Đà Nẵng cần một thương hiệu rau sạch
(Cadn.com.vn) - Trong những năm qua, kể từ khi Đà Nẵng trực thuộc trung ương, diện tích đất nông nghiệp nói chung, đất để sản xuất cây thực phẩm nói riêng, bị thu hẹp lại đáng kể do quá trình đô thị hóa. Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp thành phố đã có những dự án, chương trình liên quan đến sản xuất và tiêu thụ rau an toàn phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, nhìn chung, kết quả đạt được trong những năm qua vẫn còn rất khiêm tốn, nhất là trong khâu tiêu thụ, dẫn đến chưa có một thương hiệu rau an toàn mang tính bền vững cho Đà Nẵng, trong khi đó, một số siêu thị đã hợp đồng với vùng rau khác ngoài thành phố, chẳng hạn như Siêu thị Metro, Co.opmart gắn với thương hiệu rau Trà Quế của Hội An thuộc tỉnh bạn Quảng Nam. Và thực tế là, lượng rau Đà Nẵng tiêu thụ chủ yếu đến từ các tỉnh bạn như Quảng Nam, Đà Lạt (Lâm Đồng), An Khê (Gia Lai) và cả từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Rau của Đà Nẵng chỉ đáp ứng khoảng 10% và không ổn định.Bên cạnh vùng rau có thể xem là “truyền thống” của thành phố ở La Hường (Q. Cẩm Lệ), Túy Loan (H. Hòa Vang)..., thì một số nơi khác của H. Hòa Vang như ở Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Sơn hay ở một số phường của Q. Liên Chiểu cũng được ngành NN phối hợp các địa phương quy hoạch để chuyên canh rau an toàn. Các nhà lưới, giếng bơm, phân bón, quy trình kỹ thuật... đã được các cơ quan chuyên môn như Bảo vệ thực vật, Khuyến nông hỗ trợ, hướng dẫn cho bà con nông dân. Đã có cả một Dự án ODA về sản xuất rau an toàn, rồi là mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn Viet GAP... Về tiêu thụ cũng đã có những hợp đồng của doanh nghiệp với các HTX để bao tiêu sản phẩm, một số điểm bán rau an toàn được mở...
Trong khi đó, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Những gì đã diễn ra ở Đà Nẵng là vấn đề cần phải suy nghĩ. Thực tế là vẫn chưa hình thành được một thị trường rau an toàn. Nói cách khác, một khi chưa tổ chức được mạng lưới cung cấp rau quả an toàn cho người dân thành phố để đảm bảo nơi tiêu thụ rau cho người sản xuất, thì rất khó xây dựng thành công vùng rau an toàn một cách đúng nghĩa. Một số siêu thị, tuy có bán nhiều loại rau nhưng để gọi là sạch, an toàn thì chưa ai kiểm chứng, ngoài việc sơ chế, đóng bao trông “có vẻ” sạch hơn rau bán ở chợ!?
Làng rau sạch La Hường, TP Đà Nẵng. |
Thông thường, do công nghệ sản xuất mà rau an toàn có giá thành cao hơn rau thường, vì thế việc tăng giá bán của rau an toàn là vấn đề người sản xuất quan tâm. Còn đối với người tiêu thụ, có thể việc xây dựng một giá cả riêng cho các cửa hàng rau an toàn là cần thiết, ít nhất trong giai đoạn đầu, để đảm bảo rau bán ở cửa hàng rau an toàn không bị “trộn lẫn”với rau sản xuất bình thường. Sự chênh lệch giá giữa rau an toàn và rau thường phải có tác dụng kích thích người sản xuất và cả người tiêu thụ. Chương trình rau an toàn chắc chắn sẽ khó thành công nếu coi nhẹ khâu lưu thông phân phối.
Để có rau sạch một cách đúng nghĩa, nhà nước phải thực hiện pháp lệnh cấm một số thuốc trừ sâu bệnh có độ độc cao và thời gian phân hủy chậm. Đó là điều kiện quan trọng nhất để làm cơ sở cho việc sử dụng các biện pháp sinh học và canh tác trong phòng chống sâu bệnh. Các vùng rau mà ở đó, người nông dân còn tự do sử dụng thuốc trừ sâu đã bị cấm mà không bị pháp luật trừng phạt thì không có hy vọng xây dựng được vùng rau an toàn. Thành phố cần có chính sách thích hợp như sử dụng đòn bẩy thuế và tín dụng ngân hàng để khuyến khích nông dân sản xuất rau an toàn tiến tới rau sạch. Ngoài ra, cần có hệ thống kiểm tra, phân tích dư lượng các loại thuốc trừ sâu và Nitrat hoặc sự tồn tại của vi khuẩn gây bệnh...
Nếu không có phương pháp kiểm tra chính xác và liên tục thì khó mà kiểm tra được việc mua bán rau quả có mức độ ô nhiễm cao trên thị trường. Hơn nữa, các cửa hàng, siêu thị bán rau quả khó chấp nhận việc bỏ chi phí phân tích đều đặn các sản phẩm rau quả, nếu họ không có khả năng bán rau với giá cao để bù lại các chi phí nói trên. Thành phố cũng cần có các phòng thí nghiệm hóa học đầu tư nghiên cứu các phương pháp phân tích định tính hoặc bán định lượng, rẻ hơn các phương pháp sử dụng hiện nay, để đánh giá dư lượng hóa chất độc hại trên nông phẩm. Một thành phố phấn đấu là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của khu vực phải đáp ứng được những điều kiện về trang thiết bị nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, chẳng hạn phòng thí nghiệm đủ khả năng phân tích, phân biệt rau sạch và không sạch...
Để tạo lập được cho Đà Nẵng một “thương hiệu” thực phẩm sạch riêng của mình, sản xuất được thực phẩm an toàn phải đi đôi với việc tiêu thụ ổn định và mang tính bền vững, tránh làm theo kiểu “đầu voi đuôi chuột”, thiếu đồng bộ, đầu tư dàn trải... Cùng với sự phát triển đi lên của các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, không thể xem nhẹ những lĩnh vực, tuy mang tính phụ trợ nhưng có vai trò thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế, chẳng hạn như lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Từ đó, sẽ góp phần xây dựng một xã hội an toàn và bền vững về nhiều nghĩa. Việc tạo ra thương hiệu Rau an toàn cho Đà Nẵng đang và sẽ là một nội dung cụ thể để minh chứng cho bước đi đúng đắn đó.
Dân Hùng