Đà Nẵng bàn cách cơ cấu lại ngành Du lịch

Thứ năm, 17/09/2020 10:40

Ngày 16-9, tại cuộc họp lấy ý kiến nhằm hoàn thiện Đề án cơ cấu lại ngành Du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng 2030,  PGS- TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch) đánh giá,  để đảm bảo du lịch Đà Nẵng có những đóng góp tích cực hơn cho phát triển KT-XH của thành phố với tư cách là ngành kinh tế mũi nhọn và là một trong 3 trụ cột kinh tế, đặc biệt là đảm bảo cho sự phát triển bền vững, việc cơ cấu lại ngành du lịch Đà Nẵng là rất quan trọng và cần thiết.

Ông Phạm Trung Lương: "Điểm đến du lịch Đà Nẵng đã phát triển đến cuối giai đoạn “Trưởng thành” và cần thiết phải đầu tư “làm mới” lại”.

Du lịch cũng có “vòng đời”

Theo ông Phạm Trung Lương, trong quá trình phát triển KT-XH của một địa phương, một vùng hoặc một quốc gia luôn có những yếu tố chủ quan hoặc khách quan nảy sinh nằm ngoài dự báo và những yếu tố này sẽ có tác động đến sự phát triển đó. Điều này đòi hỏi cần có những điều chỉnh phù hợp hoặc là về mục tiêu phát triển đã đặt ra trước đó hoặc là điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế nhằm thích ứng được với những tác động để đảm bảo mục tiêu đã đặt ra ít bị thay đổi hoặc thay đổi theo hướng phù hợp với yêu cầu mới của sự phát triển. Phát triển du lịch Đà Nẵng với tư cách là một ngành kinh tế cũng không phải là ngoại lệ.

Theo đánh giá của đề án, trong những năm qua, Đà Nẵng luôn là một trong những địa phương đi đầu về phát triển du lịch ở vùng duyên hải miền Trung mà du lịch là một trong những ngành kinh tế có những đóng góp quan trọng. Năm 2019, tỷ lệ đóng góp du lịch vào GRDP của thành phố đã đạt tới 31,4%. Đây được xem là tỷ lệ đóng góp vào loại lớn nhất so với các địa phương có ngành du lịch phát triển trong cả nước. Tuy nhiên,kết quả phân tích số liệu cho thấy, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận cũng đã xuất hiện nhiều yếu tố ảnh hưởng đến vai trò ngành kinh tế mũi nhọn cũng như sự phát triển bền vững của điểm đến Đà Nẵng như mức chi tiêu và số ngày lưu trú trung bình của khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế có xu thế giảm, công suất sử dụng buồng trung bình có xu thế giảm, đặc biệt với nhóm khách sạn 2 sao trở xuống (chỉ đạt 30-40%), trong khi đây là nhóm chiếm tới 37,1% tổng số buồng (2019). Ngoài ra, tỷ trọng của thị trường khách Hàn Quốc và Trung Quốc trong tổng số khách du lịch quốc tế tăng liên tục trong những năm gần đây và đạt 70,5% năm 2019, trong khi mức chi tiêu tương ứng là 2.066.000 đồng/ngày và 883.800 đồng/ngày, và số ngày lưu trú trung bình ở mức 3,5 ngày của những thị trường này thấp so với các thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ. Cạnh đó, du lịch Đà Nẵng cũng phát triển trong bối cảnh mới khi tình hình kinh tế - chính trị - xã hội liên tục có những biến động, những xu thế phát triển, vận động không ngừng của các điểm đến cạnh tranh, những thách thức không nhỏ về bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh và diễn biến của biến đổi khí hậu ngày càng trở nên mạnh hơn và khó lường.

Ông Phạm Trung Lương đặc biệt lưu ý đến “vòng đời phát triển du lịch” ở điểm đến Đà Nẵng. Theo đó điểm đến du lịch Đà Nẵng đã phát triển đến cuối giai đoạn “Trưởng thành” và bước vào đầu giai đoạn “suy thoái” với hệ thống các sản phẩm du lịch và dịch vụ đã trở nên nhàm chán với du khách và cần thiết phải đầu tư “làm mới” lại. Nhận xét này được đưa ra dựa trên kết quả điều tra sơ bộ một số khách du lịch đã từng đến Đà Nẵng từ 2 lần trở lên về “ý định” trở lại du lịch Đà Nẵng cũng như kết quả phỏng vấn sâu về vấn đề này đối với một số chuyên gia du lịch. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cần cơ cấu lại đầu tư du lịch để đảm bảo sự phát triển du lịch của điểm đến Đà Nẵng vượt qua được điểm “liệt” này trong vòng đời phát triển điểm đến. Trong các giai đoạn phát triển du lịch, giai đoạn “Suy thoái” là giai đoạn tiếp sau của trạng thái “Trưởng thành” trong phát triển du lịch của điểm đến. Nhiều yếu tố hấp dẫn về tự nhiên và văn hóa đã bị suy giảm, mâu thuẫn giữa phát triển du lịch và cộng đồng địa phương nảy sinh do áp lực của du lịch đến hạ tầng xã hội. Tốc độ tăng trưởng về du lịch không chỉ không tăng mà còn có dấu hiệu suy giảm cùng với tình trạng nhàm chán của khách du lịch về một điểm đến ít có sự thay đổi về sản phẩm du lịch, về chất lượng dịch vụ. Đây là giai đoạn phát triển du lịch mà nếu không có thay đổi về cơ cấu, đầu tư “làm mới” về sản phẩm du lịch (nâng cấp những sản phẩm cũ và phát triển những sản phẩm mới) và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch thì du lịch sẽ không vượt qua được điểm “Trì trệ” này và sẽ bắt đầu của quá trình suy giảm, đi xuống của du lịch. “Việc cơ cấu lại ngành du lịch như một yêu cầu khách quan khi điểm đến du lịch đã phát triển đến “cực thịnh” và bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu ảnh hưởng đến các mục tiêu đặt ra đối với ngành như phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn hoặc phát triển du lịch bền vững”, ông Lương đánh giá.

