Đà Nẵng: Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp

Thứ tư, 07/10/2015 09:00

(Cadn.com.vn) - Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang có dấu hiệu gia tăng mạnh trên phạm vi cả nước và dự báo tình hình dịch sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian đến, ngày 6-10, Đoàn công tác số 3 của  Bộ Y tế do ThS. Đỗ Thái Hùng – Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang dẫn đầu đã đến kiểm tra công tác triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh SXH trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Qua kiểm tra một hộ dân tại P. An Hải Bắc, Đoàn công tác phát hiện nhiều vật dụng trong nhà chứa loăng quăng, bọ gậy.

Địa phương trên địa bàn TP Đà Nẵng mà Đoàn công tác chọn kiểm tra thực tế về công tác phòng chống dịch SXH là Q. Sơn Trà. Theo Đội Y tế dự phòng quận, từ đầu năm 2015 đến ngày 31-7, trên địa bàn quận chỉ ghi nhận 6 trường hợp mắc SXH. Vậy nhưng, chỉ trong thời gian 2 tháng qua (tháng 8 và 9), số ca mắc bệnh SXH được ghi nhận đã là 47 trường hợp. Hiện nay, phường có người mắc bệnh SXH và ổ dịch nhiều nhất trên địa bàn Q. Sơn Trà là An Hải Bắc và Phước Mỹ. Dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nhưng người dân vẫn còn quá thờ ơ với công tác phòng chống dịch, nhiều người dân chỉ trông chờ vào việc cơ quan chức năng phun thuốc diệt muỗi mà không tích cực trong việc diệt bọ gậy, loăng quăng tại nhà và khu vực nơi mình đang sinh sống... Chính vì vậy, qua khảo sát tại 8 hộ gia đình ở P. An Hải Bắc, Đoàn công tác đã ghi nhận 3 hộ có rất nhiều bọ gậy, loăng quăng đang sinh sống tại các dụng cụ chứa nước ngay trong nhà...

Bác sỹ Tôn Thất Thạnh – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng (TTYTDP) cho biết, từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 277 trường hợp mắc bệnh SXH, không có trường hợp tử vong và hiện nay thành phố đang đứng thứ 7/11 tỉnh, thành tại khu vực miền Trung về tình hình dịch bệnh này. Cũng như các địa phương khác trong cả nước, tình hình dịch SXH trên địa bàn thành phố có dấu hiệu tăng nhanh từ tuần thứ 31 và đang tiếp tục tăng nhanh từng ngày. Hiện tại có 42/56 xã, phường trên địa bàn thành phố có người mắc SXH và toàn thành phố đã ghi nhận 27 ổ dịch nhỏ.

Các quận có số ca mắc SXH nhiều nhất đó là Liên Chiểu, Sơn Trà, Hải Châu... Bên cạnh đó, theo Sở Y tế thành phố, từ đầu năm đến nay, chỉ riêng BV Đà Nẵng và BV Phụ sản – Nhi đã tiếp nhận điều trị cho 444 trường hợp mắc SXH, trong đó bệnh nhân người Đà Nẵng là hơn 250 ca và số còn lại chủ yếu đến từ Quảng Ngãi, Quảng Nam, TT-Huế...

Riêng trong ngày 5-10, BV Đà Nẵng đã tiếp nhận 32 trường hợp nhập viện để điều trị SXH. Dù số lượng ca mắc bệnh SXH trên địa bàn thành phố đến hiện nay chỉ mới chiếm 10% so với đỉnh dịch vào năm 2013 (năm 2013 là 2.089 ca) nhưng với số lượng bệnh nhân tăng nhanh từng ngày như hiện nay thì rất đáng báo động. Bên cạnh đó, qua kết quả xét nghiệm cho thấy Đà Nẵng đã có xuất hiện một số trường hợp mắc bệnh SXH ở mức độ nặng. Chính vì vậy, nếu sự vào cuộc của các cơ quan chức năng không thật sự quyết liệt và ý thức của người dân vẫn không được nâng lên thì diễn biến của dịch bệnh SXH sẽ  rất nguy hiểm.

Nhắc nhở người dân tiêu diệt bọ gậy. 

Theo bác sỹ Ngô Thị Kim Yến – Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, trước tình hình dịch bệnh SXH có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, Sở Y tế đã chỉ đạo TTYTDP tiến hành điều tra, giám sát và xử lý các ổ dịch bệnh SXH tại các địa phương. Đồng thời, tiến hành giám sát chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy được triển khai tại các điểm “nóng”; điều tra sự biến động véc tơ SXH tại một số phường và chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, vật tư, hóa chất sẵn sàng đáp ứng chống dịch SXH trên địa bàn TP.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đề nghị Trung tâm y tế các quận, huyện cần phối hợp với Phòng Y tế quận, huyện tham mưu UBND quận, huyện chỉ đạo triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng hằng tuần, tăng cường công tác kiểm tra hoạt động phòng chống SXH tại các cơ quan, đơn vị, trường học, nhóm trẻ gia đình, khu ký túc xá sinh viên và các tổ dân phố. Cũng như, thực hiện nghiêm túc về công tác điều tra, giám sát, ghi nhận, báo cáo ca bệnh, xử lý theo đúng quy trình hướng dẫn.

Đặc biệt, chú ý xử lý triệt để các ca bệnh SXH riêng lẻ và các ổ dịch trên địa bàn quản lý. Ngoài ra, các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố phải tích cực phối hợp với các đơn vị y tế dự phòng trong việc ghi nhận, lấy mẫu bệnh phẩm và xử lý ca bệnh... Đối với các cơ sở điều trị, Sở Y tế chỉ đạo phải luôn trong trạng thái sẵn sàng và chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, cơ số thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang phục bảo hộ và các trang thiết bị cần thiết nhằm sẵn sàng đáp ứng tốt nhất cho công tác phòng chống dịch, không để dịch bệnh lây lan trong diện rộng cũng như diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, Sở Y tế TP cũng đã gửi công văn đề nghị UBND các quận, huyện chủ động chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác phòng chống dịch; huy động các ban, ngành, đoàn thể và người dân tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy phòng chống SXH...

Đồng thời, tiếp tục tăng cường đẩy mạnh công tác truyền thông, nhất là các nội dung tuyên truyền phải thật sự gọn, đơn giản, dễ hiểu và dễ đi vào lòng người, không nên dàn trải và quá lan man. Và, nếu được ngành Y tế thành phố nên chọn các trường học để tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các em học sinh để các em có thể thực hành ngay tại chính ngôi nhà mình. Bên cạnh đó, hiện tại Đà Nẵng đã xuất hiện một số trường hợp nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong bất cứ lúc nào nên đòi hỏi các cơ sở điều trị phải hết sức thận trọng và nêu cao tinh thần cảnh giác, không được lơ là trong quá trình theo dõi, điều trị...Phát biểu tại buổi kiểm tra, Ths. Đỗ Thái Hùng – Trưởng đoàn công tác số 3 đánh giá cao công tác phòng chống dịch SXH của ngành Y tế TP Đà Nẵng trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo ông Hùng để dịch bệnh không thể tiếp tục “bay cao, bay xa” và nhằm hạn chế thấp nhất những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra thì trong thời gian đến ngành Y tế thành phố cần tiếp tục chủ động trong công tác phòng chống dịch cũng như tìm kiếm những mô hình phòng chống dịch phù hợp cho từng địa phương.

T.Dũng