Đà Nẵng "chọn mặt gửi vàng"
Dịch COVID-19 đã gây rất nhiều trở ngại, khó khăn cho công tác xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, với sự nỗ lực cao độ của các sở, ban, ngành, công tác thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Nhật Bản trong thời gian qua của TP đã đạt được những kết quả nhất định.
Công viên nước trong nhà thuộc Khu du lịch và nghỉ dưỡng Mikazuki Đà Nẵng - dự án 100% vốn Nhật Bản.
Ngay sau khi TP Đà Nẵng vừa dỡ bỏ áp dụng biện pháp phòng chống dịch "ai ở đâu ở yên đó", trong tháng 10-2021 vừa qua, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã phối hợp Cty TNHH Fujikin Đà Nẵng - doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài của Nhật Bản tổ chức lễ khởi công dự án Trung tâm Nghiên cứu, phát triển và sản xuất Fujikin với tổng vốn đầu tư 35 triệu USD tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Dự án này hoạt động với các mục tiêu nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ gồm: các thế hệ robot, thiết bị bay không người lái, thiết bị năng lượng hydro, thiết bị nano, công nghệ trí tuệ nhân tạo, hệ thống lọc nước, hệ thống tải điện không dây và phát triển vật liệu mới; các sản phẩm trên lĩnh vực công nghệ thông tin, thiết bị y tế, sản xuất mẫu (thử nghiệm) và sản xuất thiết bị không người lái…
Trước đó, Cty TNHH Daiwa Việt Nam cũng đã tổ chức buổi lễ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất dụng cụ thể dục thể thao thứ ba tại Khu công nghiệp Hòa Khánh với tổng vốn đầu tư 40 triệu đô la Mỹ, dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động trong năm 2022. Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn hiện đại với đầy đủ hệ thống nhà xưởng, văn phòng công trình phụ trợ kèm theo đảm bảo tiêu chuẩn công nghệ sản xuất tiên tiến trên thế giới. Bên cạnh đó, cùng thời gian này, một số doanh nghiệp khác đến từ Nhật Bản như: Cty TNHH Giải pháp an toàn tự động Hatsuta đã tiến hành ký kết hợp đồng thuê nhà xưởng tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng để triển khai hoạt động; hay như mới đây, Cty EPE Packaging - doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì chất lượng cao sắp sửa đưa nhà máy mới vào hoạt động tại Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng sau khi nhận giấy phép đầu tư hồi đầu năm nay.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, đến nay đã có 7 dự án đến từ Nhật Bản đầu tư và đang hoạt động tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng và các khu công nghiệp trên địa bàn TP. Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, chia sẻ: Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến từ Nhật Bản được đánh giá cao về năng lực, kinh nghiệm, vốn, trình độ quản lý, công nghệ và thiết bị sản xuất hiện đại và tiên tiến…
Do vậy, Ban Quản lý rất chú trọng, quan tâm đến các nhà đầu tư Nhật Bản trong quá trình xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng và các khu công nghiệp trực thuộc Ban Quản lý. Chia sẻ thêm về tình hình thu hút đầu tư từ Nhật Bản vào TP Đà Nẵng, bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng, cho biết: Nhật Bản hiện là quốc gia có tổng số vốn đầu tư lớn nhất về thu hút đầu tư nước ngoài vào TP với tổng cộng 216 dự án có tổng vốn đầu tư hơn 985 triệu USD, chiếm 25,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài toàn TP.
Các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào TP tập trung ở các lĩnh vực như: sản xuất công nghiệp, chế biến thực phẩm, bất động sản - du lịch, công nghệ thông tin, dịch vụ, nghiên cứu và phát triển… Trong quá trình xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng luôn xác định Nhật Bản là một trong những thị trường thu hút đầu tư trọng điểm. Hiện nay cũng như trong thời gian đến, TP tiếp tục ưu tiên kêu gọi, thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư Nhật Bản, nhất là trong lĩnh vực sản xuất ứng dụng công nghệ cao, y tế, giáo dục, du lịch, bất động sản…
Sản xuất dụng cụ thể thao câu cá tại Nhà máy Daiwa Đà Nẵng - dự án 100% vốn Nhật Bản.
Về phía các nhà đầu tư Nhật Bản xác định Đà Nẵng là một trong những điểm đến đầu tư ưu tiên lựa chọn khi đầu tư vào Việt Nam. Đại diện nhiều doanh nghiệp Nhật Bản hiện đang hoạt động trên lĩnh vực công nghệ thông tin tại TP này đều cho biết họ đã từng xem xét rất kỹ ở nhiều quốc gia khác nhau trước khi quyết định đầu tư tại Đà Nẵng vì TP có nhiều ưu thế nguồn nhân lực chất lượng cao, khả năng đáp ứng chuyên môn, ngoại ngữ tiếng Anh, đặc biệt là trình độ tiếng Nhật.
Ông Takahisa Onose, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng, đánh giá thêm: Đà Nẵng có cơ sở hạ tầng hoàn thiện, nguồn lao động dồi dào với hệ thống các trường đại học trên địa bàn... Trong khi đó, ông Kentaro Ito, đại diện Ngân hàng Ogaki, nhận xét rằng Đà Nẵng có các khu công nghiệp gần trung tâm TP nên rất thuận lợi cho việc di chuyển, môi trường làm việc ở đây được đánh giá tương đối tốt. Dự báo, sau khi Đà Nẵng đã kiểm soát tốt dịch bệnh sẽ thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư Nhật Bản đến làm ăn, kinh doanh.
Phát biểu tại buổi lễ khởi công dự án Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và sản xuất Fujikin, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn cho biết: Việc thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các dự án đến từ Nhật Bản được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực phát triển nhanh và bền vững cho TP. Nhật Bản hiện là một trong những thị trường trọng điểm mà Đà Nẵng đang tập trung kêu gọi thu hút đầu tư.
PHÚ NAM