Đà Nẵng “giải cứu” san hô

Thứ hai, 07/09/2015 09:59

(Cadn.com.vn) - Dù được đánh giá là sở hữu 104,6 ha rạn san hô, đa dạng không kém Nha Trang hay Cù lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) nhưng khu vực “thủy cung Sơn Trà” của Đà Nẵng chưa thu hút được sự khám phá của du khách. Không những thế, san hô ở đây đang đối diện với nhiều nguy cơ bị hư hại do việc khai thác du lịch tự phát, nhỏ lẻ cũng như sự thiếu ý thức bảo vệ của một bộ phận ngư dân và du khách.

Vùng biển ở bán đảo Sơn Trà sở hữu những rạn san hô rất đẹp.

ĐỐI MẶT NHIỀU NGUY CƠ

* Năm 2010 chỉ có 1 doanh nghiệp và 3 cá nhân kinh doanh tự phát với 3 phương tiện khai thác du lịch dựa vào san hô. Đến nay đã có tổng cộng 20 phương tiện hoạt động thuộc 5 doanh nghiệp và 7 cá nhân khai thác 2 tour chính là lặn ngắm san hô và câu cá cùng ngư dân. Tuy nhiên, công tác phối hợp bảo tồn đa đạng sinh học san hô tại vùng biển ven bán đảo Sơn Trà chưa thực sự chuyên nghiệp để có thể phát triển du lịch bền vững.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Hải Dương học Nha Trang, vùng biển Đà Nẵng có 104,6 ha rạn san hô; 26,2 ha các thảm rong biển và 10 ha thảm cỏ biển. Các hệ sinh thái này phân bố tập trung chủ yếu ở Hòn Sụp, Bãi Bụt, Bãi Nồm, Hục Lỡ, Vũng Đá thuộc khu vực phía Nam bán đảo Sơn Trà. Cũng theo nghiên cứu này, khu hệ động thực vật trong các địa điểm nói trên rất đa dạng với 191 loài san hô cứng tạo rạn, 3 loài cỏ biển, 72 loài rong biển, 162 loài cá rạn san hô, 53 loài động vật thân mềm, 383 loài động thực vật phù du. Với các khảo sát nói trên, ông Nguyễn Văn Long (chuyên gia của Viện Hải Dương học Nha Trang) khẳng định san hô tại bán đảo Sơn Trà đa dạng, phong phú không kém Nha Trang hay Cù lao Chàm.

Tuy rộng lớn về diện tích, phong phú về chủng loại nhưng san hô Đà Nẵng như “công chúa ngủ trong rừng”, gần như nó chưa nằm trong cẩm nang du lịch của du khách gần xa. Thậm chí nhiều người dân địa phương cũng còn chẳng biết Đà Nẵng sở hữu vùng bờ biển đẹp như thủy cung. Trong khi công tác quảng bá chưa được thực hiện hiệu quả thì các rạn san hô đã đối diện với nhiều nguy cơ bị hư hại mà nguyên nhân chính xuất phát từ thói quen neo đậu tàu thuyền, đánh bắt hải sản gần bờ của một số ngư dân, cách khai thác du lịch tự phát, thiếu chuyên nghiệp của một số doanh nghiệp. Không những thế, nhiều bãi san hô ở vị trí cạn đã bị dẫm nát khi du khách tự ý khám phá, thậm chí tắm xong họ còn bẻ thêm để mang về làm kỷ niệm!

 Theo đánh giá của khách du lịch, san hô tại bán đảo Sơn Trà đẹp không kém ở Nha Trang hay Cù lao Chàm. 

Theo Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, công tác bảo tồn san hô trong thời gian qua còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó nổi bật là việc người dân địa phương lấn chiếm lồng bè, rớ, thuyền thúng, đặc biệt là vào mùa mưa và mùa đánh bắt hải sản gần bờ. Cạnh đó, cơ quan quản lý, chính quyền địa phương chưa tổ chức được các chương trình làm vệ sinh san hô, chưa có hoạt động nuôi trồng, cấy ghép, nhân giống trong khi việc đánh bắt của ngư dân đã có những tác động tiêu cực đến các rạn san hô trong khu vực. Đối với các khu vực nước cạn, chỉ cần một tàu cá lướt qua, một cái mỏ neo thả xuống cũng có thể làm chết, hư hại hàng chục mét vuông san hô, rong cỏ đẹp như trong tranh.

