Cuộc hội ngộ đầy nước mắt

Thứ ba, 21/08/2018 14:25

Hàng trăm người Hàn Quốc và Triều Tiên bị ly tán trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) lần đầu tiên gặp nhau sau hơn 6 thập kỷ trong một cuộc hội ngộ gia đình đầy nước mắt.

Sau 68 năm ly tán, cụ bà Lee Keum-seom,  92 tuổi đã gặp lại con trai mình.  Ảnh: Getty Images

Sáng 20-8, đoàn xe buýt chở nhóm người Hàn Quốc tham gia cuộc đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 đã khởi hành đến Triều Tiên.

Một số người quá yếu đến mức phải ngồi xe lăn hoặc được các thành viên trong gia đình hỗ trợ khi họ lên xe buýt. Nhiều người trong số họ đã chờ sẵn ở tiền sảnh khách sạn trước chuyến khởi hành. Dường như ai cũng háo hức cho cuộc đoàn viên này. Ông Shin Jong-ho, 70 tuổi, chia sẻ: "Tôi ngủ từ trước 9 giờ tối và thức dậy từ 3 giờ sáng. Bây giờ tôi cảm thấy rất khỏe. Tôi hy vọng rằng mọi việc cứ suôn sẻ thế này khi tôi đến nơi".

Theo Yonhap, 14 xe buýt chở 89 người cao tuổi Hàn Quốc và những người đồng hành xuất phát từ thành phố cảng Sokcho, đông bắc Hàn Quốc và được cảnh sát hộ tống tới biên giới chia cắt bán đảo Triều Tiên kể từ sau chiến tranh. Ban đầu có khoảng 100 người được lựa chọn tham gia nhưng sau đó có một số người đã rút lui khi biết tin người thân của họ đã qua đời.

89 người Hàn Quốc gặp khoảng 180 người thân sống ở Triều Tiên tại khu nghỉ dưỡng núi Kumgang ở vùng duyên hải phía đông Triều Tiên. Cuộc đoàn tụ, bắt đầu vào khoảng 15 giờ (giờ địa phương), là đợt đoàn tụ đầu tiên được tổ chức từ ngày 20 đến 22-8. Các gia đình đoàn tụ sẽ dùng bữa tối do phía Triều Tiên tổ chức. Trong ngày thứ hai, họ gặp lại, ăn trưa cùng nhau và có các cuộc gặp riêng. Mỗi lần họ chỉ có tổng cộng 11 giờ để gặp gỡ, trò chuyện trong 3 ngày đoàn tụ đầu tiên. Chính phủ hai bên huy động đội ngũ nhân viên y tế để bảo đảm sức khỏe cho những người tham gia sự kiện đoàn tụ.

Chờ gần 70 năm

Suốt 68 năm qua, cụ bà Lee Keum-seom, 92 tuổi, luôn mong ước gặp lại con trai Sang Chol, 72 tuổi dù chỉ một lần.

Lần cuối cùng bà nhìn thấy con, cậu bé Sang Chol mới 4 tuổi. Cùng chồng và con gái, bà Lee bế Sang Chol chạy về phía nam để tránh chiến tranh. Lúc đó, cuộc chiến Triều Tiên mới bắt đầu. Trong dòng người đang cố đào thoát khỏi bom đạn, bà Lee và con gái lạc mất chồng và con trai Sang Chol. Bà cùng con gái đi tiếp về phía nam, cùng dòng người tị nạn vượt qua khu phi quân sự để bước vào đất Hàn Quốc. Sau này, bà mới biết chồng và con trai vẫn còn ở Triều Tiên.

Bà Lee may mắn nằm trong số ít người được chọn tham gia chương trình tái hợp lần này. Sau 68 năm, giấc mơ của bà Lee đã thành hiện thực. "Tôi không thể tin được tôi được gặp con trai. Liệu tôi có nên ôm lấy đứa con trai đã ngoài 70 vào lòng không nhỉ?", bà khóc. Đa số những người được chọn tham gia sự kiện đoàn tụ lần này đều ở độ tuổi từ 70 trở lên, trong đó cao tuổi nhất là cụ bà 101 tuổi. Nhiều người hy vọng các cuộc đoàn viên gia đình như thế này sẽ được tổ chức thường xuyên hơn. Ông Lee Youngbu, thành viên một gia đình ly tán nói: "Tôi hy vọng nhiều vấn đề sẽ được giải quyết để các gia đình ly tán có nhiều cơ hội đoàn viên. Cho dù là Chính phủ Triều Tiên hay Chính phủ Hàn Quốc, hai bên nên phối hợp chặt chẽ với nhau để thực hiện nguyện vọng của các gia đình, đặc biệt với những người đã hơn 90 tuổi".

Việc tổ chức đoàn tụ các gia đình ly tán là một phần trong thỏa thuận được các nhà lãnh đạo hai miền nhất trí tại cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử hồi tháng 4 năm nay ở làng đình chiến Panmunjom. Tiếp sau đợt 1, đợt 2 sẽ được tổ chức từ ngày 24 đến 26-8. Trong đợt 2, 83 người Triều Tiên sẽ được gặp người thân của mình đang sống tại Hàn Quốc cũng tại khu nghỉ dưỡng trên.

AN BÌNH

Hàn Quốc bác bỏ tin Văn phòng Liên lạc liên Triều vi phạm các lệnh trừng phạt

Người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom ngày 20-8 cho biết kế hoạch thành lập Văn phòng Liên lạc liên Triều tại thành phố biên giới Kaesong của Triều Tiên không vi phạm các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng.

Phát biểu với báo giới, quan chức Phủ Tổng thống Hàn Quốc khẳng định: "Việc thành lập một văn phòng liên lạc là dự án thiết yếu nhằm giảm những căng thẳng quân sự và đem lại nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên, và việc duy trì liên lạc liên tục giữa Seoul và Bình Nhưỡng sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Triều Tiên và Mỹ". Ông Kim Eui-kyeom nhấn mạnh lý do cơ bản của việc áp đặt các lệnh trừng phạt với Triều Tiên cũng là tiến đến phi hạt nhân hóa, đồng thời việc cung cấp năng lượng và những cung ứng khác cho văn phòng này hoàn toàn chỉ vì sự thuận tiện của các quan chức Hàn Quốc làm việc tại văn phòng.

B.N