Cựu binh đặc công và hành trình tìm kiếm đồng đội
Hơn 10 năm về trước, ông Phạm Công Hưởng (1952, ở xã Ngô Quyền, Thanh Miện, Hải Dương) phát hiện một video trên mạng của cựu binh Mỹ ghi lại hình ảnh nhiều chiến sĩ đặc công của ta hy sinh tại sân bay Khâm Đức (H. Phước Sơn, Quảng Nam). Từ thông tin trên, với những đêm dài mất ngủ, bằng nhiều cách khác nhau, ông Hưởng đã góp phần tìm thấy 17 liệt sĩ đặc công hy sinh tại sân bay Khâm Đức.
Ông Phạm Công Hưởng trong một lần hướng dẫn hồ sơ tìm kiếm mộ các liệt sĩ. |
Năm 1970, ông Phạm Công Hưởng học xong cấp 3 thì xin nhập ngũ và được phân công vào Tiểu đoàn đặc công 404 (Quân khu 5). Đơn vị ông lúc này đóng quân ở khu vực rừng núi tiếp giáp giữa Quảng Nam và Kon Tum. Sau khi vào đây, ông Hưởng được nghe câu chuyện một tổ chiến sĩ đặc công cùng đơn vị đánh một trận cảm tử vào sở chỉ huy sân bay Khâm Đức để giữ hành lang huyết mạch giao thông chi viện cho miền Nam, và đã có 17 chiến sĩ đặc công hy sinh không tìm được cụ thể. Câu chuyện trên làm ông luôn đau đáu trong lòng…
Sau nhiều năm tham gia chiến đấu ở các chiến trường miền Nam, tháng 12-1974, ông Hưởng bị thương trong một trận chiến tại xã Hành Dũng (H. Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) và được đưa ra miền Bắc điều trị. Sau ngày đất nước thống nhất, ông công tác tại Trường Trung cấp kỹ thuật Xây Dựng, sau đó được đưa sang Đức học kỹ sư xây dựng. Trở về nước, ông Hưởng trải qua nhiều vị trí công tác ở nhiều cơ quan và được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho nghỉ hưu vào năm 2012 tại Hà Nội. Trong những năm làm việc, lao động với cuộc sống bộn bề công việc, nhưng câu chuyện về 17 đồng đội vẫn đang nằm lại sân bay Khâm Đức năm xưa khiến ông không thể nào quên. Do đó, ông nghĩ mình nên làm điều gì đó để góp phần vơi bớt nỗi đau mà gia đình các liệt sĩ đang ngày đêm trông ngóng.
Năm 2011, ông Hưởng tập hợp gần 60 người cùng đơn vị trước đây hiện còn sống để vào sân bay Khâm Đức tìm kiếm. Lúc này, chiến trường năm xưa giờ đã nhiều thay đổi nên khó xác định được vị trí. Tuy nhiên, những trở ngại đó không làm ông Hưởng ngừng tìm kiếm. Mỗi năm, người cựu chiến binh lại bỏ tiền túi lên đường vào Khâm Đức cùng chính quyền địa phương khai quật những điểm khả nghi nhưng đều vô vọng. Ông cũng đã liên hệ đến Trung ương Hội Cựu chiến binh Hoa Kỳ từng tham chiến ở Việt Nam để hỏi về thông tin trận đánh sân bay Khâm Đức năm xưa nhưng không có kết quả.
Đến năm 2013, cựu phóng viên chiến trường Mỹ - Christopher Jensen đưa lên Youtube video dài hơn 6 phút ghi lại cảnh bộ đội đặc công Việt Nam tử vong ở sân bay Khâm Đức. Qua lời kể của đồng đội, ông xác định đây là hình ảnh trận đánh đêm 5-8-1970 khiến 17 chiến sĩ đặc công hy sinh. Với video trên, ông như gặp được của quý, mở ra cánh cửa tìm kiếm đồng đội. Sau đó ông tìm cách liên hệ và giao tiếp được với Christopher Jensen thông qua Skype. Theo đó, Christopher Jensen đã vận động các cựu chiến binh Mỹ cung cấp thông tin về hố chôn tập thể. Ông Hưởng đã vẽ lên một bản đồ vệ tinh và mô phỏng vị trí. Tuy nhiên từ bản đồ ra thực địa đi tìm rất gian nan vì sai số hàng trăm mét.
Sơ đồ do cựu binh Mỹ cung cấp giúp cơ quan chức năng tìm kiếm được hố chôn tập thể 17 chiến sĩ đặc công. |
Nhiều năm liền, cứ 3 giờ sáng khi Christopher Jensen thức giấc thì ông Hưởng thức dậy để trao đổi. Có đêm, ông Hưởng nói chuyện với cựu binh Mỹ đến sáng khiến vợ, con lo lắng. Ông Hưởng không muốn mất cơ hội để khai thác được thông tin, sớm tìm ra hố chôn tập thể đưa đồng đội về quê, mang niềm vui đến cho thân nhân các liệt sĩ. Còn cựu nhà báo ở Mỹ lập trang website kêu gọi quyên góp và cử những cựu binh khác đến Việt Nam hỗ trợ ông Hưởng tìm kiếm. Đến năm 2018, Christopher Jensen tìm được một người lính Mỹ trực tiếp chôn 17 chiến sĩ đặc công. Người này xác định hố chôn tập thể cách bờ rào sân bay Khâm Đức khoảng 70m; hố sâu khoảng 5m, rộng 4m. Theo đó, một tấm bản đồ được vẽ lên gửi đến cơ quan chức năng H. Phước Sơn để lên kế hoạch tìm kiếm.
Ngày 19-5 vừa qua, ông Hưởng cùng 3 đồng đội trở lại Phước Sơn tham gia với đội tìm kiếm của Ban Chỉ huy Quân sự H. Phước Sơn. Hàng ngày, ông làm người truyền dẫn thông tin chỉ dẫn từ một cựu chiến binh Mỹ áp dụng vào thực địa. Và phép mầu nhiệm đã đến - chiều 3-6, 17 hài cốt liệt sĩ đặc công đã được tìm thấy. “Đây là sự thật mà tôi cứ ngỡ trong mơ. Công sức hơn 10 năm nỗ lực tìm kiếm đồng đội đã nhận được kết quả. Các liệt sĩ được quy tập về nghĩa trang, không còn nằm lại giữa rừng cô đơn, lạnh lẽo. Qua đây cũng phần nào chia sẻ được nỗi đau của người thân các liệt sĩ ngày đêm chờ đợi. Đối với Christopher Jensen, chúng tôi từng là cựu thù nhưng đã bỏ qua quá khứ, trở thành bạn và giúp đỡ nhau giải quyết những tồn đọng sau chiến tranh. Giờ tôi cũng lớn tuổi, lại mang trong mình căn bệnh nan y. Nhưng nay có nhắm mắt, xuôi tay thì tôi thấy cuộc đời đã mãn nguyện”- ông Hưởng chia sẻ.
BÃO BÌNH