Đà Nẵng cần sáng tạo nhiều cách làm hơn nữa
(Cadn.com.vn) - "Đà Nẵng nhỏ, dễ làm. Ví như vấn đề cai nghiện ma túy, nếu Đà Nẵng không làm được thì khó có nơi nào làm được. Thành phố mong ước và phấn đấu như thế, nhưng nếu chỉ nỗ lực tự thân thì rất khó", đó là gửi gắm của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn đầu vào ngày 15-12. Dự buổi làm việc còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc. |
Giải quyết khá toàn diện các vấn đề xã hội
Tại buổi làm việc, có rất nhiều vấn đề được các đại biểu quan tâm, tập trung phân tích làm rõ những kết quả đạt được, nguyên nhân và hạn chế, tồn tại. Cụ thể là công tác quản lý lao động, lĩnh vực việc làm, dạy nghề; thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng; bảo trợ xã hội và giảm nghèo; đặc biệt là lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội, xử lý người nghiện ma túy...
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho rằng, thời gian qua, Đà Nẵng không chỉ tập trung phát triển kinh tế, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mà việc chăm lo, thực hiện các vấn đề xã hội cũng hết sức được quan tâm, giải quyết. Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nhìn nhận: Nếu nói Đà Nẵng khá giả thì chưa, nhưng so với mặt bằng chung thì có nhỉnh hơn một chút. Nhưng rõ ràng với nguồn lực ít ỏi của mình, thành phố vẫn tập trung giải quyết khá toàn diện các vấn đề xã hội. "Toàn bộ chính sách từ trợ cấp, phụng dưỡng, lễ tết, hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho người có công của Trung ương đều được Đà Nẵng tăng lên một bậc, thậm chí chính sách hỗ trợ cho đội ngũ xe thồ, xích lô của riêng Đà Nẵng đến nay cũng được duy trì và có chiều hướng tăng lên. Điều đó cho thấy Đà Nẵng rất quan tâm đến công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo".
Trước sự quan tâm của lãnh đạo Bộ đến một số cách làm của Đà Nẵng gây được sự chú ý thời gian qua, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho rằng, Đà Nẵng cũng vì cái chung, vì cộng đồng nên thành phố hết sức làm, có những cái vượt ra khỏi quy định của pháp luật. Đơn cử như vấn đề cai nghiện ma túy tập trung. Đây là "một cuộc đấu tranh" khá căng thẳng khi luật xử lý vi phạm hành chính, xem người nghiện ma túy là người bệnh được ban hành. Chính điều này đã gây nhiều bất cập trong xử lý người nghiện, thậm chí có địa phương mất cả năm trời nhưng không đưa được người nghiện nào vào trung tâm chữa bệnh. Còn Đà Nẵng, với cách làm của mình đã rút ngắn, linh động xử lý vướng mắc và đạt được hiệu quả cao. Theo Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, ngoài những câu chuyện như "5 không", "3 có"; các chỉ thị 24, 25 của Thành ủy về giáo dục trẻ em hư, vi phạm pháp luật; phòng chống bạo lực gia đình, thì gần đây nhất là chương trình thành phố "4 an"... Đây cũng là những vấn đề thuộc về an sinh xã hội mà thành phố tập trung giải quyết.
"Đà Nẵng đang đặt ra vấn đề xây dựng thành phố an bình, an ninh trật tự, tuy nhiên vẫn lo, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đặt vấn đề và chỉ rõ giải pháp cai nghiện tại cộng đồng thực chất kém hiệu quả, bởi nói là cai nghiện tại cộng đồng nhưng gia đình là chính. Là cha mẹ thì ai mà không thương con, khi con lên cơn nghiện như vậy thì ai mà chịu nổi; còn ra trạm y tế xã, phường thì cũng không thể giải quyết được. Trước khó khăn này, thành phố đề xuất thành lập trung tâm tư vấn, giúp đỡ cai nghiện tại các quận, huyện hoặc ghép với trung tâm y tế quận, huyện bằng các mô hình linh hoạt hơn. Mục đích là để cho người nghiện thấy rằng việc đi cai nghiện, chữa bệnh tại các cơ sở này không phải giam giữ, mất đi quyền công dân, không phải xấu hổ gì.
Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ mong muốn lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, trực tiếp là Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp tục hỗ trợ thành phố, giúp đỡ để xây dựng thành phố điển hình về phát triển kinh tế đi đôi với công bằng, tiến bộ xã hội. "Đà Nẵng nhỏ, dễ làm. Ví như vấn đề cai nghiện ma túy, nếu Đà Nẵng không làm được thì khó có nơi nào làm được. Thành phố mong ước như thế, nhưng nếu chỉ nỗ lực tự thân thì rất khó", Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nhắn gửi.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại buổi làm việc. |
Phải mạnh dạn, sáng tạo hơn nữa
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các thành quả về kinh tế, chính trị, xã hội của Đà Nẵng rất rõ nét và rất đáng ghi nhận, nhiều lĩnh vực về đời sống xã hội Đà Nẵng luôn đi đầu, tạo sự đột phá. Qua kiểm tra và khảo sát một số gia đình chính sách, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng các chính sách của Đảng, Nhà nước đã đến với người có công một cách đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc, vì vậy đời sống của tuyệt đại đa số người có công ở Đà Nẵng đều trên mức trung bình.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, Đà Nẵng không nên bằng lòng với những gì đã có, nếu bằng lòng thì có nghĩa sẽ tụt hậu. Liên quan đến lĩnh vực lao động, dạy nghề, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Đà Nẵng phải đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó phải đặc biệt coi trọng đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho người lao động; sớm mạnh dạn, chủ động hơn trong phân luồng dạy học nghề ngay từ cấp trung học cơ sở. Bộ trưởng cho rằng, phân luồng học nghề phải gắn với 2 vấn đề, đó là chú trọng đến dự báo thị trường lao động và đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, phải để doanh nghiệp tham gia từ đầu với công tác đào tạo nghề.
"Hiện nay, tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm dẫn đến việc nhiều em có bằng đại học, thạc sĩ nhưng giấu đi, quay trở lại học nghề, cái này gọi là học lùi. Vì nếu đưa bằng cấp cao đi xin việc thì doanh nghiệp họ không nhận, bởi phải trả lương cao, nhận không đúng người cần nhận mà phải mất công đào tạo từ đầu", Bộ trưởng nêu thực tế và đề nghị các trường dạy nghề của Đà Nẵng cũng phải mở theo hướng đó, không để tình trạng đào tạo trên trời rồi sau đó trở về đi dưới đất được.
Về vấn đề cai nghiện ma túy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị thành phố tổng kết lại 3 mô hình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và cai nghiện bắt buộc; qua đó đánh giá, xem xét ưu, khuyết điểm và bất cập để tìm cách giải quyết. Cách làm của Đà Nẵng về xử lý người nghiện thời gian qua đem lại hiệu quả và đã được thừa nhận, vì vậy Bộ trưởng đề nghị từ thực tiễn của mình, Đà Nẵng cần tổng kết, rút kinh nghiệm và tiếp tục triển khai, thí điểm nhiều mô hình, cách làm sáng tạo hơn nữa để công tác cai nghiện và quản lý người nghiện tốt hơn, giảm tối đa người nghiện mới...
Liên quan đến các vấn đề như chuyển giao quản lý ở các trường trung cấp, cao đẳng, các cơ sở giáo dục dạy nghề từ ngành giáo dục về ngành LĐ-TB&XH; các lĩnh vực về người có công; các chính sách bảo trợ xã hội và giảm nghèo..., Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị có liên quan giải quyết dứt điểm hoặc cho chủ trương giải quyết trong thời gian tới.
D.Hùng