“Đà Nẵng - điểm nghỉ dưỡng hàng đầu trên chiến trường xưa”

Thứ hai, 23/11/2015 09:05

(Cadn.com.vn) - LỜI TÒA SOẠN: “50 năm sau ngày quân đội Mỹ đặt chân lên mảnh đất Đà Nẵng, làn sóng du lịch mới xuất hiện tại đô thị này của Việt Nam – Đà Nẵng - nơi núi rừng, biển cả và thành phố giao thoa thành một tổng thể hoàn hảo”. Đó là những lời mở đầu bài viết “Đà Nẵng – điểm nghỉ dưỡng hàng đầu trên chiến trường xưa” của tác giả Katie Liesener trên trang du lịch nổi tiếng Traveller.

Ấn tượng với cách tiếp cận của Katie Liesener, các dịch giả Thanh Hoàng - hướng dẫn viên du lịch và tay viết không chuyên, cùng với Hoàng Long – tiến sĩ, nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Đà Nẵng, đã dịch bài viết trên và hy vọng qua Báo Công an TP Đà Nẵng, có thể chuyển đến bạn đọc. Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết của Katie Liesener, với bản dịch của Thanh Hoàng – Hoàng Long:

Tôi đã kết bạn với Kim, một du khách người Việt, chúng tôi có điểm chung là cùng phải lòng TP Đà Nẵng - nơi duy nhất ở Việt Nam bạn có thể tận hưởng trọn vẹn một bức tranh “Núi trong lòng thành phố, phố trong lòng biển khơi”.

Ngũ Hành Sơn - điểm du lịch nổi tiếng của TP Đà Nẵng được tác giả Katie Liesener nêu trong bài viết. Ảnh: Nguyễn Lê

Cách đây 50 năm, vào năm 1965 Mỹ đổ quân xuống Đà Nẵng khởi đầu cuộc chiến tranh Việt Nam, sự kỳ diệu của vùng đất này đã gây ấn tượng mạnh với các nhà hoạch định chiến lược. Các ngọn núi được lồng hệ thống tình báo radar, thành phố cung cấp lực lượng lao động dân sự, tàu thuyền neo đậu tại cảng và quân lính có thể tịnh dưỡng bên bờ biển.

Ngày nay, hầu như không còn dấu vết nào từ cuộc chiến tranh đế quốc Mỹ để lại và cảng hàng không – Sân bay quốc tế Đà Nẵng – trở thành nơi tiếp đón số lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước. Rất nhiều du khách xem Đà Nẵng như một điểm trung chuyển, để từ Đà Nẵng du khách dễ dàng di chuyển tham quan các Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận như phố cổ Hội An hay Cố đô Huế. Một số khác lại lựa chọn những khu nghỉ dưỡng sang trọng. Còn tôi và Kim mong muốn trải nghiệm một Đà Nẵng thực sự - thành phố nằm trong vịnh biển hình lưỡi liềm và được bao bọc bởi bạt ngàn rừng núi. Chúng tôi chọn xe máy làm phương tiện cho chuyến khám phá của mình.

Xuất phát từ trung tâm thành phố, đúng 30 phút sau chúng tôi đặt chân lên dãy Trường Sơn – Đèo Hải Vân. Trước đây, tôi đã từng tham quan Ngũ Hành Sơn nơi chỉ với 75 cents (0,75 USD) bạn có thể khám phá những con đường sỏi đá với nhiều ngã rẽ ngẫu nhiên nhất. Những ngôi đền tĩnh mịch, hang động với nhiều bức tượng kỳ quái, những ngọn núi yên bình, các dấu hiệu được vẽ ngoằn ngoèo không lời chú thích, tất cả điều này hòa trộn vào vẻ đẹp huyền bí của Ngũ Hành Sơn trong sương khói mờ ảo. Bên dưới là những chuyến tàu lèo lách như khắc vào đường ray. Đàn dê núi gặm cỏ dọc theo các vách núi cheo leo. Và đỉnh Hải Vân Quan – một di tích của triều đình Việt Nam chống sự xâm lăng của giặc ngoại xâm.

Vào buổi trưa, Kim và tôi chạy xe xuống núi, nếu không muốn nói là trượt xuống. Tôi không chắc, trong thành phố hàng triệu người, chúng tôi lại chọn cắm trại tại một bãi biển vắng người ở bán đảo Sơn Trà – đây là bãi biển vắng vẻ thứ 3 trong số những bãi biển chúng tôi đi qua lúc sáng. Biển Đà Nẵng được trang bị các thiết bị tập thể thao công cộng, những môn thể thao biển như lướt sóng, dù bay,... cũng được người dân và du khách đón nhận, trải nghiệm như ở Bãi biển Venic (Italia). Đêm xuống, ánh đèn tỏa ra từ những nhà hàng hải sản nhộn nhịp như lễ hội: Thau chậu chứa đa dạng các loài hải sản, xô đá, bia, vỏ cua, hến vung vãi khắp sàn. Kim và tôi đã chạy chớp nhoáng trong cảnh hoàng hôn chỉ để tìm nơi bán bánh nậm – loại bánh ăn nhanh đặc sản miền Trung, Việt Nam.

Mặc dù là một thành phố quốc tế, với khung cảnh về đêm - có đầu bếp nổi tiếng thế giới Michelin, có quán cà-phê, có cả nơi chế biến bia Tiệp nhưng Đà Nẵng vẫn giữ được nét bình dị cho riêng mình. Hát karaoke là đặc sản giải trí địa phương, trên đại lộ mua sắm như đường Lê Duẩn, bạn khó lòng cưỡng lại hàng đống bảng giảm giá. Chúng tôi đi ngang qua vài du khách phương Tây trên đường phố. Sau bữa tối, Kim nói: “Chúng ta còn thêm một điểm tham quan nữa”.

Vậy là chúng tôi chuyển hướng đến Cầu Rồng, nơi vào mỗi dịp cuối tuần trình diễn Rồng phun nước và lửa phục vụ du khách. Băng qua bên kia sông để tiếp tục trải nghiệm thức uống đặc sản Đà Nẵng - nước mía, cứ như những đứa trẻ, chúng tôi thích mê ly màu vàng óng ánh của ly nước mía. Đà Nẵng về đêm được bao bọc bởi lung linh sắc màu từ những cây cầu, bến cảng, những tòa nhà cao tầng,... Kim đang suy tư. Hai đứa khẽ nhấm ly nước. Thành phố trẻ Đà Nẵng đang phản chiếu từ dòng sông như chân dung tự họa, khung cảnh thật yên bình.

Thanh Hoàng - Hoàng Long (dịch)