Cuộc gặp gỡ lịch sử

Thứ sáu, 28/03/2014 11:12

(Cadn.com.vn) - Ông chủ Nhà Trắng Barack Obama lần đầu tiên hội đàm với Giáo hoàng Pope Francis khi trở thành Tổng thống thứ 9 của Mỹ đến thăm Vatican.

Tổng thống Obama và Giáo hoàng Pope Francis đều hòa chung ngôn ngữ kinh tế, tập trung vào sự bất bình đẳng trên toàn cầu và nỗi thống khổ của người nghèo. Một là nhà lãnh đạo tinh thần, còn người kia là một chính trị gia quyền lực. Và cuộc gặp gỡ lịch sử diễn ra hôm 27-3 tại Tòa thánh Vatican trong bối cảnh cả hai hướng đến nền tảng chung trong nhiều vấn đề vốn gây chia rẽ.

“Tôi coi đây là một vinh dự lớn của mình”, ông Obama phát biểu khi bắt đầu trao đổi với Giáo hoàng Francis. Ông Obama trở thành tổng thống thứ 9 của Mỹ đến Vatican, chuyến thăm đánh dấu sự thay đổi trong từng bước đi của nhà lãnh đạo cường quốc số 1 thế giới. Chuyến thăm này đặc biệt diễn ra khi Châu Âu đang mở cửa chào đón ông Obama trên hành trình 7 ngày nhằm đảm bảo chính sách tái xoay trục Châu Á và ve vãn Châu Âu.

Giáo hoàng Francis chào đón Tổng thống Mỹ Barack Obama
đến thăm Tòa thánh Vatican hôm 27-3. Ảnh: AP

Xích lại gần nhau

Trước thềm cuộc gặp, Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes nhấn mạnh, Tổng thống Obama được Giáo hoàng Francis truyền cảm hứng qua cách ông thúc đẩy mọi người trên toàn thế giới bằng những thông điệp bình đẳng.

Vì thế, khi Tổng thống Obama gặp Giáo hoàng Francis, ông chủ Nhà Trắng không vấp phải chỉ trích “cố gắng bu bám ánh hào quang từ vị Giáo hoàng đang được lòng dân, người vốn được xem như tác nhân của sự thay đổi trong Giáo Hội Công Giáo La Mã”. Giới phân tích nhận định, đây là cuộc gặp gỡ lịch sử, giúp hai bên xích lại gần nhau hơn sau nhiều năm xa cách. Các cuộc đàm phán giữa vị Giáo hoàng Mỹ Latinh đầu tiên trong lịch sử và Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ hướng đến “cam kết chung để chống sự bất bình đẳng ngày càng tăng”, nhưng có khả năng lan sang các vấn đề gai góc hơn như phá thai, hôn nhân đồng tính, ngừa thai, tiến trình hòa bình ở Trung Đông, môi trường và nhập cư...

Có thể cả hai sẽ không đạt được điểm chung về hôn nhân đồng tính và phá thai nhưng giới phân tích khẳng định, họ sẽ tìm được sự đồng thuận ở nhiều điểm khác.Trên thực tế, bất chấp nhiều dị biệt về học thuyết, cả ông Obama và Giáo hoàng Francis đều muốn hỗ trợ nhau để tiến đến công bằng xã hội. Ngoài ra, ông Obama còn có cuộc gặp tân Thủ tướng Itlaia Matteo Renzi và Tổng thống Giorgio Napolitano và đến thăm Đấu trường La Mã.

Quan hệ ngoại giao giữa Italia và Mỹ khá thân thiết mặc dù Rome vẫn cần thuyết phục Washington về giá trị một số lệnh trừng phạt nhằm vào Nga vì lo ngại sẽ mất một thị trường quan trọng.

Thách thức địa chính trị

Rõ ràng, ông Obama, người đang mất dần sự tín nhiệm ở trong nước vì cách giải quyết cuộc khủng hoảng Crimea, đang “mượn” hình ảnh của Giáo hoàng để lấy lại sức mạnh cho những vấn đề được quan tâm trong nước, như bất bình đẳng thu nhập, mà ông mô tả là “thách thức xác định thời gian của chúng tôi”.

Việc Giáo hoàng lên án “nền kinh tế loại trừ và bất bình đẳng” nhận được sự ủng hộ của người Công giáo tiến bộ. Ông Obama nói “cực kỳ ấn tượng” bởi cách tiếp cận của Giáo hoàng Francis sau khi ông kêu gọi Giáo Hội chấm dứt những tranh cãi về cách giáo dục phá thai, hôn nhân đồng tính và ngừa thai. Tuy nhiên, các chuyên gia Vatican nói rằng, mối quan hệ giữa chính phủ Mỹ và Tòa thánh Vatican không còn nồng ấm như thời trước, khi Giáo hoàng Francis không có khả năng “kiềm chế” chính sách đối nội và đối ngoại của ông Obama. Giáo hoàng Francis từng mạnh mẽ phản bác đề nghị can thiệp quân sự của Mỹ ở Syria vào năm ngoái, tổ chức cầu nguyện tại Vatican thu hút hàng chục ngàn người. Hội Giám Mục Mỹ nhiều lần thách thức Tổng thống Obama về vấn đề Luật Chăm sóc sức khỏe, cho rằng đó là chương trình vi phạm tự do tôn giáo.

Tranh cãi xung quanh vấn đề này có thể mang chiến thắng đến cho đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Thượng viện sắp tới, theo đó sẽ làm suy yếu đáng kể quyền lực của Tổng thống Mỹ - vốn là người của phe Dân chủ - trong 2 năm cầm quyền còn lại.      

Khả Anh