Đà Nẵng giải cứu vườn thú

Thứ sáu, 01/09/2017 11:00

Hơn 30 năm tồn tại, vườn thú trong Công viên 29-3  TP Đà Nẵng) từng là nơi thu hút sự quan tâm của nhiều người dân, đặc biệt các em nhỏ mỗi dịp lễ, tết. Tuy nhiên, với rất nhiều trở ngại, mới đây đơn vị chủ quản vườn thú là Cty Công viên Cây xanh Đà Nẵng đã đề xuất TP cho... giải tán.

Lác đác khách tới tham quan vườn thú. 

Nói là vườn thú theo từ của văn bản hành chính, chứ thực tế gọi là các chuồng thú sắp xếp trong một khu vực trên diện tích khoảng 200 m2 thì đúng hơn. Với 23 cá thể, trong đó có 12 con nai được ở chung trong diện tích khoảng 100m2, còn lại khỉ, trăn, cá sấu, cầy mực đều được nhốt vào lồng riêng. Không gian chật chội khiến các con thú sống rất bức bối. 8 chú khỉ không được sống bầy đàn, không có cây cối để leo trèo mà chỉ được nuôi trong những "nhà sắt" chật chội. Ông Nguyễn Hữu Kim, Phó Giám đốc Cty Công viên Cây xanh cho biết, công viên 29-3 được thành lập năm 1977, thì khoảng năm 1983 có vườn thú này. Thời điểm đầu có nhiều vườn thú cho tặng, số lượng thú đưa về đây cũng đa dạng, có cả một số loại thú nguồn gốc châu Phi, được người xem rất thích thú. Tuy nhiên trải qua thời gian, tới nay số lượng thú còn không nhiều, chủng loại không đa dạng và giá trị cuốn hút người xem không lớn. Hiện nay vào ngày thường và cả cuối tuần, người tới công viên ngắm vườn thú chỉ lác đác. Ngoài việc thiếu sức hút người xem thì việc giải quyết khâu vệ sinh cho thú tại đây cũng rất hạn chế cũng khiến khách ngại đến xem. 

Mặc dù hiệu quả phục vụ của vườn thú đã giảm nhiều so với những năm trước đây, tuy nhiên công tác chăm sóc vẫn tốn khá nhiều thời gian, kinh phí, chưa kể những người chăm sóc vườn thú cũng không có chuyên môn. Anh Lê Xuân Linh và chị Phùng Thị Ánh Tuyết là 2 công nhân được cắt cử trông coi vườn thú, hằng ngày dọn vệ sinh vườn thú 2 lần, cho thú ăn 2 bữa, theo dõi biểu hiện của thú để biết có bệnh tật, đau ốm để chữa trị. Công việc chỉ có vậy nhưng ngốn rất nhiều thời gian. Anh Linh kể, thường mỗi ngày sau khi dọn vệ sinh vườn thú, anh phải đi xe máy ra các khu vực vùng ven TP cắt cỏ về cho nai. Là người quen công việc này từ mấy chục năm nên anh Linh biết rất rõ khu vực nào có cỏ, loài cỏ gì nai thích ăn, số lượng bao nhiêu là vừa. Với các loại cá sấu, trăn thường ăn gà, thịt hay khỉ ăn trái cây, cơm thì khâu lo thức ăn có phần đơn giản hơn. Cả anh Linh và chị Tuyết đều bảo mình là công nhân không có chuyên môn gì về chăm sóc thú, do được phân công làm nhiều thành quen. Hai người cũng chưa từng được đi tập huấn ở các vườn thú lớn về quy trình chăm sóc, cách điều trị bệnh, phát triển đàn... nên cứ làm đến đâu hay đến đó. Khi theo dõi có con thú nào trong vườn biểu hiện bỏ ăn, mệt mỏi thì báo cho một chị làm trong văn phòng Cty Công viên Cây xanh có chuyên môn về thú y để ra mua thuốc tự điều trị.

Không gian chật chội, chủng loại đơn sơ là nguyên nhân khiến vườn thú thiếu sức hút.

Ông Nguyễn Hữu Kim cho biết, phần lớn nguồn kinh phí duy trì vườn thú do Cty tự bỏ ra chứ không được cấp. Xét về mặt nhân lực, chi phí, về giá trị phục vụ hơn nữa mình cũng không phải là đơn vị chuyên chăm sóc vườn thú nên gặp không ít khó khăn. Thế nên Cty đã đề xuất TP xin chủ trương việc giải thể vườn thú. Còn cụ thể phương án thế nào, đưa thú đi đâu, thả về rừng hay tặng lại các vườn thú khác thì vẫn phải chờ. Chiều 31-8, Sở Xây dựng Đà Nẵng họp với các đơn vị liên quan nhằm đưa ra hướng giải quyết cụ thể với vườn thú này.

HẢI QUỲNH