Đà Nẵng “đại phẫu” thoát nước và chống ngập

Thứ ba, 05/03/2019 12:31

Cùng với việc rà soát, kiểm tra trên diện rộng hệ thống đấu nối thoát nước và xử lý nước thải ven biển, Đà Nẵng cũng đang khởi động các dự án chống ngập úng khu vực đô thị và các khu công nghiệp.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ kiểm tra hiện trường và yêu cầu cơ quan chức năng báo cáo tình trạng đấu nối xả thải trên địa bàn Q. Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn.

Tình trạng xả thải lén lút của các dự án ven biển Đà Nẵng đã xảy ra trong một thời gian dài nhưng đến hiện tại, thành phố vẫn chưa có giải pháp nào để xử lý dứt điểm. 

Chống vỡ trận xả thải ven biển

Thỉnh thoảng, đặc biệt là lúc đêm tối, trời mưa, người dân lại phát hiện những bất thường trên các bãi biển mà khi điều tra, cơ quan chức năng phát hiện thủ phạm chủ yếu là các dự án đang thi công. Chỉ tính riêng trong năm 2018, tại khu vực ven biển Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, cơ quan chức năng đã phát hiện 9 trường hợp xả nước ngầm trong quá trình thi công hố móng công trình vào hệ thống thoát nước chung của TP, không đúng theo cam kết tại hồ sơ môi trường được duyệt. Bên cạnh đó, theo báo cáo của Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng, đến năm 2018, hai quận ven biển này có 1.245 cơ sở kinh doanh đang hoạt động, tuy nhiên thành phố mới chỉ cấp 201 giấy phép và công văn thống nhất phương án đấu nối cho các cơ sở có hoạt động xả thải về phía biển. Hiện vẫn còn nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ chưa hoàn thiện thủ tục liên quan đến công tác đấu nối, thi công hoặc đấu nối chưa đồng bộ, chưa đảm bảo theo quy định.

Sau trận ngập úng bất thường vào cuối năm 2018, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã trực tiếp đi kiểm tra hiện trường và yêu cầu ngành chức năng cùng chính quyền Q. Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn khẩn trương rà soát hiện trạng xả thải của các hộ dân cũng như hệ thống nhà hàng khách sạn. Sau đó, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch kiểm tra chuyên đề tình hình thực thi pháp luật về đấu nối, thoát nước và xử lý nước thải của các cơ sở, hộ kinh doanh khu vực Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn năm 2019. Đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và hộ kinh doanh tại khu vực của các phường: Phước Mỹ, An Hải Đông, An Hải Bắc, Mỹ An, Khuê Mỹ thuộc lưu vực thoát nước phía Đông từ cửa xả Mỹ An đến cửa xả gần khách sạn Furama.

UBND TP Đà Nẵng yêu cầu ngành chức năng khẩn trương triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thực thi pháp luật về tài nguyên nước, thoát nước và bảo vệ môi trường để đôn đốc, yêu cầu các cơ sở, hộ dân thực hiện. Thành phố giao Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, chính quyền Q. Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn thành lập các đoàn kiểm tra, kịp thời phát hiện những vi phạm, tồn tại về đấu nối, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đồng thời đề xuất các giải pháp cụ thể để chủ động kiểm soát các nguồn thải vào hệ thống thoát nước.

Ngoài tuyến biển liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng cũng đang triển khai việc rà soát hệ thống thoát nước và xử lý nước thải của tuyến biển Nguyễn Tất Thành để sớm có phương án khắc phục tình trạng ô nhiễm các bãi tắm mà nguyên nhân cũng xuất phát từ việc mất kiểm soát tình trạng xả thải từ trong khu dân cư qua các cửa xả. Ông Tô Văn Hùng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, đơn vị đã chỉ đạo Chi cục Môi trường tham mưu văn bản về việc yêu cầu UBND Q. Thanh Khê kiểm tra các cơ sở kinh doanh tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành sau vụ việc xuất hiện nguồn nước thải ô nhiễm tràn ra biển trong những ngày cuối tháng 2 vừa qua. Công tác rà soát, kiểm tra hoàn thành trước ngày 20-3 để báo cáo UBND TP. Theo ông Hùng, để giải quyết dứt điểm tình trạng nước thải tràn ra biển gây ô nhiễm kéo dài, sau khi Dự án thu gom, xử lý nước thải dọc biển Nguyễn Tất Thành được triển khai và đi vào hoạt động, toàn bộ lượng nước thải sẽ được thu gom và đưa về Trạm Phú Lộc để xử lý, không để chảy tràn ra các cửa xả như hiện nay.

