Đà Nẵng cần có quy chuẩn riêng trong quy hoạch đô thị
Nhìn từ góc nhìn của một chuyên gia về quy hoạch đô thị, KTS Tô Văn Hùng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, người đã từng có nhiều năm giảng dạy, công tác trên lĩnh vực này cho rằng, đảm bảo tính đồng bộ về quy hoạch không gian xây dựng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị luôn là bài toán nan giải. Trận lụt “lịch sử” ngày 9 và 10-12 vừa qua sẽ là đề bài cho thành phố để giải bài toán này trong việc điều chỉnh quy hoạch chung đang được triển khai.
Ông Tô Văn Hùng cho rằng quy hoạch về hạ tầng không theo kịp sự phát triển trong thời gian qua của Đà Nẵng. |
Ông Hùng cho rằng, bài toán quy hoạch xây dựng đô thị luôn gắn liền với tầm nhìn dài hạn. Ở các nước tiên tiến, quy hoạch đô thị gắn liền với những công trình hạ tầng mang tính vĩnh cửu, có khả năng chống thịu thiên tai, thảm họa. Việt Nam không phải không tính tới nhưng luôn gặp phải khó khăn về nguồn lực trong những bối cảnh cụ thể. Đà Nẵng cũng không phải là ngoại lệ. Với những bất cập, không chỉ riêng cú sốc ngập úng vừa qua, mà từ những hạn chế bộc lộ trong quá trình đô thị hóa, thành phố cần có những kế hoạch dài hơi, lộ trình và giải pháp cụ thể cùng với quyết tâm chính trị cao để triển khai thực hiện công tác đầu tư, xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương xứng với tầm vóc 1 đô thị hiện đại, văn minh, tầm cỡ khu vực và phải bắt tay ngay trong quá trình điều chỉnh quy hoạch.
Ông Tô Văn Hùng. |
P.V: Ông đánh giá thế nào về “cú sốc” ngập úng của thành phố trong những ngày vừa qua?
KTS Tô Văn Hùng: Số lượng đo đạc của cơ quan phòng chống lụt bão và khí tượng thủy văn cho thấy trong đỉnh ngập vừa qua, lượng mưa có ngày lên đến 635 mm, trong khi đỉnh lũ năm 1999 chỉ đạt 593mm. Điều đó khẳng định lượng mưa lớn và đột biến, chưa từng xảy ra trên địa bàn. Lượng mưa đột biến như vậy khiến hệ thống tiêu thoát nước gần như vỡ trận, một số khu vực trên địa bàn thành phố tê liệt là điều không thể tránh khỏi.
Đầu tư cho hạ tầng đô thị nói chung và thoát nước đô thị nói riêng thì không riêng gì Đà Nẵng mà các đô thị lớn của Việt Nam đang phải tính toán trong điều kiện hết sức khó khăn bởi nguồn lực cũng như những tồn tại trong quá trình phát triển, đan xen giữa khu đô thị cũ (gần như phát triển tự phát) với phần xây dựng mở rộng.
P.V: Sau trận ngập lịch sử, người ta đặt vấn đề nhiều về câu chuyện quy hoạch, tầm nhìn? Ông nghĩ sao đối với trường hợp của Đà Nẵng?
KTS Tô Văn Hùng: Cách đặt vấn đề đó hoàn toàn xác đáng, nhưng thực sự là phải có cái nhìn tương quan trong bối cảnh. Thành phố cũng đã nghĩ đến, nhưng đi kèm với nó phải nói đến câu chuyện khả năng về nguồn lực đầu tư, điều kiện mình chưa có để thực hiện tầm nhìn dài hạn và có những dự phòng cho những sự cố kiểu thiên tai.
Với các nước phát triển, hạ tầng của họ được đầu tư với vai trò là những công trình mang tính vĩnh cửu, tính toán hết tất cả các tình huống, kể cả thiên tai, thảm hỏa. Hạ tầng kỹ thuật của họ là những gì nằm dưới đất, không phụ thuộc vào hệ thống giao thông phía trên. Giao thông luôn gắn với dự án, với mục đích sử dụng đất đai, có thể thay đổi khi điều chỉnh quy hoạch xây dựng, nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị trong đó có hệ thống thoát nước thì hầu như không thay đổi. Còn ta thì vẫn kiểu làm đường phố đi đâu thì hệ thống kỹ thuật đi theo đó, rất bất cập và khó khăn trong khớp nối. Và như vậy rất khó giải bài toán thoát nước đô thị hiện nay.
Việt Nam đang nỗ lực vươn lên là quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình, do đó hạ tầng đô thị chưa thể thích ứng với diễn biến của biến đổi khí hậu và kịch bản chống chịu trước những thảm họa do thiên tai. Đà Nẵng không phải là ngoại lệ. Tốc độ phát triển của Đà Nẵng trong những năm gần đây là quá nhanh, vượt ra khỏi tính toán so với quy hoạch năm 2002 và được điều chỉnh năm 2013. Đó cũng là điều đáng mừng. Tăng trưởng “nóng” thời gian qua là cơ hội mà thành phố phải đón nhận, nhưng ngược lại phải đối diện với những bất cấp với việc cơ sở hạ tầng kỹ thuật không tương xứng, không theo kịp.
P.V: Vậy Đà Nẵng phải tính toán thế nào?
KTS Tô Văn Hùng: Ngay từ bây giờ, thành phố phải làm và có thể làm được. Nó hoàn toàn phù hợp với việc chúng ta đang điều chỉnh quy hoạch chung. Trong điều chỉnh quy hoạch chung, ngoài việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, không gian đô thị, thì điều chỉnh và bổ sung, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật là điều phải đặt ra. Và tất nhiên với trận mưa lịch sử vừa qua là một đề bài để tính toán khả năng đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật cho đô thị.
