Cựu Thủ tướng Thaksin và kế hoạch trở về Thái Lan
Các nguồn thạo tin cho biết, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra và em gái Yingluck Shinawatra đã về Châu Á từ đầu tháng 2, lần lượt đến Bắc Kinh và Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Singapore.
Trong tuần qua, nền chính trị Thái Lan lại một phen xôn xao với những thông tin của anh em cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và Yingluck Shinawatra. Đã có những đồn đoán rằng, ông Thaksin và em gái Yingluck đang lên kế hoạch để trở lại chính trường Thái Lan trong bối cảnh quốc gia Chùa Vàng vẫn bị chia rẽ gay gắt giữa những người ủng hộ gia đình quyền lực dân túy Shinawatra và các tầng lớp thượng lưu ở thủ đô.
Gia đình quyền lực
Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin và em gái Yingluck vẫn rất được lòng người dân nghèo ở vùng nông thôn. |
Ảnh: AFP
Ông Thaksin đã có công hình thành thái độ “chính trị mới” ở Thái Lan sau khi xây dựng đế chế kinh doanh giàu có, giành được sự ủng hộ lớn với các chính sách dân túy, đặc biệt là có lợi cho những người nghèo ở nông thôn. Tất cả đã giúp ông đi đến chiến thắng vang dội trong mọi cuộc bầu cử từ năm 2001-2005.
Tuy nhiên, ông bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự năm 2006. Cuộc binh biến diễn ra khi ông Thaksin và một số bộ trưởng đang tham dự lễ khai mạc phiên họp của Đại Hội đồng LHQ ở New York, Mỹ. Ông Thaksin sau đó đã trở về nước nhưng đến năm 2008 lại phải trốn ra nước ngoài nhằm tránh bản án 2 năm tù giam vì tội tham nhũng, và phải sống lưu vong từ đó đến nay. Vị cựu Thủ tướng Thái Lan cũng cáo buộc trốn thuế hàng tỷ baht trong việc bán cổ phần tập đoàn Shin Corp cho Quỹ đầu tư Temasek của Singapore hồi năm 2006. Các vụ kiện chống lại ông đã được đưa ra trong năm 2008 và 2012, nhưng phải đình chỉ cho đến khi ông trở về Thái Lan để tham gia tiến trình xét xử.
Mọi việc tưởng chừng có thể được giải quyết khi em gái ông, bà Yingluck lên nắm quyền ở Thái Lan. Nhưng rồi, nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan sau đó cũng bị mất chức trong một cuộc đảo chính năm 2014 và đối mặt với hàng loạt cáo buộc tham nhũng, lạm quyền. Năm 2017, bà bị tuyên án 5 năm tù liên quan việc làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong chương trình trợ giá gạo. Tuy nhiên, bà Yingluck bất ngờ trốn khỏi Thái Lan trước khi bị tuyên án và hiện được xác nhận là đang ở Anh.
Chuyến đi khắp Châu Á
Sau một thời gian sống lưu vong khá kín tiếng, tuần qua, ông Thaksin đã tái xuất hiện trong cuộc gặp mới đây với các thành viên đảng Peau Thai ở Hồng Kông và ra lời kêu gọi đoàn kết.
Một thành viên chủ chốt của Peau Thai, ông Prayuth Siripanich được dẫn lời cho biết, 10 cựu nghị sĩ của đảng này đáp máy bay đến Hồng Kông vào cuối tuần trước và trở lại Thái Lan ngày 19-2. Ông Prayuth nói: “Ông Thaksin yêu cầu các nghị sĩ đoàn kết và không phá vỡ sự đoàn kết đó. Ông ấy yêu cầu các nghị sĩ gặp gỡ cử tri vì cuộc bầu cử đang đến gần”.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin và em gái Yingluck trong một bức ảnh được cho là chụp ở Nhật Bản. |
Ảnh: BKP
Bà Yingluck cũng đi cùng anh trai trong những chuyến đi này. Truyền thông Thái Lan đồng loạt đưa tin, hai anh em nhà Shinawatra đến Hồng Kông để tập hợp sự ủng hộ cho các hoạt động chính trị, đồng thời sẽ sớm tổ chức cuộc họp báo vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3. Nếu cuộc họp báo diễn ra đúng như ông Somchai thông tin, đó sẽ là lần công khai xuất hiện đầu tiên của bà Yingluck kể từ hồi tháng 8-2017, sau khi bà rời khỏi Thái Lan để tránh lĩnh án 5 năm tù.
