Cựu binh tạc tượng thờ Luật sư Loseby

Thứ sáu, 24/05/2013 00:00

(Cadn.com.vn) - Lâu nay, ở H.Bắc Trà My (Quảng Nam), vợ chồng cựu chiến binh Võ Như Thông, trú thôn Đồng Trường II tích góp tiền lương hưu xây dựng nhà thờ Bác Hồ ngay trong khuôn viên nhà mình đã quá nổi tiếng. Mới đây, vợ chồng ông lại tiếp tục bỏ ra hơn 20 triệu đồng để tạc tượng và xây gian thờ Luật sư Loseby- luật sư người Anh đã bào chữa cho Bác Hồ trong vụ án nổi tiếng nhất ở Hồng Kông “Vụ án Tống Văn Sơ” hay còn gọi là vụ án “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông” (Tống Văn Sơ–tên hiệu của Bác Hồ lúc bấy giờ-P.V).  

Đã tròn tâm nguyện

Ở địa phương, nhiều người dân vẫn yêu mến gọi ông Vũ Như Thông bằng cái tên hiệu Tử Vi Dân trong thời kỳ ông tham gia kháng chiến (cái tên có nghĩa sẵn sàng hy sinh, quên mình vì nhân dân). Dịp kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ vừa qua, lần đầu tiên tôi đến với vùng núi cao Bắc Trà My, được diện kiến ngôi “Nhà thờ Bác Hồ”, niềm tự hào lâu nay của người dân địa phương và chủ nhân của nó là ông Tử Vi Dân. Hôm tôi đến gặp lúc vợ chồng ông đang hì hục lau dọn, đóng tường, gắn ảnh... để kịp chuẩn bị cho ngày an vị tượng Luật sư Loseby đúng vào ngày sinh của Bác Hồ (19-5). 

Sau khi hoàn thành tâm nguyện cất nhà, tạc tượng, lập thư viện sách về Bác, Tử Vi Dân ấp ủ ước muốn xây thêm một gian thờ Luật sư Loseby, bên cạnh nhà thờ Bác. Sau một năm sưu  tầm tài liệu, tìm hiểu cặn kẽ, càng tìm hiểu ông càng thấy yêu mến và ngưỡng mộ vị luật sư đã cứu sống Bác Hồ. Thế là, ông dành dụm tiền bạc, bàn bạc với vợ và cuối cùng hai vợ chồng ông quyết định đem ảnh luật sư ra Đà Nẵng đặt thợ tạc tượng. Trong thời gian chờ bức tượng hoàn thành, ông tiếp tục xây một gian tưởng niệm riêng dành cho luật sư. Đầu tháng 5 bức tượng Luật sư Loseby cao khoảng 0,5 m, làm bằng đá Non Nước, chạm khắc tinh tế được đưa về nhà đặt trang trọng giữa nhà thờ, xung quanh trang trí những câu nói của Luật sư, những tài liệu về vụ án Tống Văn Sơ tại Hồng Kông, những hình ảnh liên quan tới Luật sư và Bác Hồ. Trong đó có các tấm ảnh chụp bút tích của Bác Hồ kể về luật sư Loseby bào chữa cho Người, hình ảnh Bác Hồ và Luật sư ôm hôn thắm thiết...

 Vợ chồng ông Tử Vi Dân chuẩn bị cho ngày an vị tượng Luật sư Loseby.

Thấy tôi ngạc nhiên và có vẻ chăm chú trước bức tượng Luật sư Loseby, ông say sưa giải thích cặn kẽ và vanh vách về tiểu sử Luật sư, vụ án Tống Văn Sơ ở Hồng Kông mà không cần nhìn vào sách vở. Điều đó cho thấy ông đã tìm hiểu vị Luật sư này với một tấm lòng trân trọng vô vàn. Ông bảo: “Sau cơn đau vì bị tai biến hành hạ, tôi nghĩ, có lẽ mình không còn đủ sức để hoàn thành tâm nguyện cuối cùng này. Nhưng, có lẽ nhờ Bác phù hộ, sau một thời gian điều trị tôi đã khỏe hẳn, được sự ủng hộ của vợ, con, tôi bắt tay vào làm luôn”.

“Để con cháu biết, nhớ, và có nơi tưởng niệm Luật sư”

“Rất ít con cháu biết về luật sư này, trong khi luật sư đã có công rất lớn trong việc cứu sống Bác Hồ, mà cứu sống Bác Hồ cũng chính là cứu sống cả dân tộc mình, vì lẽ đó mà tôi muốn xây tượng luật sư để con cháu biết, nhớ và có nơi tưởng niệm Luật sư, uống nước thì phải nhớ nguồn”. Đó là tâm niệm của người cựu chiến binh năm nay đã tròn 80 tuổi, mắt đã mờ, tóc đã bạc nhưng tấm lòng với Bác Hồ luôn luôn sống mãi trong tim. Đồng thời Luật sư Loseby cũng là một tấm gương ngời sáng mà cả đời ông trân trọng, ngưỡng mộ. Ông bảo ông vô cùng xúc động khi đọc câu nói của Luật sư Loseby tại Viện Bảo tàng Cách Mạng Việt Nam, trước đông đảo cán bộ và nhân viên của Viện “Không phải tôi đã cứu Chủ tịch Hồ Chí Minh mà là chủ nghĩa nhân đạo của Người đã cứu Người, vì chủ nghĩa nhân đạo của Người nên các bạn tôi ở Hạ Môn, Hồng Kông và cả trên nước Anh cũng nhiệt tình giúp tôi giải thoát cho Người”...

Từ nay, khi đến tham quan “Nhà thờ Bác Hồ” của gia đình ông Tử Vi Dân ở Bắc Trà My, người dân trong huyện và khách thập phương sẽ được dâng hương tưởng nhớ Luật sư Loseby-người bạn người Anh thủy chung của Bác bằng nghi thức rất Việt Nam.

Trần Lê