Trong một lần đi khảo sát thực tế cùng Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, rất nhiều người trầm trồ với vẻ đẹp mê hoặc của san hô ở Hòn Sụp bao nhiêu thì xót xa tiếc nuối cho san hô ở Bãi Nồm bấy nhiêu. Vùng eo biển uốn sâu vào trong núi được bao quanh bởi nhiều nhà hàng, điểm du lịch này san hô bị đạp gãy, thoái hóa rất nhiều. Đã thế tại một số nơi, rác sinh hoạt như túi nilon, vỏ bia, nước ngọt... trôi nổi hoặc bị cuốn sâu vào trong gốc hoặc vướng trên cành san hô.

Một rạn san hô đẹp ở vùng biển bán đảo Sơn Trà.

“BIỆT ĐỘI GIẢI CỨU SAN HÔ”

Ông Nguyễn Đức Vũ – Phó Trưởng Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, đơn vị đang phối hợp với các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương vào cuộc để bảo tồn san hô, phục vụ cho việc khai thác hiệu quả, bền vững du lịch biển. Hiện tại, hàng năm Ban Quản lý thực hiện việc thả phao khoanh vùng bảo vệ san hô tại Hòn Sụp đồng thời triển khai kế hoạch duy tu phao dây định kỳ vào mùa mưa. Với khu vực chịu nhiều tác động, các đơn vị khai thác đã thực hiện xã hội hóa thả 7 bù neo để các tổ chức, cá nhân neo đậu phương tiện đường thủy không thả neo xuống làm hư hỏng các thảm san hô.

Theo ông Vũ, một “biệt đội giải cứu san hô” đã được thành lập và hoạt động liên tục trong những năm qua. “Biệt đội” này bao gồm cán bộ của Ban Quản lý, nhân viên các nhà hàng và người dân 2 phường Mân Thái, Thọ Quang của Q. Sơn Trà. “Những lúc có khách tham gia lặn ngắm san hô, lực lượng sẽ cử người theo dõi và hướng dẫn du khách biết chỗ nào được vào, nơi nào cấm. Định kỳ hàng tuần, các tổ sẽ cắt cử người dọn vệ sinh trên và dưới mặt nước. Chính ý thức vừa khai thác, vừa bảo vệ trong thời gian qua đã hạn chế được nhiều tác động tiêu cực đến các rạn san hô”, ông Vũ nói.

 “Biệt đội giải cứu san hô” dọn vệ sinh định kỳ trên và dưới mặt nước. Ảnh: Sao Media

Ông Nguyễn Dinh, tổ trưởng tổ khai thác kết hợp bảo vệ nguồn lợi thủy sản P. Thọ Quang cho rằng, tận dụng các kỹ năng của một ngư dân, việc hướng dẫn du khách lặn ngắm san hô cũng như dọn vệ sinh, bảo vệ nguồn lợi này không có gì là khó khăn. Vừa được làm nghề mình thích, vừa bảo vệ được nguồn lợi lại vừa có thu nhập nên anh em trong tổ làm việc rất có trách nhiệm. “Chúng tôi gọi đây là biệt đội giải cứu san hô vì thấy nó rất cấp bách và cần thiết. Song song với công việc này, mỗi thành viên còn phải làm nhiệm vụ của một người tuyên truyền, xây dựng ý thức du lịch có trách nhiệm đối với du khách gần xa. Việc này rất quan trọng vì mình có làm bao nhiêu mà họ không tự giác, thiếu ý thức thì cũng không có hiệu quả”, ông Dinh tâm sự.

Ông Nguyễn Đức Vũ cho hay, trong thời gian tới, Ban Quản lý, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp cùng Sở NN&PTNT tham mưu UBND thành phố một số nội dung liên quan đến công tác quản lý và bảo vệ san hô. Trong đó sẽ khoanh vùng các khu vực được phép neo đậu tàu thuyền, vùng giảm tốc độ, vùng được phép lặn ngắm san hô và vùng phải bảo vệ nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, đối với khu vực đã giao cho các dự án du lịch, cơ quan chức năng cũng đề nghị UBND thành phố yêu cầu chủ dự án nhanh chóng thực hiện thả phao khoanh vùng và cử người bảo vệ san hô tại khu vực mặt nước được giao quản lý.

Công Khanh