Cuộc trở về đặc biệt trên "lũy thép" anh hùng

Thứ năm, 01/12/2022 18:23
Ngày 30-11, Sở Thông tin - Truyền Thông Quảng Trị phối hợp với UBND H.Vĩnh Linh tổ chức buổi chiếu phim "Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân" của đạo diễn nổi tiếng Hà Lan Joris Ivens và giao lưu với nhân chứng đoàn làm phim, cùng nhân vật của phim năm 1967. Đó là nữ đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng - phiên dịch cho đoàn làm phim, cộng sự của đạo diễn Joris Ivens. Là thầy giáo Phạm Công Đức - nhân vật "em bé 9 tuổi cầm súng" trong phim. Với nữ đạo diễn và thầy giáo Đức, đây là dịp "đoàn tụ" trong sự kiện đặc biệt ngay trên mảnh đất "lũy thép" anh hùng. Hồi ức trong họ trở lại trọn vẹn kể từ lần đầu gặp gỡ đến hành trình tìm lại cho những hạnh ngộ thương yêu. 
Nữ sinh Trường THPT Vĩnh Linh bày tỏ niềm xúc động, biết ơn sau khi xem trọn bộ phim "Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân".
Đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng trở về trong niềm chào đón, thương yêu của người dân Quảng Trị.

Ở tuổi ngoài 90 tuổi, nữ đạo diễn Xuân Phượng vẫn khí chất, minh mẫn, sắc sảo ngời ngời. Chính vì thế, bà đã mang đến cho người dự buổi giao lưu những hào cảm tuyệt vời về dòng ký ức chưa thể phai mờ cùng đoàn làm phim "Vĩ tuyến 17- Chiến tranh nhân dân" tại Vĩnh Linh năm 1967. Đây là 1 trong 4 phim tài liệu của đạo diễn nổi tiếng người Hà Lan Joris Ivens làm về Việt Nam, đã gây chấn động dư luận phương Tây khi công chiếu vào thập kỷ 70 thế kỷ trước. Phim kể về cuộc sống và đấu tranh bảo vệ quê hương của nhân dân Vĩnh Linh những năm 1967-1968 khốc liệt, kiên cường.

Bà Xuân Phượng cho biết, khi tham gia đoàn phim, bà 37 tuổi. Vào thời điểm đó, bà đang là bác sĩ nhưng sau cơ duyên gặp gỡ cùng vợ chồng đạo diễn Joris Ivens mà bà coi như thầy và trở về từ Vĩnh Linh năm 1967, bà đã quyết định rẽ sang con đường làm phóng viên và đạo diễn phim tài liệu chiến trường. "Vĩnh Linh đã thay đổi tôi"- bà xúc động thổ lộ thêm.

Ông Phạm Công Đức (thứ nhất từ trái qua) xúc động gặp lại "O Phượng".

Trở lại thời điểm năm 1967, bà Phượng đang là bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho người nước ngoài ở Ủy ban liên lạc văn hóa với nước ngoài. Do rất giỏi tiếng Pháp nên bà được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trọng trách làm phiên dịch và chăm sóc sức khỏe cho vợ chồng đạo diễn Joris Ivens - Marceline Loridan khi họ làm phim tại Vĩnh Linh. Và trong suốt quãng thời gian khó khăn, ác liệt đó, bà đã cùng đoàn làm phim tiến vào một vùng đất được mệnh danh là túi bom của Quảng Trị, nóng bỏng sự hủy diệt. Kết quả sau gần 70 ngày đêm ở tuyến đầu Vĩnh Linh, vợ chồng đạo diễn Joris Ivens - Marceline Loridan cùng Xuân Phượng và đoàn làm phim đã cho ra đời bộ phim tài liệu nổi tiếng "Vĩ tuyến 17-Chiến tranh nhân dân", một tác phẩm điện ảnh chân thực, sống động và giàu tính nhân văn bằng phương pháp làm phim Cinema direct (Điện ảnh trực diện). Bật lên sự đối lập giữa những kẻ xâm lược với vũ khí tối tân là những người dân hiền hòa, nhỏ bé vũ khí thô sơ nhưng có một tinh thần chiến đấu kiên cường với một khát vọng tự do, hòa bình mãnh liệt. Trong đó, hình ảnh "em bé 9 tuổi cầm súng" Phạm Công Đức thoăn thoắt tháo lắp súng tiểu liên K50 cùng nhiều hình ảnh hoạt động, sẻ chia trong phim với bạn, với bà con, bộ đội đã gây xúc động sâu sắc. Đức là cậu bé ở bờ nam sông Bến Hải, quê ở An Nha, Gio An, H.Gio Linh. Còn nhỏ, nhưng Đức đã làm liên lạc cho bộ đội, sau được đưa ra Vĩnh Linh để học tập. Trong thời gian đoàn làm phim của đạo diễn Joris đến Vĩnh Linh thực hiện bộ phim, Đức đã có khoảng thời gian gắn bó, thắm thiết với bà Xuân Phượng và hay gọi thân mật là "O Phượng của con".

Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, mang tình cảm đặc biệt với nhân vật, đạo diễn Xuân Phượng đã cất công đi tìm Đức rất nhiều lần, ra tới Quảng Bình nhưng không có kết quả. Đến năm 2007, bà tiếp tục tìm kiếm lần nữa thì được tin có một giáo viên mang tên Phạm Công Đức ở thị trấn Gio Linh (H.Gio Linh). Không nhiều manh mối nhưng bà vẫn hy vọng, nhờ tìm số điện thoại để hỏi han. Phía kia đầu dây nghe mà không trả lời, bà nghĩ tìm sai người, hụt hẫng và quyết định quay trở về Hà Nội. Nhưng khi bà vừa rời khách sạn thì vỡ òa khi biết "em bé Đức" vừa gọi lại, do lúc nãy không phải ông nghe máy. "Đức của tôi đây rồi" - nữ đạo diễn reo lên. Không thể chần chừ, bà vào gặp ngay nhân vật của mình. Tại ngôi nhà ấm áp, có mảnh vườn trồng tiêu xanh mướt, thầy Đức đã trao tặng "O Phượng" 2 gói tiêu cay nồng, đặc sản vườn nhà. Đón nhận quà tặng này, "O Phượng" sang gặp vợ đạo diễn Joris (lúc này đạo diễn đã qua đời) và trao lại quà tặng của "em bé Đức". Quá xúc động, bà Marceline Loridan ra trước mộ phần cố đạo diễn. Bà lấy một nhúm tiêu, thắp nến rồi đặt lên mộ ông báo tin vui về Đức.

Nữ sinh Trường THPT Vĩnh Linh bày tỏ niềm xúc động, biết ơn sau khi xem trọn bộ phim "Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân".

Nữ đạo diễn cũng nhắc nhớ về lần đỡ đẻ cho sản phụ Vĩnh Linh trong hầm địa đạo. Sau khi giúp sản phụ vượt cạn thành công, bà cùng đoàn làm phim không giấu được xúc động khi cha đứa bé vì mừng vui đến khóc. Vợ chồng họ xin bà đặt tên cho trai mình và bà đã đặt luôn là Nguyễn Xuân Phượng. Phó Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Quảng Trị Nguyễn Hoàn cho biết, nữ đạo diễn đau đáu muốn được gặp em bé "Xuân Phượng" ngày nào nhưng mãi chưa có thông tin. Buổi giao lưu còn có gặp gỡ với chàng thanh niên 27 tuổi Viên Hồng Quang, người dành tâm huyết tráng bộ phim từ đen trắng sang màu, hoàn thành vào tháng 9-2022 mới đây.

Xúc động về tình cảm mà nhân vật và nữ đạo diễn dành cho quê hương Vĩnh Linh, tình cảm sâu sắc đối với Việt Nam của vợ chồng đạo diễn Joris Ivens và đặc biệt là vừa được xem trọn bộ phim, em Nhật Linh - khối 11, Trường THPT Vĩnh Linh - đã thay bạn học bày tỏ sự ngưỡng mộ, biết ơn đến đoàn làm phim đã giúp các em hiểu thêm về nhân dân Vĩnh Linh trong cuộc kháng chiến trường kỳ, quá đỗi tự hào và yêu quê hương mình xiết bao.

Bảo Hà