Đà Nẵng đang trong bước ngoặt về quy hoạch đô thị

Thứ bảy, 21/09/2019 12:07

Chiều 20-9, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã có buổi làm việc với Hội quy hoạch Phát triển đô thị TP liên quan tới công tác quy hoạch TP trong thời gian tới.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc.

Hội quy hoạch hiến kế

Trong những năm qua, không gian đô thị Đà Nẵng đã mở rộng, hạ tầng khang trang, trong đó có vai trò đóng góp trí tuệ quan trọng của Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP. KTS Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội cho biết, trong phát triển đô thị TP, Hội có nhiều phản biện giá trị, như các dự án hải đăng trên sông Hàn, cầu đi bộ qua sông Hàn, bãi rác Khánh Sơn, công viên trên sông Phú Lộc. Theo ông Hải, trong thời gian tới nhiệm vụ trọng tâm của Hội là đóng góp trí tuệ cho vấn đề Điều chỉnh quy hoạch chung TP tới 2030, tầm nhìn 2045. Ông Hải nói: Đô thị Đà Nẵng đang chịu nhiều áp lực, quá tải do những bất cập trong kiểm soát quy hoạch, kiểm soát không gian kiến trúc cảnh quan và sử dụng đất đô thị. Do vậy, TP cần quan tâm kiểm soát việc lập, thẩm định các quy hoạch; rà soát các đô thị cũ không đảm bảo hạ tầng thiết yếu để tái thiết văn minh, thông thoáng, hiện đại. Ngoài ra, phải xác định bản sắc đô thị của Đà Nẵng là sông, núi, biển, nên phải tận dụng ưu thế này, phát triển hướng tới đô thị xanh, hình thành cấu trúc thiên nhiên trong lòng đô thị.

Theo KTS Hoàng Quang Huy, hiện nay TP cần tập trung giải quyết 3 vấn đề chính về quy hoạch gồm giao thông, cấp thoát nước và phân khu trung tâm. Trong đó, quy hoạch giao thông  thì ga đường sắt ở Hòa Minh đã hợp lý chưa?, cảng Liên Chiểu có cần thiết không? Do áp lực giao thông, TP giải quyết bằng cách xây các hầm chui, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế. Vấn đề cốt lõi phải là giao thông công cộng, nhưng giờ muốn phát triển thì thiếu quỹ đất, thiếu hạ tầng đồng bộ. Về cấp thoát nước,  Đà Nẵng đang bị thách thức bởi biến đổi khí hậu, thiếu nguồn nước ngọt, do đó cần có giải pháp hồ chứa nước ngọt lớn để giải quyết nguồn nước mùa khô, điều tiết lũ mùa mưa. Cuối cùng, ông Huy kể, nhiều khách du lịch tới Đà Nẵng không biết đâu là trung tâm. Do đó, TP cần phải làm phân khu chức năng để xác định đâu là trung tâm chính của TP, có mấy trung tâm hoặc ngoài trung tâm thì còn chùm đô thị nào nữa?

KTS Nguyễn Văn Trung cho rằng, TP cần cải thiện hình ảnh của đô thị chia lô tràn lan, hướng tới quy hoạch tận dụng yếu tố đặc trưng thiên nhiên ưu đãi sông, núi, biển. Ngoài ra, trước đây TP có quy hoạch công viên trung tâm tại khu tượng đài 29-3 rộng 300 ha nhưng giờ không còn nữa. TP cần phải có công viên trung tâm, như vừa rồi tư vấn Singapore đưa ra phương án toàn bộ khu vực núi Phước Tường khoảng 1.000 ha, đây là ý tưởng tốt. Bên cạnh đó, ông Trung cũng cho rằng, cái cách TP ứng xử với danh thắng Ngũ Hành Sơn khi cho phân lô, xây nhà cửa lem nhem xung quanh đã biến Ngũ Hành Sơn từ chỗ một quần thể thắng cảnh thiên nhiên đẹp giờ giống như mấy hòn non bộ.

Công viên Biển Đông, một điểm nhấn trong quy hoạch đô thị Đà Nẵng.   Ảnh: NGUYỄN LÊ

Nhìn đô thị Đà Nẵng rộng hơn

Bí thư Thành ủy Trương Quang  Nghĩa nói rằng, cái nguy hiểm nhất hiện nay là TP đang thiếu các quy hoạch 1/2.000, mà đây là quy hoạch quan trọng, giống như thiết kế một vùng đô thị, có thể dựng lên hình ảnh cả một khu vực của TP trên bản đồ, cứ căn cứ theo đó mà xây dựng. Việc này, TP rất cần Hội hỗ trợ.  Theo ông Nghĩa, bây giờ TP chọn một số khu vực nóng, đòi hỏi tập trung giải quyết để quy hoạch 1/2.000.  Chẳng hạn khu vực danh thắng Ngũ Hành Sơn. Đây là di tích hạng đặc biệt, không làm sớm sẽ như thành Điện Hải. “Khu vực thành Điện Hải là điển hình của sự lộn xộn, bên thì trung tâm Hành chính, bên công viên phần mềm, bên Novotel, nhiều nhà cao tầng mà không biết dựa vào quy chuẩn quy hoạch nào”- ông Nghĩa nói. Nhìn lại Ngũ Hành Sơn, ông Nghĩa nói cả di tích là một truyền thuyết gắn với biển nhưng giờ không có một tí biển nào. Đáng lẽ giới hạn danh thắng Ngũ Hành Sơn phải mở xuống biển. Bây giờ còn 4ha dự án của “Vũ nhôm”, 8ha dưới biển, phải giữ lại. Tư vấn Surbana Jurong họ cũng nói danh thắng Ngũ Hành Sơn rất quý, cần phải giữ lại qui hoạch làm trung tâm công viên tâm linh Châu Á. Bây giờ khu vực đó mà chỉ cần 1 tòa nhà cao tầng “nhảy vào” thì sẽ phá hỏng hết, lại như thành Điện Hải. Ông Nghĩa nói, trình độ quy hoạch gì đi nữa, cứ tuân thủ quy hoạch đó đã là thành công rồi. Một quy hoạch tốt đến đâu mà rơi vào tay lợi ích nhóm của anh nọ, anh kia rồi dễ dãi thay đổi, điều thì cũng sẽ bỏ đi, quy hoạch TP sẽ nát bét.