Các nguồn thạo tin cho biết, trước khi đến Hồng Kông, cựu Thủ tướng Yingluck và anh trai đã có mặt tại Nhật Bản từ hôm 10-2. Cùng đi với bà Yingluck trong chuyến thăm Nhật lần đầu tiên sau khi rời khỏi Thái Lan này còn có người em rể đồng thời là cựu Thủ tướng Thái Lan Somchai Wongsawat. Nguồn tin ngoại giao tại Nhật Bản cho hay, bà Yingluck có thể đang tìm cách kết nối lại những mối quan hệ chính trị và doanh nghiệp trong thời gian bà ở Nhật.
Cũng trong ngày 10-2, con gái của ông Thaksin, Paetongtarn Shinawatra đăng tải lên mạng xã hội Instagram bức ảnh ông ở thủ đô Bắc Kinh cùng với lời chúc mừng năm mới sớm. Gần như ngay sau đó, tờ Matichon Online đăng một bức ảnh khác cho thấy, bà Yingluck và ông Thaksin đang mua hạt dẻ tại một trung tâm thương mại ở Bắc Kinh. Đây nhiều khả năng không phải bức ảnh đã chụp từ lâu do ông Thaksin vẫn đang mặc bộ quần áo giống với trong bức ảnh của con gái.
Mới đây nhất, hôm 20-2, tờ Bangkok Post đưa tin, cựu thủ tướng Thaksin và em gái Yingluck được nhìn thấy đang ở Singapore. Theo nguồn tin, cả hai được nhìn thấy tại một khách sạn ở Singapore và có cuộc trò chuyện với một nhóm những người đàn ông không xác định nhưng có lẽ là thành viên đảng Peau Thai. Nhà chức trách Thái Lan cho rằng, bà Yingluck có thể sở hữu hộ chiếu của một quốc gia khác để đi lại do 4 hộ chiếu Thái Lan của bà đã bị hủy.
Con đường chông gai
Đã 10 năm trôi qua kể từ khi ông Thaksin phải sống lưu vong. Các nhà quan sát chính trị cho rằng, chuyến đi Châu Á của anh em nhà Thaksin là dấu hiệu cho thấy đảng Puea Thai đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử và ông Thaksin đang tìm cách trở lại chính trường Thái Lan. Vị thủ tướng bị lật đổ này từng nói rằng, ông “ước ao” được trở về nước nhưng sẽ xem xét kỹ lưỡng việc trở về sao cho “có lợi cho đất nước và nhân dân”. Tuy nhiên, mục tiêu này giờ đây xem ra quá khó khăn.
Bản thân ông Thaksin đang đối mặt với nhiều phiên tòa. Trong khi đó, Peau Thai - chính đảng đối lập lớn nhất Thái Lan - đang có nguy cơ bị điều tra và phải giải thể nếu bị kết luận là vi hiến vì để người bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ đảng sau các cuộc gặp của nhiều nghị sĩ đảng này với ông Thaksin và bà Yingluck. Theo một quan chức an ninh Thái Lan cho biết, các chuyên gia pháp lý đang làm việc cho Hội đồng Quốc gia vì hòa bình và trật tự (NCPO) đã được chỉ thị xem xét khả năng các cuộc gặp trên có thể cấu thành sự vi phạm quy định của Hiến pháp 2017 cấm sự can thiệp của nhân tố bên ngoài vào hoạt động của các đảng chính trị. Chính quyền quân sự Thái Lan cũng tuyên bố đang theo dõi sát các động thái của lực lượng ủng hộ gia tộc Shinawatra sau những cuộc gặp này.
Tuy nhiên, tối 22-2, đảng Peau Thai đã ra thông cáo bác bỏ các đồn đoán về sự chi phối của cựu Thủ tướng Thaksin đối với đảng này. Tổng thư ký đảng Peau Thai, ông Phumtham Wechayachai nói rằng, cuộc gặp của các nhân vật trong đảng này với ông Thaksin không liên quan đến các hoạt động của đảng này và chỉ đơn thuần là các cuộc thăm hỏi vị cựu thủ tướng, người được các đảng viên Peau Thai quý trọng. Ông cũng khuyến cáo các đảng viên Peau Thai về những thủ đoạn nhằm triệt hạ của các đối thủ chính trị và phải thận trọng về những thông điệp đến người dân. Lãnh đạo đảng Peau Thai cũng bác bỏ đồn đoán về việc ông Thaksin sẽ đích thân chọn lãnh đạo mới của đảng này.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, việc một nhóm cựu nghị sĩ của đảng Peau Thai đến gặp ông Thaksin và bà Yingluck tại Hồng Kông và Singapore là không thể bị cấm vì điều đó “tùy thuộc vào lương tâm của họ”.
KHẢ ANH