Cuộc tấn công quyến rũ

Thứ năm, 17/03/2016 09:45

(Cadn.com.vn) - Các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) ngày 16-3 đã khởi động một cuộc tấn công quyến rũ nhằm lấy lòng các quốc gia trong liên minh để cuối cùng giành được sự ủng hộ cho một thỏa thuận nhập cư với Thổ Nhĩ Kỳ. Giới lãnh đạo EU cũng muốn tìm cách hàn gắn những rạn nứt giữa các quốc gia thành viên ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh quan trọng với Ankara, dự kiến bắt đầu vào hôm nay (17-3).

Động thái này được cho là biện pháp cần kíp ngay sau khi Chủ tịch EU Donald Tusk cảnh báo, thách thức lớn nhất đối với liên minh này là hoàn tất thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi Cyprus đe dọa sẽ phá hỏng nó do những bất đồng lâu dài với Ankara. Thậm chí, nhà lãnh đạo EU hội đàm tại thủ đô Nicosia để có thể có được cái gật đầu của Cyprus cho các đề xuất trong thỏa thuận được ca ngợi là một “sự thay đổi cuộc chơi” cho các nước Châu Âu vốn đang oằn mình dưới làn sóng di cư khổng lồ.

EU và các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ hồi tuần trước nhất trí kế hoạch chung, theo đó EU cam kết chi cho Ankara 6,6 tỷ EUR cũng như nới lỏng quy định về thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ và đẩy nhanh tiến trình đàm phán gia nhập EU của nước này. Đổi lại, Ankara giúp EU hạn chế dòng người tị nạn vào lục địa già. Hai bên thậm chí nhất trí rằng, khi EU gửi trả lại một người Syria vượt đường biển vào Châu Âu cho Thổ Nhĩ Kỳ, liên minh này sẽ tái định cư cho một người tị nạn Syria đến từ nước này.

Dù được đánh giá là “thỏa thuận bước ngoặt” nhưng nó đang có nguy cơ chết yểu khi đang đối mặt nhiều thách thức. Tại LHQ, các tổ chức về người tị nạn và nhân quyền cũng đặt câu hỏi về việc liệu kế hoạch này có hợp pháp. Các nước như Cyprus, Pháp và Cộng hòa Czech cho rằng, Ankara đang “tống tiền” cả Châu Âu vì biết rõ liên minh này đang rất cần sự giúp đỡ của Thổ Nhĩ Kỳ để giải bài toán khủng hoảng tị nạn lần này. Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đấu tranh cho đề xuất này, cũng sẽ phải bảo vệ quan điểm của mình trước Quốc hội.

Thủ tướng Áo Werner Faymann cũng khẳng định sẽ không nhượng bộ về nội dung liên quan các kế hoạch miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ hay việc mở đàm phán về gia nhập EU đối với nước này. Áo cũng lên tiếng yêu cầu các nước chấm dứt chính sách cho người tị nạn qua biên giới một cách bừa bãi và cho rằng, Đức cần thể hiện rõ quan điểm để không một người tị nạn nào có thể tự quyết định đích đến cho mình.

Trong khi đó, bản thân Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davut cũng thừa nhận đây không phải là “một nhiệm vụ dễ dàng” và cũng khó có thể được tất cả 28 thành viên chấp nhận.

Thanh Văn