Cứu trẻ sơ sinh bằng cái ôm đầu đời
(Cadn.com.vn) - Có thể giảm tỷ lệ trẻ tử vong trong 3 ngày đầu đời rất cao hiện nay với chỉ một phương pháp đơn giản: Cho bé cái ôm đầu tiên. Thực tiễn đó đã được triển khai ở Đà Nẵng, được đại diện Tổ chức Y tế thế giới đánh giá rất cao.
Ôm để chống… tử vong
Ở Việt Nam, trẻ sơ sinh tử vong đứng thứ 3 khu vực Châu Á (sau Trung Quốc, Philippines) - số liệu được công bố tại Hội thảo về chăm sóc trẻ sơ sinh tổ chức hôm 15-7 tại BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Trao đổi với PV, Bác sĩ Howard Sobel, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Châu Á nói: "Tỷ lệ tử vong ở trẻ cao nhất trong 3 ngày đầu đời. Lý do vì trẻ không thở được, bị nhiễm trùng, bị biến chứng do đẻ non".
Ông dẫn chứng, năm 2008 ở Philippines trẻ em sinh ra lần lượt bị tử vong bởi dịch bệnh nhiễm trùng huyết. Lúc đó, một BV ở miền bắc nước này đã áp dụng biện pháp ngưng cho trẻ sơ sinh uống sữa bột, phủ ấm ngay cho trẻ, kết quả là số trẻ tử vong giảm 85%, số trẻ mắc dịch giảm 95%.
BS Howard kết luận, chính "cái ôm đầu tiên" của mẹ đã thúc đẩy hơi thở đầu đời của bé. Bé được ủ ấm trong lồng ngực của mẹ, được ngửi mùi từ mẹ, được bú sữa mẹ sớm đã giúp tăng hệ miễn dịch, giảm nguyên nhân nhiễm trùng, biến chứng sinh non và tránh tử vong. Như vậy, cái ôm đầu tiên, một hành động rất nhỏ nhưng lại có sức mạnh to lớn. Từ thực tế đó, WHO đã thúc đẩy thực hiện "cái ôm đầu tiên của mẹ, hơi thở đầu đời của bé" hay còn gọi là "da kề da" trên khắp thế giới.
TS.BS Trần Đình Vinh- Giám đốc BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết, BV là một trong 3 đơn vị toàn quốc đi đầu trong chăm sóc thiết yếu sơ sinh sớm (da kề da). Thực chất của da kề da gồm các công đoạn đơn giản nhưng giúp trẻ được sưởi ấm ngay sau sinh, được bú mẹ sớm nhất đồng thời hạn chế những chăm sóc không đúng như trì hoãn việc lau khô, hút nhớt hay băng rốn như trước đây.
Cũng theo BS Vinh, cuối tháng 10-2014, ca sinh mổ thực hiện phương pháp "da kề da" đầu tiên của Việt Nam đã được thực hiện tại BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Tới nay, tỷ lệ số ca sinh thường và sinh mổ thực hiện "da kề da" ở BV đã lên con số trên 95%. Ngoài ra, BV còn được Bộ Y tế giao hỗ trợ, giám sát thực hiện "da kề da" ở một số tỉnh khu vực miền Trung- Tây Nguyên.
Bé được mẹ ủ ấm ngay khi lọt lòng tại BV Phụ sản- Nhi Đà Nẵng. |
Hạnh phúc trọn vẹn
Chị Nguyễn Thị N. (trú Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng), một bà mẹ được áp dụng phương pháp da kề da kể, khi em bé vừa chào đời đã được y tá đặt ngay lên bụng mẹ. Thật kỳ lạ, em bé được ủ ấm đã lim dim, miệng chúm chím tìm vú mẹ. Lúc đó, niềm hạnh phúc trong chị thật khó tả, mặc dù vừa trải qua cuộc sinh nở đau đớn. Những lo lắng trước đây của chị N. rằng sinh mổ xong sẽ không có sữa cũng tan biến.
* "Thống kê năm 2013 có 6,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới tử vong, trong đó 44% trẻ sơ sinh. Theo khảo sát, nếu trì hoãn bú sữa mẹ trong ngày đầu sẽ tăng tỷ lệ tử vong lên gấp đôi, tương tự sau 2 ngày sẽ tăng gấp 3. Nếu bú sữa mẹ hoàn toàn ngay sau sinh sẽ giảm tỷ lệ tử vong xuống dưới 10%", TS.BS Trần Thị Hoàng- PGĐ BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết. |
Nữ hộ sinh Trần Thị Thanh Hằng (BV Phụ sản- Nhi) chia sẻ, khi em bé bị tách đột ngột khỏi môi trường bụng mẹ, những biến đổi về tâm, sinh lý là điều dễ nhận thấy, vì vậy việc "da kề da" ngay sau sinh sẽ tiếp tục duy trì sự tiếp xúc với cơ thể mẹ, duy trì sự ràng buộc về tình cảm một cách liên tục. Cũng theo chị Hằng, hầu hết các bà mẹ sinh mổ đều lo lắng không có sữa ngay, con sẽ không có gì để bú, nhưng thực tế lúc đó cho con bú sẽ kích thích ra sữa, hơn nữa dạ dày trẻ lúc mới sinh rất nhỏ không cần lượng sữa nhiều, chỉ cần sữa non của mẹ là đủ.
Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (Trạm y tế P. Hòa Khê, Q. Thanh Khê) nói: Phương pháp "da kề da" rất ý nghĩa với các sản phụ. Chúng tôi sẽ tuyên truyền rộng rãi phương pháp này để nâng cao nhận thức cho các sản phụ trên địa bàn phường trong những đợt các sản phụ tới tiêm chủng.
Theo BS Trần Đình Vinh, phương pháp "da kề da" rất nhân văn, hầu hết sản phụ và gia đình họ đều hài lòng. Riêng BV cũng thấy được niềm vui của nhân viên y tế khi cải thiện được sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, đặc biệt khi chứng kiến trong ánh mắt sản phụ niềm hạnh phúc trọn vẹn của người mẹ được ôm con mình ngay khi vừa "lọt lòng.
Tuy vậy, BS Vinh cũng chia sẻ trăn trở khi thực hiện một kỹ thuật mới ngoài giải quyết khó khăn về vật chất, thì khó khăn lớn hơn cả là làm sao để người dân hiểu được tính thiết yếu của phương pháp để tham gia. Ngoài ra, triển khai mô hình này cũng gặp khó về nhân lực, bởi mỗi nữ hộ sinh đều phải dành thời gian rất nhiều cho mẹ và em bé, phải thường xuyên túc trực để giúp mẹ con sản phụ vượt qua những trở ngại ban đầu.
Hải Quỳnh