Cuộc gặp đầy ý nghĩa giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Trung

Thứ bảy, 17/09/2022 11:52
Hôm 15-9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc gặp trực tiếp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Uzbekistan. Thông qua cuộc gặp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh, trong khi Tổng thống Putin đã thể hiện mối quan tâm của Nga với khu vực châu Á.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaa Khurelsukh bên lề Hội nghị Thượng đỉnh SCO ngày 15-9. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaa Khurelsukh bên lề Hội nghị Thượng đỉnh SCO ngày 15-9. Ảnh: Reuters

Đây là lần thứ hai ông Tập Cận Bình và ông Putin gặp nhau trực tiếp trong năm 2022. Lần đầu tiên là vào đầu tháng 2, chỉ vài tuần trước khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine. Điện Kremlin khẳng định cuộc gặp này "có ý nghĩa đặc biệt" trong tình hình địa - chính trị hiện nay.

Lập trường "cân bằng" về Ukraine

"Chúng tôi đánh giá cao lập trường cân bằng của những người bạn Trung Quốc khi đề cập đến cuộc khủng hoảng Ukraine", ông Putin nói với ông Tập trong cuộc gặp tại Uzbekistan ngày 15-9.

Khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, Trung Quốc đã từ chối lên án Nga cũng như phủ nhận hỗ trợ vũ khí cho Moscow. Trong cuộc gặp ngày 15-9, ông Putin cho biết Nga hiểu các mối quan ngại của Trung Quốc về xung đột Ukraine. Nhà lãnh đạo Nga cũng tỏ ý ủng hộ Bắc Kinh khi mô tả các hành động của Mỹ với đảo Đài Loan là "khiêu khích" và kêu gọi tăng cường hơn nữa quan hệ Nga - Trung. Trong cuộc gặp hồi tháng 2 ở Trung Quốc, ông Putin và ông Tập đã tuyên bố "không có giới hạn" trong quan hệ hai nước.

Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình gọi ông Putin là một người bạn, đồng thời khẳng định sẽ hợp tác với Nga vì thế giới ổn định. "Trước những thay đổi của thế giới, Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Nga để đóng vai trò hàng đầu trong việc thể hiện trách nhiệm của các cường quốc, lan truyền sự ổn định và năng lượng tích cực vào một thế giới đang hỗn loạn", Hãng tin Reuters trích lời ông Tập trong cuộc gặp tại Uzbekistan. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng khẳng định sẵn sàng làm việc với Nga để hỗ trợ "các lợi ích cốt lõi" của nhau. "Hai nước cần thúc đẩy đoàn kết và tin cậy lẫn nhau, mở rộng hợp tác thiết thực, bảo vệ lợi ích an ninh của khu vực và lợi ích chung của các nước đang phát triển, các nước trong thị trường mới nổi", ông Tập nói với ông Putin.

Tạo thế đối trọng với phương Tây

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga- Trung như một tuyên bố với thế giới về việc hai nước sẵn sàng và quyết tâm làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác giữa một siêu cường đang trỗi dậy với một cường quốc về tài nguyên thiên nhiên và quân sự.

Người đứng đầu Hội đồng Nga về các vấn đề Quốc tế Andrey Kortunov cho biết: "Đối với Nga, Trung Quốc là một đối tác chiến lược cả trong lĩnh vực thương mại, kinh tế và quân sự - chính trị. Trung Quốc không tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Đồng thời, giống như Nga, Trung Quốc đang chịu áp lực của phương Tây. Ở đây, có sự trùng hợp về lợi ích giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình, do đó mong muốn đối phó lại phương Tây là điều hiển nhiên. Sự đối đầu giữa Mỹ và phương Tây là điều gắn kết Nga và Trung Quốc".

Theo các nhà phân tích chính trị, Nga và Trung Quốc đang củng cố liên minh chiến lược của họ. Cuộc gặp trực tiếp giữa lãnh đạo hai nước bên lề Hội nghị Thượng đỉnh SCO tại Uzbekistan cho thấy, họ vẫn tuân thủ chính sách về một thế giới đa cực và sẵn sàng ủng hộ nhau trong các tình huống khủng hoảng. Các nhà lãnh đạo Nga - Trung Quốc đã sẵn sàng đối đầu với Mỹ và toàn bộ phương Tây, vốn đang cố gắng áp đặt luật chơi của riêng mình.

Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Toàn diện về châu Âu và Quốc tế tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Nghiên cứu Quốc gia Nga Dmitry Suslov cho rằng, hiện nay có sự gia tăng độc lập của các quốc gia phi phương Tây, điều này thúc đẩy đáng kể sự hình thành một thế giới đa cực. Cuộc gặp của Tổng thống Putin với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và cả Thủ tướng Ấn độ Narendra Modi lần này sẽ trở thành biểu tượng sống động của trật tự thế giới đa cực. Việc tăng cường quan hệ của Nga với Trung Quốc và Ấn Độ sẽ khẳng định sự bất lực của phương Tây trong cuộc đối đầu toàn cầu.

Từ Mỹ, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby kêu gọi Trung Quốc không ủng hộ Nga và đừng nên đi ngược lại xu hướng của thế giới.

AN BÌNH

Nga sắp xây dựng đường ống dẫn khí đốt tới Trung Quốc

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak ngày 15-9 cho biết một đường ống của Nga tới Trung Quốc sẽ thay thế đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 tới châu Âu bị từ bỏ trong bối cảnh xung đột ở Ukraine.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Nga Rossiya-1 về việc liệu Nga có thay thế Dòng chảy phương Bắc 2 bằng đường ống Thế lực châu Á Siberia 2 hay không, ông Novak đã khẳng định là "có". Trước đó, bên lề chuyến thăm Uzbekistan, quan chức này cho hay Nga và Trung Quốc sẽ sớm ký các thỏa thuận về việc cung cấp "50 tỷ m3 khí đốt" mỗi năm qua đường ống Thế lực châu Á Siberia 2 trong tương lai. Việc xây dựng đường ống này sẽ bắt đầu vào năm 2024.