Đà Nẵng: Đánh thức nền nông nghiệp ngủ quên trong nhiều năm

Thứ hai, 20/08/2018 21:00

Trong quá trình đô thị hóa, người nông dân Đà Nẵng phải “nhường” đất cho các dự án, khu dân cư mới... Đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày một ít đi nhưng để củng cố, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và kinh tế biển..., TP Đà Nẵng đã có những hướng đi đúng đắn.

Khu quy hoạch rau sạch La Hường (P. Hòa Thọ Đông, Cẩm Lệ) thu hút nhiều nhà đầu tư trồng rau theo hướng công nghệ cao và khách du lịch.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Trong 10 năm qua, đất dành cho sản xuất nông nghiệp giảm gần 7.000 ha, tỷ trọng đóng góp cho nền kinh tế ngày một giảm. Để “đánh thức” nền nông nghiệp vốn đã “ngủ quên” nhiều năm qua, Đà Nẵng đã chủ động xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch cho người nông dân có cơ hội tiếp cận với nền nông nghiệp công nghệ cao, gắn liền với dịch vụ du lịch. Cụ thể, chuyển đổi 217,6 ha đất trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao, quy hoạch, đầu tư hạ tầng sản xuất chuyên canh rau an toàn, chuyên trồng hoa, xây dựng nhiều cánh đồng lúa sản xuất theo hướng hữu cơ... và áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch góp phần làm tăng năng suất lúa, giảm hao phí sức lao động, thời gian lao động tạo thêm thu nhập cho người nông dân.

Việc được tổ chức sản xuất các sản phẩm theo công nghệ cao, tiêu chuẩn VietGAP, Đà Nẵng bước đầu đã có những sản phẩm mang đặc trưng, như: nấm Linh chi Đà Nẵng, rau an toàn Hòa Vang, vú sữa Hòa Liên, bưởi da xanh Hòa Ninh...

Theo đánh giá của ông Nguyễn Phú Ban - Giám đốc Sở NN&PTNT: Việc diện tích đất canh tác bị thu hẹp hoàn toàn không ảnh hưởng đến đời sống người nông dân. Vì đời sống người nông dân hiện đại không bị bó buộc bởi những sản phẩm truyền thống, năng suất thấp, phải "một nắng, hai sương”. Thay vào đó, người nông dân phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật, liên kết... để sản phẩm làm ra được thị trường chấp nhận, không còn nỗi lo được mùa, mất giá...

Ông Mai Văn Y-Nông dân chuyên trồng rau sạch tại La Hường (Cẩm Lệ), cho biết: Sản phẩm rau sạch được các cửa hàng đặt mua tại chân ruộng vừa được giá, chẳng lo bị ế. Bên cạnh việc ưu tiên nguồn vốn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật... cho người nông dân phát triển kinh tế theo hướng trồng các loại rau, hoa... an toàn gắn với công nghệ cao, Đà Nẵng còn chú trọng phát triển đàn gia súc theo hướng tập trung, thân thiện với môi trường, với nhiều mô hình chăn nuôi mới, có hiệu quả...

Thời gian qua, Đà Nẵng đã xóa bỏ 19 điểm giết mổ nhỏ lẻ, nâng cấp, cải thiện 8 cơ sở giết mổ hiện có và xây dựng chuỗi cung cấp sản phẩm chăn nuôi an toàn... nhằm thu hút đầu tư chăn nuôi công nghệ cao và xúc tiến quy hoạch, xây dựng chợ đầu mối động vật, sản phẩm động vật và Trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm để đảm bảo môi trường, an toàn thực phẩm và tăng mức độ che phủ rừng nhằm cải thiện môi trường sống theo hướng xanh-sạch.

Gắn nông nghiệp với du lịch cộng đồng

Theo đánh giá của các chuyên gia về kinh tế, tỷ trọng đóng góp của ngành nông nghiệp cho GDP của thành phố chưa đến con số 10%. Dù bị "lép vế” trước các ngành Công nghiệp - Thương mại - Du lịch nhưng không ai có thể phủ nhận được vai trò của nó trong mối tổng quan của nền kinh tế. Theo ông Võ Công Trí - Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng: Để phát huy sức mạnh vốn có của nông nghiệp, Đà Nẵng phải thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ công tác nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, hài hòa trong sự phát triển chung của đô thị. Phải phát triển nông – lâm - thủy sản theo hướng công nghệ cao, sạch, bền vững gắn liền với công tác phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch... Thực hiện chủ trương đó, những mô hình trồng rau sạch gắn với du lịch sinh thái tại thôn Phong Nam (Hòa Châu), vùng cây ăn quả Hòa Ninh, vùng trồng hoa Hòa Xuân... ra đời để đáp ứng nhu cầu về tiêu dùng, tham quan của du khách trong, ngoài địa phương. Nhiều sản phẩm mang tính đặc trưng, như: gạo hữu cơ, trái cây... bước đầu đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn chú trọng đến việc phát triển khai thác xa bờ gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng vùng biển. Trong 5 năm qua đã đóng mới 91 tàu công suất 900 Cv trở lên, hình thành đội 16 tàu cá hoạt động khai thác kiêm dịch vụ hậu cần trên biển... và tổ chức xử lý môi trường, xây dựng cảng cá Thọ Quang thành điểm tham quan hấp dẫn cho du khách...  Theo đánh giá của đại diện sở Văn hóa-Thể thao: Việc phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao... đã nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn. Từ đó, người dân có điều kiện bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, chú trọng vào khai thác các giá trị văn hóa phi vật thể để xây dựng môi trường văn hóa nông thôn phát triển hài hòa, bền vững... phục vụ cho công tác phát triển loại hình du lịch sinh thái.

Mặc dù thế mạnh là công nghiệp, du lịch nhưng nông nghiệp vẫn đóng một vai trò nhất định trong quá trình phát triển của thành phố Đà Nẵng và là một bộ phận không thể tách rời trong cơ cấu kinh tế. Vì thế, việc xây dựng nền nông nghiệp Đà Nẵng theo hướng sạch, an toàn, công nghệ cao... gắn với các dịch vụ về du lịch... là xu thế tất yếu để góp phần đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm KT-XH của khu vực miền Trung-Tây nguyên.

M.T