Đà Nẵng: Cho phép chuyển nhượng dự án trong các KCN

Thứ sáu, 27/05/2016 07:21

(Cadn.com.vn) - TP Đà Nẵng đang triển khai nhiều biện pháp mang tính đột phá để tăng cường thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN). Tuy vậy, vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động của các KCN.

Cty ITG Phong Phú (KCN Hòa Khánh) với 11,3 héc ta đất cả nhà máy hiện đại phải nằm bất động nhiều năm gây lãng phí lớn.

40% doanh nghiệp không hiệu quả

Theo báo cáo của Ban Quản lý (BQL) các KCN và Chế xuất Đà Nẵng, hiện nay, trên toàn địa bàn thành phố có 6 KCN với tỷ lệ lấp đầy hơn 85%, trong đó có 2 KCN do thành phố đầu tư có tỷ lệ lấp đầy 100%, (đó là KCN Hòa Khánh và KCN An Đồn Đà Nẵng), giải quyết hơn 74.000 lao động; năm 2015 các doanh nghiệp (DN) KCN đóng góp ngân sách thành phố hơn 5.000 tỷ đồng. Tuy vậy, điều đáng buồn, tại KCN Hòa Khánh, một trong những KCN hàng đầu về quy mô và số lượng dự án với diện tích 430ha có 167 DN đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh thì chỉ có 68 DN thực sự có năng lực sản xuất, còn lại 99 DN hoạt động không hiệu quả hoặc treo năm này qua năm khác (trong đó 72 DN không có năng lực sản xuất hoặc khả năng sản xuất thấp; 9 DN đang có nhu cầu chuyển nhượng dự án và tài sản gắn liền trên đất; 18 DN không còn hoạt động, chưa xây dựng, chưa hoàn tất thủ tục đầu tư).

Một số DN một thời là niềm tự hào của chính quyền và người dân Đà Nẵng nhưng nay cũng đang trong giai đoạn hoạt động cầm chừng, thậm chí ngừng hoạt động trên diện tích hàng chục héc-ta đất tại KCN Hòa Khánh như: Cty Thực phẩm và Đầu tư Fococev, Cty CP Cơ khí và Thiết bị ô-tô Đà Nẵng, Cty Lắp máy Miền Nam, Cty Gạch men Cosevco, Cty Vật liệu xây dựng – Xây lắp và Kinh doanh Nhà Đà Nẵng, Cty Foodinco Miền Trung, Cty Dệt may ITG Phong Phú... Do hoạt động không hiệu quả, nhiều dự án cho các DN khác thuê lại nhà xưởng, tính đến thời điểm này có 51 dự án cho thuê lại nhà xưởng nhưng có 12 dự án tự ý cho thuê lại nhà xưởng mà không xin phép hoặc báo cáo cho Ban Quản lý.

Hệ lụy của việc hàng loạt DN không có năng lực sản xuất, năng lực sản xuất thấp hoặc không triển khai dự án khi đã được cấp đất đó là hàng chục héc-ta đất bỏ trống không thể thu hồi để cấp cho nhà đầu tư khác có nhu cầu, nợ tiền thuế, tiền thuê đất của thành phố, nợ xấu ngân hàng... Theo BQL các KCN & CX hiện nay, nhiều DN tại KCN Hòa Khánh không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng đang nợ tiền thuê đất gần 40 tỷ đồng, trong đó 2 DN có khoản nợ nhiều nhất và khó đòi nhất là nhà máy Cty Công nghiệp tàu thủy Miền Trung (Vinashin) và Cty ITG Phong Phú.

Đồng ý chuyển nhượng dự án

Theo ông Phạm Việt Hùng, Trưởng BQL các KCN & CX, vừa qua BQL tiến hành rà soát lại 359 DN thuê đất đầu tư trong 6 KCN, thì chỉ có khoảng 60% DN có năng lực sản xuất và 40% DN không có năng lực sản xuất hoặc năng lực sản xuất thấp. Đối với các dự án này, BQL đã và đang tiến hành phân loại và thu hồi những dự án không có khả năng tiếp tục đầu tư, chấm dứt dự án để kêu gọi nhà đầu tư mới nhằm mục tiêu phấn đấu để đến năm 2017, có được từ 80 - 90% dự án có năng lực sản xuất thực sự tại các KCN trên địa bàn. Cũng theo ông Hùng trong thời gian tới, BQL sẽ tăng cường thu hút đầu tư hướng đến một số khu vực nhất định có tiềm năng như Mỹ, EU, Nhật Bản và đề xuất lãnh đạo thành phố có chính sách ưu đãi và hỗ trợ thích đáng không chỉ ưu đãi về đất mà cần có hình thức đa dạng hơn, bám sát nhu cầu của nhà đầu tư để giải quyết ưu đãi và hỗ trợ phù hợp.