Ông Tô Văn Hùng, Chủ tịch Hội kiến trúc sư TP Đà Nẵng cho biết, đồ án quy hoạch là một chuyện nhưng việc quản lý quy hoạch mới quan trọng. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường TP đang cho số hóa tất cả các bản đồ quy hoạch, từ đó có cơ sở quản lý thống nhất. Cũng theo ông Hùng, hiện TP đang thuê tư vấn Surbana Jurong, đây là tư vấn có năng lực, nhưng giờ họ vẫn dè chừng, chưa đưa ra được một đột phá lớn. Nguyên nhân vì sau hội thảo đưa ra ý tưởng ban đầu về quy hoạch chung TP Đà Nẵng tới 2030 mới đây, có quá nhiều ý kiến, làm họ rối beng. Thôi thì phải định hướng thống nhất bám theo Nghị quyết 43, xây dựng Đà Nẵng là đô thị sinh thái, vùng đô thị kết nối với Lăng Cô, Điện Bàn, Hội An.

Thay đổi hướng  tiếp cận

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nói rằng, quá trình phát triển đô thị quá nhanh, nhất là trong 5 năm qua đã bộc lộ những hạn chế về quy hoạch trước đây. Chẳng hạn từ chỗ mong có nhà cao tầng đến chỗ phát triển nhà cao tầng mất kiểm soát, giờ sợ nhà cao tầng, nhất là khu vực ven biển. Hoặc nói Đà Nẵng có lợi thế thiên nhiên sông núi biển, tạo thành đô thị bản sắc, nhưng không thấy dựa vào núi mà cứ tập trung ra hết mặt biển. Hay khu vực ven vệt đường Phạm Văn Đồng, từ chỗ quy hoạch biệt thự, thế rồi thi nhau ghép thửa xây nhà cao tầng, quy hoạch dân từ 1,5 tới 2 ngàn người, giờ lên 6 ngàn người. Thử hỏi nếu làm đúng như quy hoạch biệt thự thì đâu có chịu áp lực về giao thông quá tải, cung cấp nước sạch, thoát nước… Rõ ràng, TP đang phải đối mặt với những áp lực lớn về đô thị, rất cần đóng góp trí tuệ của Hội quy hoạch đô thị TP. Cụ thể, một loạt vấn đề ông Nghĩa đặt ra với Hội. Chẳng hạn khu vực Hải Châu quay đi quay lại có hạ tầng lạc hậu nhất, vì quá cũ, bây giờ phải thiết kế lại thế nào, chọn ô nào quy hoạch, khi nào giải quyết những khu nhà ổ chuột, thấp tầng? Hoặc bán đảo Sơn Trà, ông Nghĩa nói coi đây như tờ giấy trắng, thuê tư vấn nước ngoài quy hoạch. Phải tiếp cận Sơn Trà một cách bài bản, trong đó phát triển phải gắn với bảo tồn thiên nhiên, sống chết cũng phải giữ bán đảo Sơn Trà bảo tồn.

Đặc biệt, ông Nghĩa cho biết, nhiều dự án lớn của TP cũng phải rất lắng nghe tư vấn để có cái nhìn thấu đáo. Chẳng hạn cảng Tiên Sa thiết kế 10-12 triệu tấn, giờ mới đạt 6 tấn, đã nên kết thúc vai trò của cảng này hay chưa, có nên xây cảng Liên Chiểu không? Nhiều ý kiến cho rằng vịnh Đà Nẵng rất đẹp, có thể phát triển như Dubai, xây cảng Liên Chiểu cả một vùng mặt nước sẽ bị đe dọa bởi ô nhiễm, tóm lại xây cảng Liên Chiểu rất lãng phí với một vịnh đẹp như Đà Nẵng. Hoặc không gian đô thị Đà Nẵng, có nhất thiết chỉ chăm chăm trong 800km hay phải mở rộng kết nối thành chuỗi đô thị rộng lớn từ Lăng Cô, Điện Bàn, Hội An? Sân bay Đà Nẵng về lâu dài vẫn giữ vai trò trọng yếu, đã thiết kế lên 30 triệu lượt khách, vậy việc kết hợp chia sẻ nguồn khách với Phú Bài, Chu Lai thế nào để hình thành một tổ hợp? Tất cả những vấn đề đó tư vấn đặt ra, xới lên TP đều phải lắng nghe, xem xét thấu đáo.

Đà Nẵng muốn bứt phá, phát triển trong giai đoạn mới cần bản quy hoạch đủ tầm. Việc điều chỉnh quy hoạch cũng sẽ hướng tới phục vụ cộng đồng, vì lợi ích cộng đồng, vì sự phát triển bền vững.  Đây là giai đoạn bước ngoặt về quy hoạch của TP, nói như ông Nghĩa, nếu không quyết tâm lúc này thì không còn cơ hội, không gỡ được.

HẢI QUỲNH