Cựu đệ nhất phu nhân Evita - Anh hùng hay kẻ tội đồ

Thứ bảy, 28/07/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Cựu đệ nhất phu nhân Evita Peron - vợ cựu Tổng thống Juan Peron - đã đi vào lịch sử Argentine khi trở thành người phụ nữ đầu tiên xuất hiện trên một tờ tiền giấy của nước này, tờ 100 peso. Bà Peron nhận được vinh dự này trong lần kỷ niệm 60 năm ngày mất hôm 26-7. 60 năm trôi qua, cái tên Peron vẫn là một nhân vật gây tranh cãi nhưng có thể thấy rằng, chính bà là người nhiệt thành đấu tranh cho một xã hội bình đẳng và công bằng hơn. Và cũng chừng ấy năm, tên tuổi bà luôn xuất hiện trên phim ảnh, bài hát và sân khấu... và có ảnh hưởng rất lớn đến dân chúng.

“NỮ HOÀNG” CỦA DÂN...

Bà Peron sinh năm 1919 trong một gia đình ở khu vực nông thôn nghèo Argentine. 15 tuổi, bà một mình đến thủ đô Buenos Aires theo đuổi sự nghiệp diễn xuất. Bước ngoặt cuộc đời đến với bà khi gặp Đại tá Juan Domingo Peron và kết hôn năm 1945. Một năm sau đó, ông Juan được bầu làm tổng thống Argentine.

Nhiều thập kỷ đi qua nhưng nhiều gia đình ở Argentine vẫn lưu truyền những câu chuyện về cuộc đời và sự chân thành của bà Evita. “Tôi gặp bà ấy trong thang máy tại Quốc hội và bà ấy nắm lấy tay tôi. Tôi nói với bà rằng bà là mọi thứ đối với tôi”, bà Clementina Beba Gill, 88 tuổi, mắt ánh lên niềm tự hào khi nhớ lại khoảnh khắc tuyệt vời đó. Bà Gill đã làm việc với bà Evita trong chiến dịch đòi quyền bầu cử cho phụ nữ trong những năm 1940. Đối với ông Santiago Regolo, một nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Eva Peron ở thủ đô Buenos Aires, tình thương của cựu đệ nhất phu nhân đối với dân chúng là không có gì phải nghi ngờ. “Bà ấy là một người bạn, một người mẹ của giai cấp lao động, điều mà gần như bị các chính phủ trước đây lãng quên. Bà chưa bao giờ là một chính trị gia”.

Cựu đệ nhất phu nhân Eva Peron. Ảnh: Buenos Aires Stay 

Là đệ nhất phu nhân, bà Evita đã có những dấu ấn, đóng góp quan trọng cho đất nước nhất là dành những tình cảm cho người nghèo, tạo cho họ một cảm nhận công bằng. Bà thúc đẩy những luật mới, cho phép phụ nữ Argentine lần đầu tiên được đi bầu cử và trẻ em vô thừa nhận được hưởng những quyền bình đẳng như mọi đứa trẻ khác. Bà cũng đấu tranh để đảm bảo lợi ích cho người lao động và mang lại điều kiện sống tốt  hơn cho người nghèo. Bà cũng giám sát một loạt các dự án, bao gồm cả việc xây dựng các trường học, bệnh viện, các trại mồ côi cho trẻ em, người nhập cư.

... HAY KẺ TỘI ĐỒ CỦA CHÍNH TRỊ

Nhưng không phải tất cả mọi người đều ủng hộ bà Evita. Đối với nhiều người trong quân đội và các tầng lớp trung thượng lưu, bà là biểu tượng của chủ nghĩa dân túy phi dân chủ, một người luôn lợi dụng quyền lực cho những tham vọng cá nhân.

Nhiều người có tư tưởng chống chủ nghĩa Peronism, một phong trào chính trị do cựu Tổng thống Juan Domingo Peron và bà Evita lập nên, do đó, bà Evita thường được miêu tả là một người vợ màu mè của nhà độc tài. Theo những người này, “Peronism” đồng nghĩa với chính sách mị dân và tham nhũng”, nhà xã hội học Florencia Lajer cho biết. Ông Regolo lại chứng kiến quan điểm tương phản sâu sắc ngay trong gia đình mình. Bà ngoại và mẹ ông tin rằng họ nợ phu nhân Evita quá nhiều vì chính cựu đệ nhất phu nhân có công tài trợ xây dựng nhiều trường học. Tuy nhiên, ông của ông lại giúp lật đổ Tổng thống Peron trong cuộc đảo chính quân sự năm 1955. “Mẹ tôi không bao giờ tha thứ cho ông tôi vì tham gia vào cuộc đảo chính. Điều này đã tạo ra khoảng cách rất lớn giữa họ”, ông Regolo kể lại.

BIỂU TƯỢNG THỜI TRANG CAO CẤP

Phu nhân Evita không chỉ được nhớ đến bởi các hoạt động chính trị và xã hội của mình mà còn vì phong cách thời trang quý phái.

Lúc 8 tuổi, Tiến sĩ Victoria Soroa được mời đến dinh thự của gia đình Peron cùng với một người bạn học. "Bà ấy rất đẹp. Tôi nhớ mái tóc vàng của bà được búi chặt. Chúng tôi như đang lạc bước trong lâu đài”, Tiến sĩ Soroa nhớ lại. Kiểu tóc của bà Evita trở thành thương hiệu. Phong cách thời trang của bà là nguồn cảm hứng cho các thương hiệu thời trang cao cấp Paris và các nhà thiết kế quốc tế hàng đầu. Váy Dior ôm eo được yêu thích trên toàn thế giới được thiết kế dựa trên những trang phục mà bà Evita mặc trước đây.

Nhiều người chỉ trích niềm đam mê thời trang cao cấp của bà nhưng đối với nhiều người nghèo, vẻ đẹp thanh lịch của bà là một nguồn cảm hứng cho họ. Bảo tàng Evita nằm ở khu thời trang Palermo ở Buenos Aires, hiện đang lưu giữ nhiều áo dạ hội, những bức chân dung và những kỷ vật đáng nhớ của bà Evita. Bảo tàng nằm trong khu nhà trước kia bà Evita dựng nên để làm nơi ở cho các bà mẹ đơn thân.

Bà Evita qua đời vào ngày 26-7-1952 vì ung thư. 60 năm trôi qua, mọi người hiện vẫn hay so sánh giữa Tổng thống đương nhiệm Argentine Cristina Fernandez de Kirchner và bà Peron. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng so sánh này hơi khập khiễng. Bà Fernandez xuất thân từ tầng lớp trung lưu trong khi bà Evita xuất thân từ tầng lớp lao động nghèo nông thôn. Nhưng không thể phủ nhận việc chính bà Peron có ảnh hưởng lớn đến Tổng thống Kirchner.

An Bình (Theo BBC)