Cựu tổng thống đến Mexico tị nạn, Bolivia chìm sâu bất ổn

Thứ tư, 13/11/2019 13:00

Ngày 12-11 (giờ Việt Nam), cựu Tổng thống Bolivia Evo Morales đã đến Mexico, nơi ông đã được chấp thuận tị nạn chính trị sau khi bị buộc phải từ chức trong vụ việc mà ông mô tả là “cuộc đảo chính” chống lại ông của quân đội và phe đối lập. “Thật đau đớn khi phải rời khỏi đất nước vì lý do chính trị, nhưng tôi sẽ giữ liên lạc. Tôi sẽ sớm trở về mạnh mẽ hơn”, ông Morales viết trên mạng xã hội Twitter.

Cựu Tổng thống Bolivia Evo Morales cầm cờ Mexico khi ngồi trên máy bay đến tị nạn chính trị tại nước này. Ảnh: CNN

Di chuyển bằng máy bay của chính phủ Mexico

Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard xác nhận trên Twitter rằng, ông Morales di chuyển bằng máy bay của chính phủ Mexico.

“Máy bay của Không quân Mexico đã đưa ông Evo Morales đến đất nước của chúng tôi. Theo các công ước quốc tế hiện có, ông Morales hiện nằm dưới sự bảo vệ của Mexico”, ông Ebrard viết. Dòng tin trên kèm hình ảnh ông Morales cầm cờ Mexico khi ngồi trên máy bay. Trước đó, Bộ Ngoại giao Peru thông báo, máy bay do chính phủ Mexico cử đi đón cựu Tổng thống Morales đã tiếp nhiên liệu tại Peru. Theo thông báo, máy bay khởi hành đến Bolivia vào 18 giờ 30 (6 giờ 30 ngày 12-11, giờ  Việt Nam), đã được phép bay qua Peru và được tiếp liệu, điều này “phù hợp với những nghĩa vụ của chúng tôi xuất phát từ Hiệp định Caracas năm 1954 về Tị nạn Ngoại giao”.

Ông Morales xin tị nạn chính trị sau khi tuyên bố từ chức tổng thống - một động thái theo sau sự can thiệp của quân đội trong bối cảnh các cuộc biểu tình rầm rộ nổ ra quanh những cáo buộc về “những bất thường nghiêm trọng” trong cuộc bầu cử hồi tháng trước, vốn mang lại chiến thắng cho vị cựu lãnh đạo này. Trong ngày 12-11, tình trạng bất ổn vẫn bao trùm khắp Bolivia với các cuộc đụng độ dữ dội và cướp bóc xảy ra khắp thủ đô hành chính La Paz. Cho đến nay, 3 người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương do làn sóng cuộc biểu tình.

Trong bối cảnh khủng hoảng chìm sâu, trong một thông cáo phát trên truyền hình, Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Bolivia William Kaliman nhấn mạnh sẵn sàng triển khai quân để “tránh máu đổ và tang tóc trong các gia đình Bolivia” và ngăn ngừa các “nhóm phá hoại” trật tự đất nước. Tướng Kaliman chính là người trước đó đã “đề nghị” nhà lãnh đạo cánh tả Morales từ chức để bình ổn tình hình. Ông Kaliman đưa ra tuyên bố trên sau khi cảnh sát La Paz đề nghị quân đội giúp đỡ, nói rằng họ bị “quá tải” khi hàng trăm người ủng hộ Tổng thống Morales biểu tình tại thành phố này.

Mỹ có vai trò gì?

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngày 12-11 đã cáo buộc Mỹ đứng đằng sau cuộc “đảo chính” nhằm vào Tổng thống hợp hiến Morales của Bolivia.

Hãng tin TASS dẫn phát biểu của ông Maduro trên truyền hình quốc gia Venezuela nhấn mạnh: “Chúng tôi lên án cuộc đảo chính chống lại Tổng thống Bolivia Evo Morales đã được chỉ đạo và hỗ trợ từ Nhà Trắng”. Nhà lãnh đạo Venezuela còn cáo buộc Mỹ đứng đằng sau tất cả các cuộc đảo chính trong khu vực trong thế kỷ qua. Không chỉ có Tổng thống Maduro, các tổ chức cánh tả ở Pháp cũng lên án Mỹ liên quan đến “đảo chính” ở Bolivia. Trên mạng xã hội Twitter, lãnh đạo tổ chức La France Insoumise, Jean Luc-Melenchon đã nêu rõ: “Những người Mỹ và EU kiến thiết lại nền dân chủ của họ,... một cuộc đảo chính quân sự là thế giới lý tưởng của họ”. Trong khi đó Nhóm Francia-America Latina Insumisas nhấn mạnh, cuộc đảo chính là một phần trong phản ứng của Washington và công cụ của nước này – Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) – chống lại tiến trình dân chủ và xã hội đang lan rộng tại khu vực này.

Trong phản ứng đầu tiên về tình hình ở Bolivia, phía Mỹ cho biết không coi sự ra đi của ông Morales là một cuộc đảo chính như bản thân ông này và chính phủ Mexico đã cáo buộc. Washington cho rằng, đó là kết quả của cuộc biểu tình cho thấy người dân Bolivia “đã không còn chịu đựng thêm được một chính phủ phớt lờ ý nguyện của chính các cử tri nước mình”. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump lại càng “đổ thêm dầu” vào chảo lửa này khi cho rằng, động thái từ chức của Tổng thống Morales đã giúp duy trì nền dân chủ ở quốc gia này và gửi một tín hiệu tới “các chế độ phi pháp” ở Venezuela và Nicaragua.

KHẢ ANH