Đà Nẵng có một mô hình cải cách đổi mới phát triển doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam
Đó là nhận định của TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội nghị chuyên đề về cơ hội đầu tư phát triển kinh tế TP Đà Nẵng sau Tuần lễ Cấp cao APEC được Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức ngày 28-2. Dự Hội nghị có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ.
TS Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Hội nghị và đại biểu tham dự Hội nghị. |
TS Vũ Đức Lộc kể: “Khi chúng tôi sang New Zealand gặp và mời ông Chủ tịch ABAC New Zealand tham dự APEC 2017. Ông liền quay sang hỏi APEC tổ chức ở đâu? Chúng tôi nói ở Đà Nẵng, ngay lập tức ông này hét lên tuyệt vời, không có một nơi nào tốt hơn ở Đà Nẵng và ông nói rằng tôi sẽ đưa cả gia đình cả vợ con tôi đi, mà tôi đi cả một tuần chứ không phải chỉ vài ngày!”.
APEC biến Đà Nẵng thành tâm điểm
Theo TS Vũ Tiến Lộc, với Hội nghị APEC, Việt Nam đóng vai trò dẫn dắt, lần đầu tiên trong lịch sử APEC có sự tham gia đầy đủ của lãnh đạo cao nhất các nền kinh tế thành viên và lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh DN APEC. Việt Nam và Đà Nẵng đã trở thành trung tâm của thế giới và các quan chức đều đánh giá cao tinh thần vượt khó của người Việt Nam, người Đà Nẵng.
Nhấn mạnh đến vị thế của Đà Nẵng sau sự kiện APEC, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, sự kiện APEC 2017 được tổ chức tại Đà Nẵng đã thành công tốt đẹp trên mọi phương diện và kết thúc năm APEC 2017 đã đưa Đà Nẵng lên một tầm cao mới, vị thế mới, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của thành phố. Sau thành công của APEC 2017, Đà Nẵng đang đứng trước thời cơ mới, vận hội mới mà mỗi DN, người dân cần nắm bắt để đưa thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn. Bên cạnh các khâu chuẩn bị, an ninh hậu cần, lễ tân, đồng lòng khắc phục khó khăn do mưa bão trước trong APEC thì điều đọng lại trên hết với các đoàn đại biểu là hình ảnh một thành phố năng động, đáng tin cậy, thân thiện và đầy tiềm năng, một thành phố đáng sống, thành phố đáng phải đến dù chỉ là tham quan hay đến để đầu tư, kinh doanh lâu dài. Đà Nẵng đã ghi tên mình vào danh sách những địa điểm cho những quyết định lớn trên thế giới. Vì vậy, dễ nhận thấy đó là “thương hiệu” Đà Nẵng đang dần được công nhận trên toàn cầu và đang ở trong “tầm ngắm” của các nhà đầu tư trên toàn thế giới.
Theo ông Lộc, hiện Đà Nẵng đang có lợi thế của “người đi sau”; có “gen trội” của chính quyền kiến tạo chuyên nghiệp, đội ngũ cán bộ nói chung theo đánh giá của VCCI là chuyên nghiệp, tận tâm nhất trong cả nước; là nơi tập trung của du lịch, dịch vụ thương mại, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục và công nghiệp công nghệ cao. Để tận dụng tốt các cơ hội, Đà Nẵng cần rà soát lại định hướng phát triển, chính sách kêu gọi vốn đầu tư kinh doanh để tạo cơ sở làm việc với các đối tác. Ngoài ra, thành phố cũng cần tiếp tục đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải quyết ngay các vướng mắc của DN, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư theo hướng thiết thực, hiệu quả. “Với bộ máy lãnh đạo mới, tôi nghĩ DN Đà Nẵng đang cảm nhận an toàn và yên tâm đối với hoạt động kinh doanh của mình”, TS Lộc đánh giá.
Cốt lõi là “cởi trói” cơ chế
Đề cập về thể chế kinh tế, TS Lộc cho biết, Trung Quốc và Việt Nam cùng một chế độ nhưng thành quả cải cách của Trung Quốc hơn chúng ta rất nhiều. Chúng ta giờ mới đưa ra Quốc hội để thông qua Luật đặc khu kinh tế, tuy nhiên từ năm 1980 Trung Quốc đã có Luật đặc khu kinh tế. Trung Quốc không ngập ngừng trên con đường cải cách. Từ thời điểm đổi mới (1986), GDP Trung Quốc chỉ gấp 3 lần Việt Nam nhưng đến nay, GDP gấp 400 lần Việt Nam. Rõ ràng, thể chế là vấn đề quyết định.