Đà Nẵng sẽ đầu tư nguồn kinh phí lớn để xử lý thoát nước, ngập úng đô thị.

3.305 tỷ đồng xử lý thoát nước

Cách đây 2 năm, với việc lồng ghép với nguồn vốn từ dự án phát triển bền vững, lãnh đạo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cam kết từng bước xử lý từng phần các điểm ngập úng khu vực nội thành, đến năm 2018 sẽ cơ bản “xóa sổ” tình trạng ngập úng trên toàn thành phố. Tuy nhiên, lời hứa này còn dang dở thì đến cuối năm 2018, trận mưa lớn lịch sử đã khiến hệ thống thoát nước vốn đã cũ kỹ, thiếu đồng bộ vỡ trận hoàn toàn, nhiều khu vực ngập sâu kéo dài và tái ngập chỉ với cơn mưa trong một thời gian ngắn. Đây được coi là một phép thử liều cao để các cơ quan liên quan đánh giá khả năng thích ứng, xử lý của hệ thống thoát nước đối với tình trạng tương tự có thể xảy ra sau này, khi hậu quả biến đổi khí hậu quá bất thường và quá trình đô thị hóa lại quá nóng.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã ký ban hành kế hoạch xử lý thoát nước trên địa bàn thành phố năm 2019 với tổng kinh phí cho các công trình, dự án lên đến 3.305 tỷ đồng. Nhiệm vụ cấp bách của Đà Nẵng đối với cuộc “đại phẫu” này là tập trung các nguồn lực để giải quyết ngập úng đô thị và các khu công nghiệp, cơ bản giải quyết vấn đề môi trường liên quan đến thoát nước khu vực ven sông, ven biển, khu vực phát triển du lịch. Từ nguồn ngân sách và vốn vay, Ban quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông được bố trí 2.450 tỷ đồng để chủ trì thực hiện các công trình xử lý thoát nước khu vực ven biển phía đông quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Tiếp đó, các ban quản lý dự án sẽ được giao 480 tỷ đồng để phối hợp với các ban ngành hoàn thành các công trình thoát nước, xử lý điểm ngập úng trên địa bàn thành phố. Cũng trong năm nay, TP Đà Nẵng sẽ triển khai sửa chữa các tuyến cống liên phường bị hư hỏng, xuống cấp với tổng kinh phí 190 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thành phố cũng chi 85 tỷ đồng cho các dịch vụ thoát nước đô thị cũng như lên kế hoạch quản lý, thanh tra việc quản lý hạ tầng thoát nước, rà soát phương án thoát nước tạm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, số tiền hơn 3.000 tỷ đồng mà Đà Nẵng đầu tư để xử lý thoát nước là cần thiết trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, từ những hạn chế bộc lộ trong quá trình đô thị hóa, thành phố cần có những kế hoạch dài hơi, lộ trình và giải pháp cụ thể cùng với quyết tâm chính trị cao để triển khai thực hiện công tác đầu tư, xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương xứng với tầm vóc 1 đô thị hiện đại, văn minh, tầm cỡ khu vực và phải bắt tay ngay trong quá trình điều chỉnh quy hoạch. Trong một cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng khẳng định, dù sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng ngay từ bây giờ, thành phố phải làm và có thể làm được vì nhiệm vụ này hoàn toàn phù hợp với việc điều chỉnh quy hoạch chung. Trong điều chỉnh quy hoạch chung, ngoài việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, không gian đô thị, thì điều chỉnh và bổ sung, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật là điều phải đặt ra. Theo ông Hùng, thành phố phải có đầu tư tương xứng và tính toán trong những tình huống đột biến, nhưng vì hạn chế về nguồn lực nên phải có lộ trình đầu tư chứ không thể một lúc làm được. Trước mắt phải nâng cấp toàn bộ hệ thống tiêu thoát, bổ sung trạm bơm chống ngập úng và đồng bộ hóa hệ thống. Ông Hùng cũng cho rằng, với mức đầu tư và chiến lược như hiện tại, việc thay thế hệ thống đường ống, đồng bộ hóa xả thải thì năm 2020 sẽ khắc phục hoàn toàn tình trạng nước thải và rác tràn ra bãi biển du lịch. Còn đối với nhiệm vụ chống ngập úng nói chung, song song với đầu tư cơ sở hạ tầng, Đà Nẵng cần có những quy chuẩn riêng trong quy hoạch đô thị.

CÔNG KHANH