Đà Nẵng: Giảm lượng tàu đánh bắt gần bờ
(Cadn.com.vn) - Ngày 13-6, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về chính sách hỗ trợ ngư dân sau ảnh hưởng của việc cá chết hàng loạt dọc biển các tỉnh Bắc Trung Bộ. Tại cuộc họp, Sở NN&PTNT cũng đã thông báo về lộ trình giảm lượng tàu đánh bắt gần bờ trong chiến lược bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát triển du lịch.
Hỗ trợ ngư dân
Ông Nguyễn Đỗ Tám – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố cho biết, vụ việc cá chết ở dọc biển các tỉnh Bắc Trung Bộ vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, thu nhập của bà con ngư dân, tiểu thương buôn bán, kinh doanh hải sản Đà Nẵng. Chính vì vậy, qua khảo sát, đánh giá, Sở đề xuất UBND thành phố hỗ trợ động viên tàu cá khai thác ven bờ hỗ trợ một lần mức 1 triệu đồng/phương tiện dưới 20CV (tổng cộng 825 phương tiện) và 2 triệu đồng/tàu từ 20CV đến dưới 90CV (456 tàu).
Bên cạnh đó, thành phố cũng cần hỗ trợ phí mặt bằng đối với tiểu thương tại chợ đầu mối Thọ Quang trong thời điểm buôn bán khó khăn cũng như kinh phí lấy mẫu đối với doanh nghiệp đã cung ứng hải sản sạch bán cho người dân tại các chợ vào thời điểm tâm lý người tiêu dùng hoang mang, e ngại. Đối với 333 tiểu thương tại chợ đầu mối Thọ Quang, hình thức hỗ trợ sẽ cấp bù cho Ban Quản lý cảng cá và âu thuyền, đơn vị này sẽ không thu tiền mặt bằng của các tiểu thương trong tháng 5-2016.
Ông Huỳnh Đức Thơ cho rằng, việc quan tâm đến các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hiện tượng cá chết là rất cần thiết vì thực tế họ đã đối mặt với rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, thành phố đồng ý chủ trương và yêu cầu Sở NN&PTNT và các cơ quan liên quan cần sớm hoàn thành thủ tục, hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng để đảm bảo ổn định cuộc sống của ngư dân, tiểu thương cũng như thị trường hải sản trên địa bàn thành phố. “Mức hỗ trợ này là không lớn, nhưng thể hiện sự đồng hành, chia sẻ khó khăn của chính quyền với người dân”, ông Thơ nói. Theo chỉ đạo của ông Thơ, tổng mức hỗ trợ đối với các tàu trong diện trên cũng như 333 tiểu thương tại âu thuyền Thọ Quang và kinh phí kiểm mẫu của một Cty cung ứng hải sản sạch, giá ổn định trong thời điểm hải sản thành phố bị “vạ lây” bởi hiện tượng cá chết hàng loạt ở Bắc Trung Bộ là khoảng 2,1 tỷ đồng.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng thăm hỏi, động viên ngư dân tại âu thuyền Thọ Quang. Ảnh: Công Khanh |
Giảm thiểu tàu khai thác vùng biển gần bờ
Cũng tại cuộc họp, Sở NN&PTNT đã trình lãnh đạo thành phố đề án “Giảm số lượng tàu khai thác hải sản ở vùng biển ven bờ” nhằm hướng tới việc chuyên nghiệp hóa hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi gần bờ, giữ môi trường biển an toàn để phục vụ du lịch. Theo thống kế, hiện toàn thành phố có 777 phương tiện dưới 20CV đang hoạt động. Để thực hiện đề án này, từ nay đến năm 2020, Đà Nẵng cần 21 tỷ đồng để thu mua 577 phương tiện (474 thúng chai và 103 tàu dưới 20CV) đồng thời thực hiện chuyển đổi ngành nghề cho khoảng 1.100 lao động.
Theo ông Nguyễn Thành Nam – Phó Chủ tịch UBND Q. Sơn Trà, địa phương chiếm phần lớn lượng phương tiện trong diện này, điều quan trọng nhất vẫn là chuyển đổi ngành nghề, tạo sinh kế cho bà con ngư dân, những gia đình đã gắn bó lâu đời với nghề đi biển. Ông Nam cho biết, để chuẩn bị cho việc thực hiện đề án này, chính quyền quận đã làm việc với các doanh nghiệp có dự án trên địa bàn, đặc biệt là tập đoàn Sun Group về việc hỗ trợ việc làm cho những người thuộc diện chuyển đổi ngành nghề do quy hoạch việc khai thác, đánh bắt, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Ông Lưu Quang Khánh – Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản thành phố cho rằng, việc giảm số lượng tàu đánh bắt ven bờ là chủ trương đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên phải thực hiện có lộ trình chứ không thể làm một lúc vì ảnh hưởng đến đời sống rất nhiều hộ dân. Trên thực tế hiện có rất nhiều người có thu nhập ổn định tại các khu vực bãi ngang, gần bờ. Nếu thực hiện ngay thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề khác, đặc biệt là áp lực việc làm.
Ông Huỳnh Đức Thơ khẳng định, chủ trương giảm tàu khai thác gần bờ, đầu tư cho đánh bắt xa bờ để nâng cao chất lượng cũng như hài hòa giữa việc đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi là hết sức cần thiết và phải thực hiện. Tuy nhiên không phải vì để thực hiện nhanh mà khiến cuộc sống người dân khó khăn hơn, phát sinh nhiều vấn đề khác. Chủ tịch UBND thành phố lưu ý, sau khi thu mua phương tiện công suất nhỏ của người dân thì công tác quản lý như thế nào cho hợp lý. Phải chủ động trước việc có thể xuất hiện việc một số người lợi dụng chủ trương này rồi huy động thúng máy, thuyền máy từ khắp nơi về đây để làm hồ sơ tìm cách nhận hỗ trợ.
Công việc này cũng giống như công tác đền bù giải tỏa, nếu không thống kê cụ thể, không nắm chắc số lượng phương tiện, con người thì rất dễ xảy ra những phát sinh để “chạy hỗ trợ”. “Phải kiên quyết thực hiện, nhưng làm đúng lộ trình, không nóng vội. Sở NN&PTNT phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, chính quyền cơ sở, các cơ quan liên quan tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân để xem họ khó khăn như thế nào, nhu cầu gì nhằm đưa ra những chủ trương hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi ngành nghề phù hợp. Đảm bảo khi thực hiện đề án, cuộc sống người dân phải tốt hơn chứ không để họ khó khăn hơn, thất nghiệp, phải đi bán kẹo kéo, bu bám khách du lịch”, ông Thơ chỉ đạo.
Công Khanh