Cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim lần 3: Bước chân lịch sử

Thứ hai, 01/07/2019 14:12

Ông Donald Trump đã ghi dấu ấn lịch sử thế giới khi trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên bước chân vào vùng lãnh thổ Triều Tiên. Ông Trump đã bước qua đường biên giới liên Triều theo lời mời của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vào hôm 30-6.

Tổng thống Donald Trump gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở phần phía Nam của Khu vực an ninh chung, còn gọi là Làng đình chiến Panmunjom.    Ảnh: AP

Lịch sử thế giới, cho đến trước ngày 30-6 này chưa từng ghi nhận một nhà lãnh đạo Mỹ đương nhiệm nào từng bước chân vào lãnh thổ Triều Tiên. Và Tổng thống Donald Trump đã trở thành người đầu tiên thực hiện điều đó.

Vào chiều 30-6, lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên chính thức gặp nhau lần thứ 3. Ông Trump và Kim Jong-un đã gặp nhau tại Khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Triều Tiên ngay sau khi hai nhà lãnh đạo bắt tay nhau và đi sang phía bên kia của đường ranh giới quân sự chia cắt Bán đảo Triều Tiên kể từ khi chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên vào năm 1953.

“Đây là giây phút lịch sử”

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nói như vậy sau khi Tổng thống Trump bước qua đường biên giới về phía Triều Tiên. “Bước qua lằn ranh đó là một vinh dự lớn”, ông Trump đáp lại, nói thêm rằng, ông có “tình bạn tuyệt vời” với ông Kim. Và nhà lãnh đạo Triều Tiên trả lời: “Thật tốt khi gặp ông ở đây. Tôi không nghĩ sẽ được gặp ông tại nơi này”.

Ông Trump đã tiến 20 bước vào lãnh thổ Triều Tiên, sau đó cả hai quay lại phía bên kia đường biên, thuộc lãnh thổ Hàn Quốc. Bình luận về sự kiện này, giới phân tích cho rằng, đây là một thời khắc lịch sử và là một bước tiến lớn trong mối quan hệ dường như bị lung lay, sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội hồi tháng 2-2019 không đạt được kết quả như mong đợi. Kết thúc cuộc đàm phán kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ, Tổng thống Trump ca ngợi: “Đây là một ngày lịch sử trọng đại, một ngày huyền thoại”. Phát biểu với báo giới sau khi chia tay ông Kim Jong-un tại biên giới liên Triều, ông Trump nói: “Chúng tôi vừa có một cuộc gặp rất, rất tốt đẹp với Chủ tịch Kim”.

Ông Trump còn mời nhà lãnh đạo Kim Jong-un đến Mỹ. Đứng cạnh nhà lãnh đạo Triều Tiên ở phần phía Nam của Khu vực an ninh chung, còn gọi là Làng đình chiến Panmunjom, Tổng thống Trump đã nói: “Tôi sẽ mời ông ấy tới Nhà Trắng ngay bây giờ. Có rất nhiều điều thực sự tích cực đang diễn ra”. Ông Kim Jong-un không ngay lập tức đáp lại lời mời nói trên mà chỉ nói: “Thật tốt khi được gặp lại ngài”.

Tổng thống Trump nói chuyện với binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc, ca ngợi cuộc gặp Mỹ - Triều

Phát biểu khi đến thăm các binh sĩ Mỹ tại Căn cứ Quân sự Osan ở Hàn Quốc, Tổng thốngTrump đã nói rằng, cuộc gặp “bất ngờ” của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là “tuyệt vời”.

Trước đó, Tổng thống Trump cũng gặp giới lãnh đạo của các tập đoàn Hàn Quốc, trong đó có Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong, Chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae-won và Chủ tịch Tập đoàn Lotte Shin Dong-bin. Tại buổi gặp, Tổng thống Mỹ hoan nghênh những sửa đổi mới nhất trong hiệp định thương mại tự do giữa hai nước, nhưng cũng tuyên bố rằng cần phải nỗ lực hơn để giảm bớt những gì mà ông gọi là thương mại “mất cân bằng”. Ông Trump cũng yêu cầu Seoul khắc phục tình trạng mất cân bằng thương mại song phương, kêu gọi các Cty Hàn Quốc mở rộng đầu tư vào Mỹ.

T.L

Vẫn còn nhiều mối lo

Ông Trump đã ghi dấu ấn lịch sử thế giới khi trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên bước chân vào vùng lãnh thổ Triều Tiên. Cuộc gặp gỡ, vốn ban đầu được xem là cuộc trao đổi đầy ngẫu hứng, đã biến thành một cuộc họp kéo dài gần 1 giờ đồng hồ, đánh dấu bước ngoặt khác trong lịch sử mối quan hệ giữa hai quốc gia từng thù địch này.

Cuộc hội đàm cũng cho thấy mối quan hệ Mỹ-Triều có vẻ như được đưa trở lại đúng hướng một cách vững chắc khi hai nhà lãnh đạo chào đón nhau một cách nồng ấm và dường như rất thích thú với việc tiếp xúc với phái đoàn tùy tùng của nhau. Bản thân Tổng thống Trump cũng nói rằng, cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội là bước tiến vô cùng quan trọng. Sau cuộc họp, ông Trump cho biết đã nhất trí với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tái khởi động đối thoại sau khi các cuộc đàm phán hạt nhân rơi vào bế tắc hồi đầu năm nay. Và hai bên cũng đã đồng ý nối lại các cuộc thảo luận trong vài tuần tới.

Tuy nhiên, những lo ngại về tương lai của các cuộc đàm phán vẫn còn đó, trong đó mối bận tâm lớn nhất là việc liệu Mỹ có nhất trí dỡ bỏ trừng phạt nhằm vào Triều Tiên hay không và liệu Bình Nhưỡng sẵn sàng từ bỏ kho dự trữ vũ khí hạt nhân như thế nào.

KHẢ ANH