Cũng theo TS Lộc, nghiên cứu của cơ quan Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) chỉ ra rằng, nhà đầu tư Nhật Bản vẫn tiếp tục đầu tư mạnh vào Việt Nam, do sự ổn định chính trị, quy mô thị trường, đang ở giai đoạn dân số vàng (dân số trẻ, khỏe, rẻ). Tuy nhiên, thể chế vẫn là “điểm nghẽn” của Việt Nam và cải cách phải ở khâu đột phá tại điểm nghẽn này, còn nhiều không gian, dư địa để cải cách thể chế.
“Cởi trói” là mệnh lệnh hàng đầu, cải cách là phải làm ngay. Giải phóng thể chế không phải là giải phóng cho DN mà cho cả địa phương. Ông Lộc dẫn chứng, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định 15 liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm, gần như cởi trói 95% giấy phép đối với các DN hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này. Vì vậy, trao quyền tự chủ cho DN sẽ giảm bớt thủ tục hành chính, chuyển từ tiền kiểm ra hậu kiểm. Trước đây, lĩnh vực này, đi xin giấy phép vô cùng gian nan và nếu xin xong thủ tục, DN có thể bình chân như vại cứ thế mà sản xuất không cần quan tâm đến an toàn thực phẩm, nhưng bây giờ tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì phải có trách nhiệm hơn nếu không sẽ bị kiểm tra xử phạt!
Đặt niềm tin vào doanh nghiệp
TS Vũ Tiến Lộc cho hay, cả nước hiện có hơn 561.000 DN đang hoạt động, bình quân 154 người dân có 1 DN, trong khi ở các nước phát triển thì tỷ lệ này là 10 – 20 người dân/1 DN. Tuy vậy, tỷ lệ DN rời thị trường hàng năm lớn hơn 50% số DN thành lập mới. Theo ông Lộc, trong một nền kinh tế hiện đại thì đóng góp của DN vào GDP phải chiếm tỷ trọng cao nhất, vì DN là hình thức tổ chức hiện đại, hiệu quả nhất.
TS Vũ Tiến Lộc đề nghị các cấp từ Trung ương đến địa phương hãy đặt niềm tin vào DN, đặc biệt, đối với những DN làm ăn bài bản cần ưu tiên phát triển. “Ở Trung ương, Chính phủ giao cho VCCI chủ công tổ chức các Hội thảo, chương trình phát triển DN; ở Đà Nẵng cần mạnh dạn giao cho nhóm DN nòng cốt. Chính lực lượng DN nòng cốt tiên phong đó sẽ kéo theo và lan tỏa đến cộng đồng DN. Vì vậy, nếu có chương trình Hội thảo liên quan đến DN chính quyền thành phố cần giao cho Hiệp hội DN, DN làm, còn chính quyền thành phố chỉ hỗ trợ. Nhà nước rất quan trọng nhưng DN là chủ lực, chủ đạo. Đà Nẵng cần có tổ công tác của Chủ tịch UBND TP để tư vấn các chính sách phát triển kinh tế thành phố”, TS Lộc gợi ý. TS Lộc cũng đề nghị cộng đồng DN phải chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường quản trị, hiến kế thúc đẩy chính quyền cải cách thể chế môi trường kinh doanh, giảm chi phí về hành chính...
XUÂN ĐƯƠNG
XUÂN ĐƯƠNG
Công nghiệp 4.0 của Việt Nam đang ở nhóm … sơ khai! Theo TS Vũ Tiến Lộc, hiện dân số Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đang đứng thứ 50, bình quân GDP trên đầu người đứng thứ 134, năng suất lao động thuộc dạng thấp nhất thế giới. Chúng ta nói rất nhiều về công nghiệp 4.0 nhưng làm chẳng bao nhiêu. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thì khả năng bắt nhịp với công nghiệp 4.0 của Việt Nam thuộc nhóm cuối cùng. WEF đưa ra 4 nhóm là nhóm dẫn đầu, nhóm có tiềm năng cao, nhóm có tiềm năng và nhóm sơ khai. Ở Đông Nam Á, Singapore, Malaysia thuộc nhóm dẫn đầu; Philippines, Thái Lan thuộc nhóm tiềm năng; còn Việt Nam cùng với Campuchia, Indonesia thuộc vào nhóm sơ khai! Khảo sát của WEF cũng cho thấy: Khu vực FDI cứ như “ốc đảo” trong nền kinh tế Việt Nam, không liên kết được với các DN nội địa. Hệ số chuyển giao công nghệ từ các DN FDI sang các DN nội địa của Việt Nam thuộc loại thấp nhất trên thế giới, đứng thứ 87 trong số 137 nền kinh tế được khảo sát, thậm chí thua cả Lào, Campuchia. |