quyền nào cũng đều nỗ lực thúc đẩy phát triển KT-XH cả, nhưng những nỗ lực đó luôn bị chi phối của tiềm lực và bối cảnh: Những năm bất động sản bùng nổ, nếu Đà Nẵng không “nhanh chân” khai thác nguồn lực này thì biết đâu chừng đã bỏ lỡ một cơ hội quý, không thể nào kiến tạo được thành phố như hôm nay. Nói vậy để thấy, đối với các địa phương nói chung, Đà Nẵng nói riêng, PCI không phải là chuyện nhất thời, nó chính xác là thước đo về những nỗ lực bền bỉ, quyết liệt, có chiều sâu.

Nếu nhìn vào tiêu chí đánh giá PCI, có thể dễ dàng nhận thấy, đó đều là những đánh giá về con người, đúng hơn là con người điều hành cơ chế, chính sách. Điều đó có nghĩa là, PCI thực chất là cuộc đua giữa con người địa phương này với con người của địa phương khác. Chiến thắng hay thất bại đều do con người mà ra, chứ không phụ thuộc vào quy mô kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý... Bởi vậy, giành được chiến thắng đã khó, giữ được chiến thắng càng vô cùng khó hơn, bởi tất cả đội ngũ cán bộ, công chức địa phương đều muốn giành vị trí xứng đáng trên bảng xếp hạng.

Trong cuộc đua như thế này, một chút hài lòng cũng đã quá thừa.

Nguyên An