Đà Nẵng cần cơ chế mới để bứt phá
Hội thảo “Xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” do Thành ủy Đà Nẵng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 10-8 đã thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại hội thảo. |
Đây là hội thảo hết sức quan trọng nhằm đánh giá kết quả sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa để có định hướng phát triển TP trong thời gian tới. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cùng chủ trì Hội thảo.
Nhiều thành tựu quan trọng
Trong phần phát biểu khai mạc, ông Trương Quang Nghĩa nói rằng, 20 năm trước Đà Nẵng là đô thị loại 3, xuất phát điểm thấp, khi chia tách tỉnh cũng gặp không ít khó khăn. Tuy vậy bằng sự quyết tâm đồng lòng, năm 2003 Đà Nẵng đã trở thành đô thị loại 1. Đặc biệt hơn, trong thời điểm này Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 33 về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Đây là quyết sách quan trọng tạo cú hích để TP bứt phá, vươn lên giữ vai trò đô thị trung tâm của khu vực. Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 33, Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tựu lớn, là một trong những thành phố trẻ trung, năng động, sáng tạo bậc nhất cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, TP cũng bộ lộ những bất cập, là điểm nghẽn khiến vai trò đầu tàu của TP trong khu vực chưa thực sự rõ nét. Nhìn nhận lại có thể thấy những thành tựu nổi bật của Đà Nẵng là phát triển hạ tầng, kinh tế, an sinh xã hội...
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, trong 15 năm qua, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn tăng bình quân 10%/năm , tăng 4,2 lần so với năm 2003. Hiện thu nhập bình quân đầu người của Đà Nẵng đạt trên 82 triệu đồng/năm, gấp 7 lần năm 2003, gấp 1,45 lần cả nước. Đà Nẵng cũng đã xây dựng được môi trường sống thân thiện, an bình, được đánh giá là TP đáng sống nhờ thực hiện tốt các chương trình “5 không”, “4 an”. Riêng trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng và đô thị, Đà Nẵng có những bước phát triển dài, không gian đô thị mở rộng gấp hơn 3 lần so với năm 2003. Hệ thống hạ tầng CNTT và Truyền thông, giao thông, hạ tầng du lịch, cấp điện, nước, cây xanh, xử lý rác... được đầu tư đồng bộ, tạo diện mạo mới cho TP theo hướng đô thị cảng biển văn minh, hiện đại.
Nhìn nhận về vai trò trung tâm, là động lực để phát triển vùng như nêu trong Nghị quyết, có thể thấy Đà Nẵng cũng đã bước đầu xác lập được. TP đang từng bước khẳng định là đô thị lớn của cả nước, là đầu mối giao thông quan trọng, là trung tâm kinh tế- xã hội và đầu tàu, động lực phát triển của miền Trung- Tây Nguyên. Trong nhiều lĩnh vực, vai trò động lực của Đà Nẵng thể hiện rõ, cụ thể như về du lịch, thương mại, đào tạo, khoa học công nghệ, y tế chuyên sâu.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá, những thành tựu về phát triển kinh tế, xã hội của Đà Nẵng là ấn tượng, song điều ấn tượng hơn là TP có hơi hướng phát triển bền vững (thế giới gọi là phát triển bao trùm). Không chỉ trong nước mà bè bạn quốc tế cũng nói Đà Nẵng là TP đáng sống, điều này là biểu hiện rõ nét nhất của phát triển bền vững. Ông Bình đặt câu hỏi: Ở Việt Nam có bao nhiêu TP đáng sống? Hà Nội phát triển kinh tế như thế nhưng đã là TP đáng sống chưa? Chúng ta phải nhìn nhận, đánh giá đúng nền tảng quá khứ để có định hướng xây dựng tương lai tốt hơn.
