Cuộc sống hà khắc của phụ nữ Afghanistan dưới thời Taliban

Thứ sáu, 23/12/2022 09:42
Từ khi lên nắm quyền tháng 8 năm ngoái, Taliban đã áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt đối với phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan. Họ dường như "biến mất" khi bị tước đi cả những quyền tự do cơ bản nhất. Những tiến bộ đạt được trong 2 thập kỷ dường như đã tiêu tan.
Phụ nữ Afghanistan phải trùm đầu và che kín mặt khi ra đường. Ảnh: AP
Phụ nữ Afghanistan phải trùm đầu và che kín mặt khi ra đường. Ảnh: AP

Cấm nữ giới được tiếp cận giáo dục

Ngày 21-12, chính quyền Taliban đã ban hành lệnh cấm trẻ em gái Afghanistan học tiểu học. Như vậy, cùng với lệnh cấm nữ giới theo học đại học ban hành trước đó một ngày, Taliban đã thực hiện lệnh cấm hoàn toàn việc giáo dục cho nữ giới tại quốc gia Tây Nam Á này.

Trong cuộc họp ở Kabul, với sự tham gia của các giám đốc trường tư thục, giáo sĩ và đại diện cộng đồng, Taliban cho biết lệnh cấm cũng áp dụng với nhân viên nữ, bao gồm cả giáo viên, làm việc trong trường học. Theo những người tham gia cuộc họp, với lệnh cấm mới, phụ nữ trưởng thành cũng không còn được đến các thánh đường Hồi giáo hoặc tham dự các hội thảo tôn giáo. Tuy nhiên, lệnh cấm trẻ em gái đến trường chỉ là tạm thời.

Quyết định trên được đưa ra chưa đầy 3 tháng kể từ khi hàng nghìn học sinh nữ ở Afghanistan tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học, trong đó nhiều người chọn ngành sư phạm và y học. Các trường đại học nước này đang trong kỳ nghỉ Đông và sẽ mở lại vào tháng 3-2023.

Phản ứng trước động thái trên, đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) , trưởng phái bộ LHQ tại Afghanistan, bà Roza Otunbayeva đã bày tỏ thất vọng về lệnh cấm của chính quyền Taliban, cho rằng điều này sẽ không chỉ gây tổn hại đối với nữ giới mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến đất nước Afghanistan. Bà Roza Otunbayeva nhấn mạnh nhiều trẻ em gái đã mất cơ hội học tập kể từ khi Taliban đóng cửa các trường trung học cho nữ sinh từ tháng 3 năm nay và nay lại quyết định cấm phụ nữ học đại học. Bà bày tỏ "rất tiếc vì Taliban dường như không nghĩ đến tương lai của Afghanistan, cũng như cách phụ nữ có thể đóng góp cho các lĩnh vực kinh tế, giáo dục và văn hóa".

Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước khác cũng đã lên tiếng phản đối quyết định cấm giáo dục đại học đối với nữ giới mà Taliban đưa ra.

Chính sách khắc nghiệt

Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan từ tháng 8-2021. Các quốc gia phương Tây tuyên bố sẽ chỉ công nhận chính quyền của Taliban tại Afghanistan nếu Taliban tôn trọng các quyền của phụ nữ và trẻ em gái. Dù cam kết áp dụng các quy định Hồi giáo mềm dẻo hơn so với giai đoạn cầm quyền đầu tiên 1996 - 2001, nhưng Taliban đã từng bước đưa ra các biện pháp hạn chế đời sống xã hội, nhất là đối với phụ nữ. Hầu hết các trường cấp hai cho nữ sinh vẫn phải đóng cửa, trong khi nữ giới không được đảm nhận các vị trí trong chính phủ và bị cấm ra nước ngoài, thậm chí không được đi lại giữa các thành phố trừ khi đi cùng một người thân là nam giới.

Họ cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về trang phục như trùm đầu và che kín mặt khi ra đường. Theo sắc lệnh do thủ lĩnh tối cao Taliban ban hành, trang phục phù hợp nhất để phụ nữ Afghanistan che kín mặt và cơ thể là khăn choàng Burqa màu xanh lam bao phủ toàn bộ vùng đầu và vai. Loại khăn này từng được coi là biểu tượng của giai đoạn cầm quyền hà khắc đầu tiên của Taliban từ năm 1996 đến năm 2001. Sắc lệnh cũng nêu rõ, nếu phụ nữ không có lý do gì để ra ngoài thì họ nên ở nhà.

Ngày 27-3, giới chức hàng không Afghanistan cho biết, chính quyền Taliban đã ra lệnh cho các hãng hàng không nước này không cho phụ nữ lên máy bay trừ khi có người thân là nam giới đi cùng. Từ tháng 11 vừa qua, phụ nữ cũng bị cấm đến công viên, phòng tập thể thao và nhà tắm công cộng.

Thế giới không được quên phụ nữ Afghanistan

Trong một thông điệp vào ngày tròn một năm Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan, hôm 15-8, LHQ đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế không lãng quên những bất công mà phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan phải đối mặt trong bối cảnh có nhiều cuộc khủng hoảng diễn ra trên thế giới. "Khi thế giới phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng chồng chéo, chúng ta không được quên phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan. Khi các quyền cơ bản của phụ nữ và trẻ em gái bị từ chối, tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng", Giám đốc điều hành Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) Natalia Kanem nhấn mạnh.

Về phần mình, trong một tuyên bố, Giám đốc điều hành Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) Sima Bahous đã chính thức phản đối các chính sách bất bình đẳng đối với phụ nữ do Taliban thiết lập. Bà Bahous nêu rõ: "Chúng ta phải tiếp tục nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan, những người đang đấu tranh hằng ngày cho quyền được sống tự do và bình đẳng. Cuộc chiến của họ cũng là cuộc chiến của chúng ta. Những gì đang xảy ra với phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan là trách nhiệm của toàn thế giới".

Phái bộ hỗ trợ của LHQ tại Afghanistan (UNAMA) nêu rõ, các sắc lệnh của Taliban đối với phụ nữ và trẻ em gái đã dẫn đến những hạn chế nghiêm trọng đối với quyền con người, làm họ bị loại khỏi hầu hết khía cạnh của cuộc sống hằng ngày.

Dưới sự cai trị ngày càng khắc nghiệt của Taliban, Afghanistan đã rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo nghiêm trọng. Theo thống kê của LHQ, hiện có khoảng 25 triệu người dân Afghanistan, tức là hơn một nửa dân số nước này đang sống trong nghèo đói. Trong khi đó, nền kinh tế đình trệ có thể khiến 900.000 người bị mất việc làm trong năm nay. Tờ Nikkei Asia nhận định, thay vì tập trung giải quyết các vấn đề của Afghanistan, Taliban dường như lại bận tâm tới việc thiết lập "nắm đấm sắt". Giám đốc điều hành Bahous của UN Women cho biết: "Những hạn chế của Taliban trong vấn đề việc làm của phụ nữ ước tính dẫn đến thiệt hại kinh tế lên tới 1 tỷ USD, tương đương 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Afghanistan".

AN BÌNH