Ông Hùng nhấn mạnh: “Thực tế cho thấy, sự thiếu chọn lọc nghiêm túc để một số dự án loại này tận dụng cơ hội thuê lại đất giá rẻ (4.200 đồng/m2/năm) và hưởng ưu đãi miễn giảm tiền thuê lại đất. Đến khi hết thời gian hưởng ưu đãi cũng là lúc các dự án này bộc lộ sự cạn kiệt năng lực tài chính, bế tắc thị trường từ đó dẫn đến chuyển nhượng hoặc cho thuê nhà xưởng. Bên cạnh đó, một số DN không có nhu cầu đầu tư nhưng nắm bắt cơ hội lập dự án sản xuất để thuê lại đất, nhưng qua nhiều năm không triển khai dự án, sau đó chuyển nhượng hoặc cho thuê nhà xưởng để thu lợi”.

Trước thực trạng một số DN “chết lâm sàng” năm này qua năm khác để tháo gỡ khó khăn cho các DN cũng như tạo điều kiện cho các DN mới đến đầu tư vừa qua, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ có văn bản đồng ý cho các dự án này chuyển nhượng toàn bộ nhưng không làm thay đổi mục tiêu của dự án. Đây được xem là hướng mở cho các DN. Ngay lập tức, hàng loạt DN tại KCN Hòa Khánh được sang tên đổi chủ như: Cty Đầu tư và Phát triển xây dựng Đà Nẵng chuyển nhượng lại toàn bộ cho Tập đoàn G.Home; Hợp tác xã sản xuất Sắt số 1 chuyển cho Cty Tuấn Xâm; Cty Nam Sơn chuyển nhượng cho Cty Kết cấu thép BMF; Cty Thiên Kim chuyển nhượng cho Cty Đầu tư giá trị; Cty Đầu tư Thành Lợi chuyển nhượng cho Cty Thủy Hồng Phát; Cty Tôn Á Đông mua lại nhà máy Vinashin;... Tuy nhiên, những DN đang gặp khó khăn muốn chuyển nhượng nhưng chủ dự án không tìm được đối tác nhận chuyển nhượng, trong vòng 6 tháng thì BQL lập thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chấm dứt dự án để kêu gọi nhà đầu tư mới và hỗ trợ tài sản trên đất cho chủ đầu tư cũ. Ngoài ra, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cũng giao cho BQL các KCN và Chế xuất chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp, Sở TN&MT làm việc cụ thể với từng DN để xem xét hỗ trợ từng dự án...

Xuân Đương

Triển khai dự án Khu phụ trợ công nghệ cao

Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Viện Quy hoạch xây dựng, Trung tâm Phát triển quỹ đất, UBND H. Hòa Vang, UBND xã Hòa Liên...  đang khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục giải tỏa đền bù, lập dự án đầu tư xây dựng khu phụ trợ công nghệ cao theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ. Dự án Khu phụ trợ công nghệ cao được UBND thành phố phê duyệt sơ đồ ranh giới sử dụng đất vào năm 2012 với tổng diện tích quy hoạch 209,48ha và điều chỉnh diện tích sử dụng đất xuống còn 102,31ha.

Do phân kỳ đầu tư thực hiện dự án nên đến ngày 7-4-2016, Chủ tịch UBND thành phố ký ban hành văn bản giao Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố chủ trì, phối hợp với UBND H. Hòa Vang, Ban QLDA ĐTXD Khu công nghệ cao Đà Nẵng khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục để thực hiện công tác giải tỏa đền bù dự án Khu phụ trợ Công nghệ cao, ưu tiên giải tỏa các thửa đất nông nghiệp để có mặt bằng triển khai san nền. Các hộ giải tỏa dự án được cân đối bố trí tái định cư ở các dự án trên địa bàn xã Hòa Liên trên cơ sở quỹ đất thực tế có sẵn sau khi đã rà soát. Trường hợp thiếu quỹ đất tái định cư, Sở Xây dựng sẽ đề xuất cụ thể các khu vực, các khu tái định cư cần tiếp tục đầu tư xây dựng để có đất thực tế bố trí cho dự án trong thời gian tới.

Hạnh Nhân