Đà Nẵng: Doanh nghiệp “kêu khó” chuyện mặt bằng sản xuất
(Cadn.com.vn) - Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đà Nẵng vừa qua, có ý kiến cho rằng, tuy nhiều năm đứng đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, nhưng chỉ số thành phần về tiếp cận đất đai của DN vẫn ở mức thấp điểm, thậm chí chưa năm nào được cải thiện...
Thực tế cho thấy, nhu cầu về mặt bằng sản xuất của các DN tại Đà Nẵng ngày càng trở nên bức thiết, và là bài toàn đặt ra cho Đà Nẵng hiện nay trong thực hiện chính sách hỗ trợ DN theo Đề án phát triển DN Đà Nẵng đến năm 2020.
“Cụm công nghiệp nhỏ và vừa” vẫn chưa thành hiện thực
Theo ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thành phố Đà Nẵng, trong những năm trở lại đây, cộng đồng DNNVV của trong nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, lực lượng này còn nhiều yếu thế, “sức khỏe” ngày càng yếu đi do phải đối mặt với quá nhiều khó khăn.
Ông Bình cho rằng, một trong những vấn đề quan trọng, thậm chí có tính quyết định là nhu cầu về mặt bằng sản xuất của các DN rất lớn nhưng hiện tại vẫn chưa đáp ứng được. Vấn đề này ngày càng trở nên bức thiết khi các DNNVV trong khu dân cư sẽ phải thực hiện việc di dời theo quyết định của thành phố. “Bằng chứng là đa số trong 52 kiến nghị gửi thành phố thời gian qua, hầu hết các DN đều có kiến nghị liên quan đến lĩnh vực đất đai, mặt bằng”, ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, hiểu rõ được nhu cầu bức xúc này, từ đầu năm 2015, Hiệp hội DNNVV đã tiến hành lập hồ sơ, thủ tục và góp vốn thành lập Công ty CP đầu tư Cụm công nghiệp NVV thành phố, xin tham gia đấu thầu khu đất đã quy hoạch 6ha ở P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu để xây dựng hạ tầng khu kho tàng cho DNNVV thuê. “Chúng tôi nghĩ rằng, với một khu đất có diện tích nhỏ như vậy dành cho cộng đồng DNNVV thuê mặt bằng (mỗi DN chỉ cần thuê 500-1.000m2 cũng đã giải quyết được cho hàng trăm DN thuê). Nếu được chấp thuận thì đây chính là thể hiện rõ nét sự đồng hành của chính quyền thành phố, qua đó tạo được niềm tin cho cộng đồng DN”, ông Bình nêu đề xuất. Tuy nhiên theo ông Bình, đến nay đã gần 2 năm trôi qua vẫn chưa được giải quyết, mặc dù đã có công văn chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố.
Sắp tới Đà Nẵng sẽ mở thêm một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tuy nhiên, các DN, hiệp hội DN vẫn lo lắng về “tính khả thi” của nó (ảnh minh họa). |
Cấp quận cũng bức xúc
Đồng quan điểm nêu trên, đại diện Hội DN Q.Cẩm Lệ cũng đề nghị thành phố, các sở, ban ngành có liên quan tích cực và đẩy nhanh việc hình thành Cụm công nghiệp (CCN) của quận nhằm hỗ trợ mặt bằng cho các DN đang bức xúc vì nằm trong khu dân cư và có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất. “Đây là nguyện vọng và là bức xúc của nhiều DN hội viên và của hơn 200 cơ sở sản xuất trên địa bàn; đặc biệt đối với các DN sản xuất nằm trong khu dân cư ở các phường Hòa An, Khuê Trung, Hòa Thọ Đông, Hòa Phát”, đại diện Hội DN Cẩm Lệ nói.
Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KHĐT thành phố cho biết, trong năm 2016, thành phố tiếp nhận tổng cộng 201 kiến nghị từ cộng đồng DN, đầu năm 2017 đến nay tiếp nhận 69 kiến nghị, vướng mắc, thì lĩnh vực mà cộng đồng DN quan tâm nhất là đất đai, nhu cầu sử dụng đất của DN để thực hiện dự án, mở rộng SXKD. Qua các kiến nghị của DN, ông Sơn thừa nhận nhu cầu về mặt bằng sản xuất của các DN ngày càng trở nên bức thiết. Trong khi đó, theo ông Sơn, trên địa bàn thành phố có 6 KCN và 1 CCN thì đã gần lấp đầy (gần 87%). Do đó, UBND thành phố đã phê duyệt quy hoạch thêm 4 KCN và 8 CCN mới. Trong số đó, hiện UBND thành phố đã có chủ trương thành lập 3 CCN gồm CCN Cẩm Lệ (bên cạnh KCN Hòa Cầm), CCN Hòa Nhơn (bên cạnh KCN Hòa Nhơn) và CCN Hòa Khánh Nam (gần KCN Hòa Khánh và KCN Hòa Khánh mở rộng. “Khi đó, các DNNVV trong khu dân cư có thể được di dời vào các CCN, đồng thời sẽ là DN vệ tinh cho các DN trong các KCN”, ông Sơn khẳng định.
Ông Sơn cho biết thêm, hiện Sở Công Thương đang chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện triển khai các thủ tục thành lập, đầu tư xây dựng các Cụm CN trên, dự kiến sẽ triển khai trong năm 2018.
Cho đây là một tín hiệu đáng mừng cho cộng đồng DN, cho sự phát triển kinh tế của thành phố trong những năm tới, tuy nhiên, ông Phạm Bắc Bình vẫn tỏ ra lo ngại khi cho rằng, biết đến bao giờ các KCN và CCN này hình thành và đưa vào hoạt động. “Vì để hình thành được 1 KCN hay 1 CCN phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong khi ngân sách thành phố có hạn và còn nhiều việc quan trọng khác phải chi; còn kêu gọi đầu tư thì không phải dễ dàng gì một sớm một chiều có được”, ông Bình tỏ ra lo lắng.
D.Hùng