Đà Nẵng cần nâng cao chất lượng đầu tư công
Minh bạch trong đấu thầu dự án, kiểm soát chặt chất lượng công trình, đầu tư nguồn lực đẩy mạnh thu hút đầu tư... là một số nội dung chính được đề cập trong buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa với lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng hôm 3-5.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng phát biểu tại buổi làm việc với Sở KH&ĐT. |
Khắc phục tình trạng “việc ít, ban nhiều” “Rà soát lại hiệu quả các BQL dự án, tránh tình trạng BQL chạy chọt dự án và đằng sau một BQL dự án lại có vài ông doanh nghiệp chạy hộ, hậu cái đó giao cho Ban A, Ban B xong chẳng ai dám đấu thầu, chưa đấu thầu thì đã được chỉ rồi. Kinh nghiệm ở Bộ Giao thông, đẻ ra một loạt các BQL, việc thì ít, ban thì nhiều và có hiện tượng chạy chọt dự án ngay từ trong Bộ. Câu chuyện này đề nghị các đồng chí xem xét lại, làm hết sức khẩn trương có đánh giá để xem ban nào giải tán, ban nào nhập vào. Cứ sinh ra một người làm tốt đến 2 người là bắt đầu có vấn đề rồi”. (Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa) |
Hậu quả của chỉ định thầu
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Văn Sơn cho biết, nguồn thu từ đất của TP các năm gần đây giảm, tuy nhiên nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng từ nguồn khai thác quỹ đất vẫn cao (gần 50%). Do vậy, khi nguồn thu từ đất giảm, ảnh hưởng tới nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Từ thực tế đó, ông Sơn đề xuất cần tập trung rà soát quỹ đất hiện hữu để đánh giá lại giá trị quỹ đất còn tồn đọng nhằm tạo nguồn lực cho đầu tư và định hướng việc đầu tư dự án mới. Song song với đó, cần tăng thu từ thuế thông qua đẩy mạnh phát triển sản xuất, dịch vụ, chống thất thu thuế. Ông Sơn cũng đề xuất TP cần xây dựng tiêu chí đánh giá và định mức trong chi tiêu công nhất là các dịch vụ công ích; nâng cao chất lượng các công trình xây dựng; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn đầu tư thông qua việc đấu thầu cạnh tranh, minh bạch; rà soát, lập danh mục các dự án có khả năng chuyển đổi sang hình thức PPP...
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, trước đây vai trò của Sở KH&ĐT gần như ở ngoài, không tham gia vào các công việc chính của TP, chỉ là cơ quan xử lý thủ tục. Ví dụ như công tác đấu thầu, gần như 100% là chỉ định thầu với một quy trình rất đơn giản là DN làm văn bản lên Văn phòng UBND TP rồi Văn phòng tham mưu cho Chủ tịch, sau đó làm thông báo xuống là thống nhất cho phép Cty A, Cty B làm việc này. Ông Thơ kể, lúc đó Sở KH&ĐT chỉ còn cách là thẩm định kế hoạch chọn nhà thầu, nhưng không nói là chấp hành ý kiến của Chủ tịch mà là căn cứ công văn đó của Ủy ban và thống nhất kế hoạch trình lên chọn nhà thầu nhưng luôn luôn có một câu ở dưới là việc chỉ định thầu không đúng quy định của pháp luật, đề nghị Ủy ban xem xét. Do cơ chế tập trung quyền lực như vậy, vai trò của Sở KH&ĐT và nhiều Sở khác có sự thụ động. Nhưng từ năm 2014 đến nay, sau khi có kết luận Thanh tra Chính phủ, TP đã đổi mới hầu hết khi chuyển giao vai trò lại cho các sở, ban, ngành. Từ lúc đó, Sở KH&ĐT chủ động hơn chứ không thụ động như trước đây, khối lượng công việc cũng rất lớn. Tuy nhiên ông Thơ cũng nhìn nhận, hiện Sở KH&ĐT có vẻ vẫn chưa thể hiện được vai trò trung tâm. Bởi lẽ đây là Sở kinh tế tổng hợp, gần như chỗ nào cũng phải có mặt hết. Ngoài công việc mang tính chuyên môn thì Sở KH&ĐT phải có tầm nhìn bao quát hơn, quan sát tất cả công việc, đồng thời có những đề xuất, kiến nghị đổi mới về cơ chế, chính sách có liên quan tới tất cả các lĩnh vực.
Cũng theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, về chức năng qui hoạch, kế hoạch, Sở KH&ĐT có làm nhưng chất lượng rất thấp, từ qui hoạch kinh tế xã hội, qui hoạch chung, qui hoạch ngành. Chất lượng thấp một phần do tư vấn chỉ làm để lấy tiền là chính, một phần do chính các cơ quan chuyên ngành của TP. Hầu hết các qui hoạch KT-XH chủ yếu nhằm đối phó để xây dựng, chứ nếu nói là đường lối, kim chỉ nam cho TP thì không có giá trị. Ông Thơ cho biết, lần này TP bỏ chi phí rất lớn, thuê tư vấn làm qui hoạch bài bản, khoa học, có giá trị. Đặc biệt hơn, sau bản qui hoạch là ý chí thực hiện, chứ làm qui hoạch cho tốt nhưng không có ý chí thực hiện, bị điều hành bởi những lợi ích riêng, bị dẫn dắt bởi những thứ ngắn hạn thì cũng vô nghĩa. Với tính chất như vậy, Sở KH&ĐT phải nâng cao vai trò của mình vì đây là đầu mối làm việc với tư vấn.