Nhờ cơ chế mở Đà Nẵng đã bứt phá mạnh mẽ trong thời gian qua, không gian đô thị đã tăng gấp hơn 3 lần. Ảnh: QUANG HẢI |
Tháo gỡ các điểm nghẽn
Lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng thẳng thắn nhìn nhận, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 33, TP vẫn còn nhiều điểm hạn chế, như quy mô kinh tế nhỏ, tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại, chất lượng tăng trưởng chưa bền vững, chưa hình thành được các ngành dịch vụ cao cấp tầm cỡ khu vực. Trong qui hoạch không gian TP hiện còn thiếu cân đối giữa các phân khu chức năng và có mặt bị phân mảnh. Ông Hồ Kỳ Minh nói: Lợi thế về kinh tế biển, cảng biển, đầu mối trung chuyển, quá cảnh, giao lưu hàng hóa ở khu vực của Đà Nẵng chưa được phát huy, tận dụng tốt. Động lực, sức lan tỏa của Đà Nẵng đối với sự phát triển của các tỉnh lân cận, vùng Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông- Tây còn hạn chế, liên kết phát triển vùng chưa chặt chẽ. Đặc biệt, theo ông Minh, một số công trình, dự án trọng điểm đã được đề ra trong Nghị quyết chậm được triển khai hoặc triển khai chậm. Cụ thể là dự án Cảng Liên Chiểu, Làng Đại học, di dời ga đường sát, Bệnh viện Phụ sản - Nhi giai đoạn 2, khơi thông sông Cổ Cò, nâng cấp và mở rộng cảng cá Thọ Quang...
Để tháo gỡ những điểm nghẽn này, theo lãnh đạo TP, trong thời gian tới sẽ tập trung phát triển kinh tế Đà Nẵng dựa trên 3 trụ cột chính là dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển. Trong đó, du lịch công vụ là chủ đạo; dịch vụ tài chính, ngân hàng, cảng biển, logistics, công nghiệp công nghệ cao là nòng cốt; công nghiệp công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực là mũi nhọn; kinh tế biển là thiết yếu. Về qui hoạch, TP sẽ hoàn thiện qui hoạch hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ có tính đến hệ thống không gian ngầm; xây dựng đô thị thông minh; tranh thủ nguồn lực phát triển nhanh hệ thống giao thông kết nối với các tỉnh miền Trung, Hành lang kinh tế Đông- Tây. Đặc biệt, TP sẽ xin cơ chế thông thoáng huy động nguồn lực để đẩy nhanh thực hiện các dự án trọng điểm, mang tính kết nối, phát triển vùng như Làng Đại học, Ga đường sắt, cảng Liên Chiểu...
Du lịch biển - thế mạnh của Đà Nẵng đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư. |
Chuyên gia hiến kế
KTS Ngô Viết Nam Sơn nói rằng Đà Nẵng chưa phải cạn kiện nguồn lực phát triển từ đất như quan điểm của nhiều người, mà vấn đề là việc sử dụng nguồn lực từ đất chưa phù hợp. Theo ông Sơn, việc cạnh tranh hiện nay không chỉ giữa các địa phương mà giữa các vùng với nhau, vì thế Đà Nẵng với nhiều lợi thế, phải nhanh chóng chiếm lĩnh, giữ vị trí đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Để làm được việc đó, trước tiên Đà Nẵng phải là thỏi nam châm thu hút mọi người, tức là phải tạo ra môi trường sống, làm việc lý tưởng, phải là thành phố thông minh, sạch đẹp, an bình, là đô thị sáng tạo toàn cầu, tóm lại là TP đáng sống đúng nghĩa. Mà để đạt được tiêu chí đó, vẫn phải từ khâu qui hoạch. Nếu qui hoạch tốt và có kế hoạch, lộ trình thực hiện qui hoạch đó rõ ràng, Đà Nẵng sẽ tiến rất xa, không sợ những áp lực từ tương lai như quá tải về giao thông, hạ tầng, môi trường, nước sinh hoạt, rác thải...
Theo ông Sơn, ngay từ bây giờ, Đà Nẵng phải qui hoạch phát triển đô thị kiến trúc xanh. TP không có nhiều di sản lại là một lợi thế, vì khi phát triển không lo bị những di sản kìm cặp. Nhưng lợi thế hơn TP lại nằm ngay cạnh các di sản thế giới như Hội An, Huế, Mỹ Sơn. Vì thế, TP có thể phát triển hạ tầng, cao ốc hiện đại, là điểm vui chơi, giải trí lý tưởng cho du khách khi đi tham quan các di sản. Tất nhiên, khi xây dựng một đô thị hiện đại, bắt buộc phải là đô thị kiến trúc xanh. Ngoài ra, trong quá trình phát triển, Đà Nẵng phải bảo tồn được giá trị qui hoạch đặc trưng sông- núi- biển, đây là đặc trưng hiếm đô thị trên thế giới có được.