Đà Nẵng cần cơ cấu lại tỷ trọng thị trường khách nội địa.

Cần cách làm bài bản

Theo các chuyên gia trên lĩnh vực du lịch, cho đến nay nếu dựa trên chỉ tiêu về kinh tế, du lịch đã được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố với tỷ lệ đóng góp trực tiếp trong GRDP đạt hơn 13% trong năm 2019.  Tuy nhiên sự phát triển của du lịch Đà Nẵng tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, thiếu bền vững.

Theo đề án, việc đầu tiên là phải cơ cấu lại thị trường du lịch. Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030 và Chiến lược Marketing Du lịch Việt Nam, đặc biệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định định hướng phát triển thị trường du lịch của vùng, trong đó có Đà Nẵng. Với các thế mạnh sẵn có, Đà Nẵng cần duy trì khai thác các thị trường truyền thống: Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ, Úc; đẩy mạnh thu hút khách từ các thị trường Đông Bắc Á, Đông Nam Á và và Đông Âu cũng như mở rộng thị trường mới gồm Trung Đông, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ… Song song với thị trường quốc tế, du lịch Đà Nẵng phải cơ cấu lại thị trường nội địa. Kết quả phân tích hiện trạng du lịch Đà Nẵng giai đoạn 2013-2019 cho thấy, tỷ trọng thị trường nội địa có xu hướng giảm từ 76,2% đối với khách tham quan và 74,6% đối với khách có lưu trú năm 2013 xuống tương ứng là 59,5% và 40,1% năm 2019. Nếu không có giải pháp thì xu hướng này sẽ tiếp diễn, dẫn đến tình trạng mất cân đối ngày càng lớn về tỷ trọng khách nội địa trong cơ cấu thị trường chung. Kết quả là trong tương lai, khi mức chi tiêu trung bình của khách du lịch nội địa tăng thì sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả tăng trưởng du lịch của Đà Nẵng. Vai trò của du lịch nội địa sẽ càng trở nên có ý nghĩa trong bối cảnh du lịch phải đối mặt với những yếu tố rủi ro tác động như dịch bệnh Covid-19 vừa qua khiến thị trường quốc tế giảm đột ngột.

Cùng với thị trường, Đà Nẵng cần nhanh chóng cơ cấu lại sản phẩm du lịch bằng cách  định vị rõ những nhóm sản phẩm du lịch chính phù hợp với lợi thế và tiềm năng tài nguyên của mình. Trong đó phải ưu tiên sản phẩm chất lượng cao, góp phần phát triển Đà Nẵng trở thành điểm đến đẳng cấp, hấp dẫn và có thương hiệu có sức cạnh tranh cao không chỉ ở Việt Nam mà còn trong khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, quan tâm phát triển những sản phẩm du lịch mới, có tiềm năng và điều kiện phát triển để đa dạng hóa và phục vụ nhu cầu đa dạng của thị trường, trong đó chú trọng phát triển kinh tế ban đêm. Ngoài ra, các yếu tố như nguồn nhân lực, chiến lược đầu tư phát triển,  loại hình doanh nghiệp du lịch. Việc cơ cấu lại du lịch Đà Nẵng theo lãnh thổ cũng rất cần thiết để khai thác có hiệu quả vị thế địa lý và tiềm năng tài nguyên, giảm tải áp lực du lịch lên hạ tầng xã hội, tài nguyên và môi trường cũng như nâng cao khả năng thích ứng của du lịch với tác động của biến đổi khí hậu.

Ông Phạm Trung Lương nhấn mạnh, Đà Nẵng cần nhận thức đúng bản chất và những nội dung của cơ cấu lại du lịch điểm đến được đặt trong mối liên kết phát triển du lịch vùng. Đây là vấn đề rất quan trọng để đảm bảo các ngành, các cấp có được nhận thức chung, và như vậy mới có thể có được hành động chung theo một hướng, đảm bảo cho việc thực hiện có kết quả. Để bắt tay vào nhiệm vụ này, cần có sự chuẩn bị tốt nhất từ khâu thu thập các dữ liệu cần thiết. Đây là vấn đề rất quan trọng bởi như đã đề cập ở trên việc cơ cấu lại du lịch cần dựa trên những luận cứ khoa học vững chắc, đáng tin cậy. Trong khi đó, lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng cho rằng, cần có được đội ngũ chuyên gia có trình độ và kinh nghiệm để thực hiện có kết quả nhiệm vụ xác định cơ cấu lại du lịch. Chính vì vậy, đòi hỏi phải có cơ chế chính sách để thu hút được đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học và quản lý có trình độ, kinh nghiệm và trách nhiệm tham gia.

CÔNG KHANH