Theo tôi, phải thay đổi cách tiếp cận và quan điểm giải quyết về bài toán hạ tầng. Phải có đầu tư tương xứng và tính toán trong những tình huống đột biến. Hệ thống thoát nước của thành phố từ trước đến nay chỉ đáp ứng được điều kiện bình thường. Còn đối mặt với những tình huống đột biến hay những tình huống thiên tai với nhiều kịch bản khác nhau thì không thể đáp ứng được. Đà Nẵng phải giải bài toán này, tính toán đáp ứng tối đa với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Phải có lộ trình đầu tư chứ không thể một lúc làm được, vì nguồn lực không đủ. Trước mắt phải nâng cấp toàn bộ hệ thống tiêu thoát, bổ sung trạm bơm chống ngập úng và đồng bộ hóa hệ thống.
Tôi ví dụ như dự án xả thải ven biển hiện nay đang triển khai với vốn đầu từ hơn 1.400 tỷ đồng, sẽ thay thế hệ thống hiện tại bằng đường ống rộng từ 1,8 đến 2m, trạm xử lý cũng được nâng cấp. Năm 2020 sẽ khắc phục hoàn toàn tình trạng nước thải và rác tràn ra bãi biển du lịch. Trước đây không phải là thành phố không tính đến, nhưng sự phát triển nóng của du lịch đến mức như hiện tại thì chưa tính đến được. Mặt khác, nói đi cũng phải nói lại rằng thời điểm cách đây hơn chục năm thì lấy đâu ra cả nghìn tỷ để đầu tư hệ thống thoát nước. Rồi nếu mà thực hiện thời điểm đó có khi lại bị cho là lãng phí vì chưa cần thiết? Giải quyết vấn đề phải đặt trong bối cảnh. Quy hoạch thì phải có tầm nhìn, càng xa thì càng tốt, nhưng phải giải quyết được vấn đề nguồn lực đầu tư, tính toán có lộ trình và giải pháp khoa học, chặt chẽ.
P.V: Các chuyên gia cho rằng, ngoài việc hạ tầng chắp vá, thiếu đồng bộ, mặt trái của quá trình đô thị hóa đã tác động tiêu cực đến khả năng tiêu thoát và khiến nguy cơ ngập úng ngày càng nghiêm trọng. Ông đánh giá như thế nào?
KTS Tô Văn Hùng: Đó là đánh giá khá chính xác. Theo quy luật tự nhiên khi mưa xuống luôn luôn có một phần nước được tự thấm xuống đất nuôi dưỡng nguồn nước ngầm, một phần chảy ra ao hồ sông suối, một phần bốc hơi. Đô thị phát triển đồng nghĩa với tình trạng bê-tông hóa, làm giảm đi đáng kể khả năng tự thẩm thấu của nước mưa. Cùng với đó, chúng ta san lấp, phát triển đô thị, làm mất đi những hồ điều tiết và kênh mương tự nhiên, nhưng khu vực có khả năng trữ nước cũng dần mất đi. Cống chỉ thiết kế và đảm bảo thoát nước chứ hoàn toàn không đủ khả năng trữ nước.
Trước thực trạng đó, lúc còn là Trưởng ban Đô thị của HĐND, tôi từng kiến nghị bổ sung tiêu chuẩn phê duyệt những khu đô thị phải có hồ điều tiết, phải trả lại khả năng tự thấm cho các vỉa hè, tăng diện tích không gian xanh cho đô thị… Trong quy hoạch tổng thể thành phố phải tăng cường khả năng chứa nước, ví dụ như trong công viên phải có hồ, vừa là cảnh quan, vừa trữ nước, thậm chí mỗi ngôi nhà cũng phải có 1 bể chứa nước mưa... Tôi rất kỳ vọng là thành phố Đà Nẵng cần có những quy chuẩn riêng để đảm bảo yêu cầu tốt nhất hướng tới đô thị thông minh, văn minh, thành phố môi trường, chống ngập úng là một trong số đó.
Trên lĩnh vực môi trường, hiện chúng tôi đang tham mưu thành phố quy chuẩn về một số lĩnh vực như xử lý nước thải, phân loại rác sinh hoạt đầu nguồn, hay đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc môi trường tự động…
P.V: Trong câu chuyện về môi trường, nước thải, ông đánh giá thế nào về vai trò của cộng đồng?
KTS Tô Văn Hùng: Nước thải, rác thải nói riêng và môi trường nói chung, phải thực hiện dựa vào sự đồng thuận và chung tay của cộng đồng. Đây không phải là câu chuyện riêng của chính quyền hay sở ngành nào, mà là trách nhiệm của toàn dân, bất kỳ giải pháp nào dù là hay nhất, khoa học nhất nhưng không thể thành công nếu không có sự đồng hành của người dân. Đừng nghĩ đó là công việc của cộng đồng mà không thể hiện vai trò cá nhân trong đó. Nước ngập trước nhà có một phần từ trong thói quen hàng ngày như vứt một hộp sữa, cái túi nilon ra đường hoặc quét rác vỉa hè dồn hết vào miệng cống.
Trong điều chỉnh quy hoạch sắp tới, thành phố đã tính tới việc phân bổ dân cư, sắp xếp tổ chức lại mang lưới dịch vụ công cộng. Đặc biệt là điều chỉnh quy hoạch gắn liền với điều chỉnh và nâng cấp hệ thống hạ tầng như thoát nước, cấp nước, giao thông. Để hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố thông minh thì song hành với những nỗ lực của chính quyền, người dân cũng cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường để thích ứng với một đô thị hiện đại, xã hội văn minh.
P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
CÔNG KHANH (thực hiện)