Hạ tầng giao thông của Đà Nẵng khá phát triển, tuy nhiên về chiều sâu và kết nối vùng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Để Đà Nẵng là đầu tàu khu vực, thì việc đẩy mạnh phát triển đa dạng các loại hình giao thông trong thời gian tới hết sức quan trọng. Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, ngày 2-9 tới cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ khánh thành, đến năm 2020 cao tốc La Sơn- Túy Loan thông tuyến, hầm đường bộ Hải Vân cũng thông tiếp đường hầm thứ 2. Như vậy mạng lưới giao thông đường bộ kết nối với Đà Nẵng tương đối phát triển.
Về đường biển, ông Thọ nói, thời gian tới phải đẩy mạnh triển khai cảng Liên Chiểu, bởi lẽ đây là đầu mối cửa ngõ, nằm trong trục Hành lang kinh tế Đông - Tây, là điểm cuối cùng nên dịch vụ logistics cực kỳ quan trọng. Ông Thọ cũng cho biết, thời gian tới Bộ sẽ làm việc với Đà Nẵng để lựa chọn vị trí xây dựng ga đường sắt mới. Riêng với sân bay Đà Nẵng cần phải có tầm nhìn dài hạn, qua đó tính đến vấn đề kết nối giao thông và hạ tầng thiết yếu để phục vụ sân bay. Hiện nay Bộ GTVT đang tính đến giải pháp sân bay Chu Lai để chia sẻ với Đà Nẵng.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nói rằng, cái mở ra từ Nghị quyết 33 cho Đà Nẵng chính là cơ chế. Từ cơ chế mới tạo ra nguồn lực, có nguồn lực Đà Nẵng mới phát triển như hôm nay. Theo ông Bình, nguồn lực của Nhà nước chỉ mang tính dẫn dắt, việc tận dụng tốt cơ chế để huy động nguồn lực xã hội mới là động lực chủ yếu giúp Đà Nẵng phát triển. Trong thời gian tới, Đà Nẵng cần có Nghị quyết mới, cần tạo ra cơ chế mới để phát triển. Muốn vậy, phải dựa vào nội lực của địa phương là chính, phải do địa phương chủ động đề xuất, chứ cứ ngồi chờ Trung ương sẽ rất khó. Cũng theo ông Bình, Đà Nẵng muốn có nguồn lực phát triển trong giai đoạn hiện nay cần đổi mới tư duy, không phải đi khắp nơi xúc tiến đầu tư, họ vào rất lẻ tẻ. Điều quan trọng là phải có cơ chế đột phá, bây giờ thế giới phẳng, nhà đầu tư sẽ tự đi săn lùng cơ chế tốt, họ sẽ tự tìm đến mình.
Có 2 vấn đề mà ông Bình nhấn mạnh tại hội thảo, đó là Đà Nẵng phải biết được mình đang ở đâu và mình muốn phát triển đến đâu. “Phải đánh giá hết tiềm năng, lợi thế, thậm chí cả những khó khăn của mình. Phải so sánh với cả nước, khu vực và thế giới. Chẳng hạn dự án di dời ga đường sắt, bây giờ đường sắt cao tốc chưa làm được nhưng tương lai đất nước muốn phát triển sẽ phải làm. Vậy thì ngay bây giờ Đà Nẵng phải qui hoạch, tính toán ga đường sắt mới, để khi có đường sắt cao tốc không bị động, không bị vỡ qui hoạch” - ông Bình nói. Ông Bình cũng đặt vấn đề, Đà Nẵng phải tính được 20, 30 năm tới mình sẽ thế nào, phải hoạch định cụ thể. Chẳng hạn lúc đó sẽ là TP thông minh vậy bây giờ phải làm gì? Trong cách làm, ông Bình lưu ý không nên nóng vội, chạy theo những con số đẹp trước mắt mà cần làm thật chắc, bài bản. Làm sao mỗi thế hệ đặt một viên gạch cho nền móng phát triển vững chắc, đừng để thế hệ đi trước cản bước thế hệ đi sau. Thế hệ đi sau phải phá đi làm lại hoặc không còn dư địa phát triển.
HẢI QUỲNH