Đà Nẵng: 90% dân số trong độ tuổi có thể tiêm đủ 2 mũi vaccine vào cuối năm nay

Thứ tư, 15/09/2021 11:20

Trao đổi với phóng viên Chuyên đề Công an Đà Nẵng, ông Nguyễn Tiên Hồng – Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, nếu số lượng vaccine được Bộ Y tế phân bổ đủ như đề xuất, dự kiến cuối năm 2021, thành phố đạt mục tiêu trên 90% người dân trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19, đảm bảo khả năng miễn dịch cộng đồng.

Ông Nguyễn Tiên Hồng.

Đến ngày 11-9, tức là trước chiến dịch lớn nhất kể từ ngày bắt đầu triển khai  hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân, có bao nhiêu người đã được tiêm mũi 1, bao nhiêu người mũi 2?

Trên cơ sở các đối tượng được Chính phủ, Bộ Y tế quy định, thành phố Đà Nẵng đã xác định đối tượng tiêm vaccine phòng COVID-19 tại thành phố trong giai đoạn 2021 - 2022 gồm: Toàn bộ người dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vaccine theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Trong đó ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế và các đối tượng nguy cơ cao.

Tính đến ngày 11-9, ngành Y tế thành phố đã tổ chức tiêm 339.253 liều vaccine cho người dân, trong đó có 281.607 người tiêm mũi 1, 57.646 người đã tiêm đủ 2 mũi.

Trong đợt tiêm quy mô lớn này sẽ tiêm bao nhiêu liều vaccine cho người dân? Phân bổ theo đối tượng, địa bàn như thế nào? 

Trong đợt này Bộ Y tế đã có Quyết định phân bổ cho thành phố Đà Nẵng 200.000 liều vaccine. Với số lượng này, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch tiêm cho các đối tượng theo quy định tại Quyết định 3355/QĐ-BYT, trong đó ưu tiên các thành viên ban điều hành phòng chống dịch các cấp, người lao động tại các công ty, doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp, cụm công nghiệp, người dân sống tại các khu vực dân cư có mật độ dân số cao như trong kiệt hẻm, chọn vùng xanh trong vùng đỏ, vàng. Cùng với đó là người dân sống tại các khu chung cư, người cung cấp các dịch vụ thiết yếu, người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, người cai nghiện ma túy tại các trung tâm…

Ngành Y tế đã lên phương án như thế nào để đảm bảo vaccine về đến đâu sẽ tiêm cho người dân đến đó đồng thời đảm bảo các quy định phòng chống dịch?

Hiện nay Sở Y tế đã tham mưu UBND thành phố thiết lập 87 điểm tiêm chủng trên địa bàn. Dự kiến trong thời gian tới sẽ bố trí 120 điểm tiêm với tổng công suất có thể thực hiện tiêm chủng cho từ 25.000 - 35.000 người/ngày. Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tế có thể bố trí các xe lưu động để triển khai tiêm cho các khu vực đi lại khó khăn, khu vực phong tỏa

Để chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng này, ngành y tế đã chủ động rà soát tất cả các lực lượng hiện đang làm việc, từ tuyến xã trở lên để tổ chức đào tạo, tập huấn về công tác tiêm chủng. Ngoài nhân lực hiện có tại các đơn vị tiêm chủng trước đây, Sở đã chủ động đào tạo, tập huấn thêm cho cán bộ nhân viên y tế tại các bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện bộ ngành, cán bộ y tế hưu trí với số lượng khoảng 1.000 người. Bên cạnh đó, Sở cũng đã tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các lực lượng hỗ trợ như: công an, quân đội, đoàn viên thanh niên cùng tham gia vào các khâu như đảm bảo an ninh trât tự, phân luồng, đón tiếp, cập nhật thông tin… để giảm tải cho ngành y tế. Việc thống kê báo cáo, nhập liệu sẽ huy động lực lượng tình nguyện viên tại các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn.

Tất cả các điểm tiêm chủng đều bố trí bộ phận thường trực với đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng cấp cứu, xử trí các trường hợp có vấn đề về sức khỏe sau tiêm tại điểm tiêm chủng. Chúng tôi cũng sẽ cung cấp số điện thoại để người dân liên hệ các bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu sau tiêm chủng có biểu hiện sức khỏe bất thường.

Các trường hợp đã tiêm mũi 1 ở địa phương khác nhưng không thể về tiêm trả mũi 2 do thực hiện các biện pháp phòng chống dịch thì phải làm thế nào?

Các trường hợp có nguyện vọng thì Sở Y tế hướng dẫn người dân làm đơn trình bày kèm minh chứng đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1. Căn cứ loại vaccine đã tiêm, thời gian trả mũi theo quy định và loại vaccine thành phố Đà Nẵng được tiếp nhận, Sở Y tế sẽ bố trí tiêm mũi 2 cho người dân theo quy định.

Người dân cần lưu ý gì trước, trong ngày đi tiêm và sau khi tiêm vaccine?

Để thuận tiện trong việc nhận được tin nhắn đi tiêm chủng, người dân cần kiểm tra, đảm bảo tính chính xác của số điện thoại khi đăng ký tiêm vaccine, không thay đổi số điện thoại đã đăng ký tiêm vaccine và không cài đặt chặn tin nhắn quảng cáo.

Chỉ những người nhận được giấy mời hoặc tin nhắn mời đi tiêm thì mới đến các điểm tiêm và thực hiện đúng giờ. Khi đi tiêm nhớ mang theo đầy đủ các giấy tờ cần thiết như chứng minh nhân dân/căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế để xác thực thông tin cá nhân. Trước khi tiêm cần khai báo y tế điện tử hoặc tờ khai y tế, tải ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử (SSKĐT) trên điện thoại thông minh. Tất nhiên là phải thực hiện 5K.

Sau khi tiêm chủng người dân ở lại điểm tiêm để theo dõi sức khỏe tại chỗ ít nhất 30 phút đồng thời khai báo các thông tin cần thiết trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử. Khi về nhà, nơi làm việc cần chủ động theo dõi sức khỏe bản thân trong vòng 28 ngày sau tiêm, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu. Nếu có biểu hiện bất thường thì nhanh chóng liên hệ đến số điện thoại đường dây nóng của các đơn vị phụ trách tiêm chủng đã được gởi kèm qua tin nhắn mời đi tiêm trên điện thoại, hoặc đến thẳng các bệnh viện gần nhất.

Dự kiến khi nào Đà Nẵng có thể tiêm đủ vaccine cho người dân để đảm bảo miễn dịch cộng đồng?

Đến hết tháng 9-2021 với số lượng vaccine Bộ Y tế cung cấp, thành phố Đà Nẵng có thể tiêm trên 500.000 mũi 1, 75.000 mũi 2.

Tại công văn số 5946/DP – BYT ngày 24-7-2021, Bộ Y tế dự kiến phân bổ cho thành phố Đà Nẵng hơn 1,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong năm 2021. Nếu số lượng vaccine được Bộ Y tế phân bổ đủ như đề xuất, dự kiến cuối năm nay, thành phố Đà Nẵng đạt mục tiêu trên 90% người dân trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19, đảm bảo khả năng miễn dịch cộng đồng.

Việc tiêm vaccine là giải pháp căn cơ lâu dài, nhưng cùng đó thì các giải pháp 5K, giám sát dịch, giãn cách xã hội, xét nghiệm, ngăn chặn dịch xâm nhập, phòng hộ cá nhân tốt mới đẩy lùi được dịch bệnh.

Xin cảm ơn ông!

CÔNG KHANH