"Cuộc hôn nhân" nhiều sóng gió
(Cadn.com.vn) - Vậy là cuối cùng, người Anh đã quyết định "dứt áo ra đi", chấm dứt một "cuộc hôn nhân" chưa bao giờ yên ả với Liên minh Châu Âu (EU) trong suốt 43 năm qua. Dù quyết định lần này khá bất ngờ, khi tỷ lệ giữa hai phe ủng hộ rời khỏi EU (Brexit) và phe muốn rời đi khá sít sao. Tuy nhiên, nhiều người tặc lưỡi cho rằng, không sớm thì muộn, Anh cũng sẽ rời đi vì dường như không thể hàn gắn mối quan hệ vốn đã sứt mẻ với EU.
Thực tế, mối quan hệ nhiều chông gai giữa Anh với EU bắt nguồn từ lịch sử của vương quốc này và cảm giác thách thức nền độc lập và sự tự hào dân tộc. Nhiều người Anh vẫn còn nhớ như in niềm tự hào khi đã thành công chống lại quân xâm lược năm 1066. Niềm tự hào dân tộc khi đánh đổ Đức Quốc xã trong Thế chiến II cũng là trung tâm bản sắc người Anh, đặc biệt đối với các cử tri lớn tuổi - những người vẫn muốn rời EU để giữ lại bản sắc dân tộc của người Anh.
Anh, sau khi đứng dậy từ chiến tranh, nỗ lực thúc đẩy thống nhất các nước Châu Âu. Nhưng thực tế, nước này phải rất khó khăn mới có thể gia nhập Cộng đồng Kinh tế Châu Âu (EEC) - vốn là tiền thân của EU. Tổng thống Pháp Charles de Gaulle đã 2 lần phủ quyết đơn xin gia nhập của Anh, cho rằng, nền kinh tế này không tương hợp với phần còn lại của Châu Âu. Đến lần nộp đơn thứ 3, khi ông Charles de Gaulle đã rời nhiệm sở, Anh mới được gia nhập EEC vào năm 1973.
Nhưng chỉ 2 năm sau đó, mối quan hệ Anh-EU bắt đầu rạn nứt. Thủ tướng Harold Wilson của Công đảng kêu gọi trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của Anh ở EEC để cố gắng xoa dịu những người chống đối. Một tỷ lệ ủng hộ 67% khi đó đã giúp ông Wilson thoát nạn. Nhưng mọi chuyện chưa kết thúc. Mối quan hệ "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" tiếp tục bị đẩy lên cao khi năm 1979, Thủ tướng Margaret Thatcher yêu cầu "có những quy chế đặc biệt" cho Anh và giảm những đóng góp của Anh trong EEC. "Bà đầm thép" này cũng kịch liệt phản đối tiến trình hội nhập chính trị ngày càng tăng của khối, sợ việc tạo ra một "Châu Âu siêu nhà nước".
Và bước ngoặt trong mối quan hệ hai bên là vào ngày "Thứ tư đen tối" vào năm 1992 - thời điểm chính quyền của đảng Bảo thủ buộc phải quyết định rút đồng bảng Anh khỏi Cơ chế tỷ giá hối đoái Châu Âu (ERM) trước áp lực của những cuộc tấn công đầu cơ tiền tệ do George Soros cầm đầu khiến cho bảng Anh mất giá mạnh. Và từ đó đến nay, thật sự, sợi dây liên kết giữa Anh và EU ngày càng mong manh khi London ngày càng tỏ ra thất vọng với liên minh này. Năm 1997, tân Thủ tướng Tony Blair của Công đảng vừa lên nắm quyền, muốn Anh dùng chung đồng tiền EUR, nhưng vấp phải làn sóng chống đối mạnh mẽ do "bóng ma" ERM.
Kể từ đó, chân trong - chân ngoài là cách tiếp cận của Anh với EU và dường như được mặc định cho chính phủ kế tiếp. Anh vẫn ở bên ngoài đồng tiền chung EUR (tức là không dùng chung đồng EUR và dùng riêng đồng bảng) và khu vực Schengen miễn thị thực, hai trụ cột biểu tượng của EU. Trong bối cảnh mâu thuẫn gay gắt tiếp tục bùng nổ trở lại, Thủ tướng David Cameron cam kết tổ chức một cuộc trưng cầu vào nhằm giải quyết vấn đề này một lần cho xong. Và Anh đã quyết định ra đi trong bối cảnh EU đang khủng hoảng và rất cần một thành viên lớn mạnh như thế này.
Nhiều người giờ đây chỉ trích Anh đến với EU trong một cuộc hôn nhân thực dụng chứ không phải vì tình yêu.
Thanh Văn