Đà Lạt - Những bậc cấp níu chân người

Thứ tư, 12/06/2024 15:12

Đà Lạt được mệnh danh là thành phố mù sương, thành phố ngàn thông, thành phố ngàn hoa…Dẫu bạn đã đến bao nhiêu lần cũng muốn trở lại, và mỗi lần trở lại là một cảm giác khác. Với tôi cũng vậy, thuộc lòng từng con đường Đà Lạt, quen với thành phố những ngày mưa hay những ngày hoa nở, những ngày mù sương hay lạnh buốt...

Bậc thang lên chợ Đà Lạt vào những ngày thứ 7, chủ nhật
Bậc thang lên chợ Đà Lạt vào những ngày thứ 7, chủ nhật

Có người nói, Đà Lạt có quá nhiều con dốc, đi mỏi chân. Ấy nhưng, chính những con dốc đã tạo nên nét đặc trưng riêng có cho Đà Lạt. Như con dốc Lê Đại Hành nối khu Hòa Bình đến bồn hoa qua cầu ông Đạo, nơi này ngày cũ có nhiều quán cà phê để khách ngồi nhìn xuống. Nơi có những cây Mai anh đào nở hồng vào mùa Xuân, và là nơi nhà văn Đoàn Thạch Biền đã viết nên một câu chuyện tình đẹp: "Tình nhỏ làm sao quên", mà mỗi khi ngồi ở một quán cà phê ở dốc Lê Đại hành, nhìn qua những hàng cây Mai anh đào, tôi lại nhớ câu chuyện của anh, chàng biên kịch đã gặp cô bé Đà Lạt ở bên con dốc đó.

Là con dốc Bùi Thị Xuân, thuở Đà Lạt chưa rộn khách du lịch, khu bây giờ là nhà cửa san sát là thung lũng với những vườn cây, nơi hai vợ chồng nhạc sĩ Lê Uyên Phương từng ở và có những đêm nhạc. Hay con dốc đường lên nhà thờ Con Gà, con dốc từ Phan Đình Phùng vòng lên phố, con dốc lên Domaine De Maria… Nói chung, mỗi con dốc ở Đà Lạt đều mang nỗi niềm của những hẹn hò, của những yêu thương và cả ký ức của những trái tim yêu thương.

Lần đầu tôi lên Đà Lạt, đó là những ngày thành phố lạnh. Khi đó nhủ có tiền sẽ vào Thủy Tạ uống một ly cà phê, và đêm sẽ đi vòng Hồ Xuân Hương, dĩ nhiên sau đó ghé nhiều lần. Cũng là những lần đi bộ từ con dốc đường Bà Triệu lên Đại học Đà Lạt, khởi đầu là đi theo những con dốc, đi bọc qua Hàm Nghi, đi Phan Đình Phùng, Võ Tánh…hoặc đi bọc qua đồi Cù (khi đó đồi Cù chưa quy hoạch thành sân golf, nên khi tan học lại lên đây, tựa vào một gốc thông ngắm nhìn thành phố). Khi đó, gặp bất cứ bậc cấp nào tôi cũng đi thử, xem sẽ về đâu? Để rồi cả trăm bậc cấp như thế ẩn trong lòng Đà Lạt, tạo ra một sự khám phá thú vị.

Bậc cấp nổi tiếng nhất chính là bậc cấp đầu con dốc Lê Đại Hành xuống chợ Đà Lạt. So với tiền sử là chợ Cây được xây dựng từ năm 1929, rồi sau một trận hỏa hoạn lớn, năm 1937, một ngôi chợ mới bằng gạch được xây dựng để thay thế chợ Cây và năm 1958, chợ Đà Lạt hiện nay được khởi công xây dựng... Từ kiến trúc đơn giản, được xây dựng từ ván gỗ, mái tôn, thì đến nay, chợ đã khang trang, sầm uất qua nhiều giai đoạn xây dựng, chỉnh trang, tu bổ để ngày càng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Bậc cấp khoảng 60 bậc, vào ngày thứ bảy và chủ nhật các hộ buôn bán nhỏ được bày bán các món ăn vặt, sữa đậu nành, những chiếc nhựa nhỏ xinh bày ra.

Ngay phía sau chợ Đà Lạt cũ, có một con dốc nép mình để bạn có thể bước lên đường Võ Tánh nhưng rất ít người biết. Ở đường Nguyễn Chí Thanh có lối rẽ xuống Ấp Ánh Sáng và có con đường tắt xuống Chợ Đà Lạt. Trên đường Phan Đình Phùng có đường tắt lên Trương Công Định… Và bạn cũng sẽ bất ngờ nếu vô tình lạc lối ở một con đường nào đó, thế nào cũng có bậc cấp để bạn "thoát ra".

Nói chung, xen giữa các ngôi nhà mặt tiền mà bên dưới là lũng sâu luôn có những con đường bậc cấp rẽ tắt để bạn đi cho khỏi mỏi chân, nói vui là chỉ có thổ địa ở Đà Lạt mới biết. Còn những bậc cấp tạo cho cảnh quan Đà Lạt thêm huyễn hoặc như những bậc cấp nay cỏ xanh phủ lối giữa rừng thông là Lăng Nguyễn Hữu Hào (nơi chôn cất, thờ ông Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bình - song thân của Nam Phương Hoàng Hậu - tọa lạc tại ngọn đồi ở phía Tây Nam TP Đà Lạt), nơi này vào mùa hoa dã quỳ vàng cả một góc trời. Hay bậc cấp lên Chùa Tàu trên đường Khe Sanh khiến bạn mang cảm giác chinh phục, những bậc cấp ở Thung lũng tình yêu đưa bạn xuống hồ nước xanh trong, và cũng có thể là những bậc cấp ở nơi chốn yên bình Thiền Viện Trúc Lâm. Hoặc bạn thoát ra khỏi phố, ghé Trại Mát, Trạm Hành, Cầu Đất… sẽ gặp biết bao nhiêu bậc cấp nối chân người đến một nơi chốn.

Những bậc cấp ẩn giấu trong lòng Đà Lạt, từ nơi này mở ra một thế giới khác, là một phần của Đà Lạt.

Khuê Việt Trường