Trong công tác quản lý dự án, ông Thơ nói thẳng những điểm yếu của Sở KH&ĐT. Hiện nay chất lượng tư vấn, thiết kế dự án còn rất kém, rất sơ sài. Hầu hết các dự án như trường học sao chép lại với nhau hết, lấy trường A đổi tên, địa chỉ, số lượng phòng mà không cần tính toán luận cứ trường đó ở vị trí nào, cần bao nhiêu phòng, tương lai 3-5 năm nữa thế nào... Thậm chí nhiều tư vấn cẩu thả, trường ở Hòa Quý mà vẫn ghi ở Hòa Phước. Sai như vậy nhưng Sở KH&ĐT không chỉnh sửa gì hết vẫn trình lên Chủ tịch TP. Ông Thơ nói: “Chiều nay Thường trực Thành ủy sẽ cho kết luận về vấn đề chuyển Cơ quan điều tra của một dự án gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng, toàn bộ khu TĐC Hòa Liên bị sụt xuống hơn 1m, dùng bơm mà thay thế hơn 35 tỷ đồng, còn nếu như nâng cả khu đó lên chắc mấy ngàn tỷ đồng, nhưng cũng không nâng được và suốt đời sẽ bị ngập nước. Đó là hậu quả do chúng ta chỉ định thầu, chỉ định nhà đầu tư và chỉ định đơn vị tư vấn thiết kế. Chiều nay xin ý kiến Thường trực Thành ủy đưa sang Cơ quan CSĐT để khởi tố, liên quan đến rất nhiều người”.
Khu tái định cư Hòa Liên hiện thấp hơn 1m gây hậu quả nghiêm trọng. |
Kiểm soát chặt chất lượng dự án
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nói, hậu diễn đàn đầu tư 2017, Tọa đàm mùa xuân đầu năm 2018, thấy các đề xuất của Sở KH&ĐT rất thiếu vắng, có cảm giác như không biết đề xuất cái gì nữa. Không phải TP tổ chức một diễn đàn là xong, mà hậu diễn đàn đó phải thu thập, tổng hợp những ý kiến gì, TP phải tiếp thu những ý kiến gì sáng tạo, phải có đúc rút, tổng hợp lại thành cẩm nang để thực hiện. Ông Nghĩa cũng nói, năm 2018 là năm đẩy mạnh thu hút đầu tư, là dịp để TP rà soát lại nguồn lực, thể chế, qui hoạch... tạo ra sức hút đầu tư cho TP trong nhiều năm tới chứ không chỉ trong năm 2018. Ông Nghĩa cũng lưu ý Sở KH&ĐT về các dự án động lực, nếu không làm quyết liệt sẽ trễ rất nhiều. Cụ thể như cảng Liên Chiểu nếu không quyết liệt nó lại trôi đi, mà trôi về địa phương khác. Với Làng đại học thì cần làm việc cụ thể với ĐH Đà Nẵng đưa các trường ra, đồng thời di dời các trường đại học ở khu trung tâm ra ngoài.
Hiện nay nguồn vốn đầu tư trông chờ vào ngân sách hết sức khó khăn, còn nguồn ngân sách địa phương trước đây trong thời gian dài là từ quỹ đất, bây giờ thì không còn nhiều. Ông Nghĩa cho rằng các dự án đầu tư nguồn lực từ đất vẫn phải thực hiện nhưng cách thức phải minh bạch hơn, giá trị phải cao hơn. “Khi hỏi liệu nguồn lực từ đất của chúng ta thu về có được 30% trong 20 năm qua không, nhiều cán bộ hưu trí đang còn nghi ngờ. Rõ ràng đây là sự lãng phí rất lớn. Hiện nay, nguồn lực này càng ngày càng khó, vì thế cần thận trọng, lựa chọn trong qui hoạch khu vực cho đầu tư, tránh đầu tư dàn trải. Sở KH&ĐT phải có đủ bản lĩnh để lựa chọn, tham mưu, đề xuất”- ông Nghĩa nói.
Một vấn đề khá nhạy cảm liên quan tới đấu thầu đất các dự án đầu tư, ông Nghĩa chỉ đạo cần minh bạch vì quỹ đất TP còn không nhiều, nếu không minh bạch sẽ mất nguồn thu. Nhưng điều quan trọng nữa là bài học của công tác quản lý đất đai hiện nay nhiều cán bộ dính vào vòng lao lý rồi. “Chỉ định thầu hay đấu thầu cuối cùng vẫn là con người. Nếu minh bạch thì chỉ định thầu cũng rất tốt. Còn nếu không minh bạch thì đấu thầu có chặt chẽ đến mấy chăng nữa thì cũng là mấy cái ông người nhà, mấy ông đàn em cả. Cho nên vấn đề công khai, minh bạch và có sự giám sát của các lực lượng khác để công tác đấu thầu làm sao thực sự hiệu quả. Điều khổ sở nhất là tư vấn yếu, nhà thầu yếu. Nếu tư vấn ngon lành thì sở KH&ĐT nhàn vô cùng” – ông Nghĩa nói. Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ thì cho rằng, trong công tác giám sát đầu tư, hiện Sở KH&ĐT mới tập trung ở lĩnh vực vốn ngân sách. Trong khi đó, với đầu tư tư nhân, nếu Sở giám sát tốt sẽ hạn chế được rất nhiều sai sót. Vì toàn bộ sai phạm đều liên quan tới dự án đầu tư sử dụng đất không đúng, từ giao đất, tính giá đất, góp vốn, trốn thuế, cấp giấy chứng nhận đầu tư, chuyển nhượng dự án, đánh giá tác động môi trường...
HẢI QUỲNH